Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Ủy ban Giải thưởng Kovalevskaia Nguyễn Thị Doan, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga chúc mừng 2 nhà khoa học nữ được trao Giải thưởng Kovalevskaia năm 2023 là PGS.TS Đào Việt Hà và GS.TS Hoàng Thị Thái Hòa (thứ 3 trái ảnh qua) |
GS.TS Hoàng Thị Thái Hòa: Theo đuổi nghiên cứu ứng dụng biện pháp phi hóa học, giải quyết vấn đề an toàn nông sản và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trong sản xuất cây trồng
Khoa Nông học, Trường Đại học Nông Lâm Huế, tiền thân là Khoa Trồng trọt, Trường Đại học Nông nghiệp II, được thành lập vào năm 1967 tại Hà Bắc (nay là tỉnh Bắc Giang). Trải qua 57 năm xây dựng và phát triển, Khoa Nông học đã không ngừng lớn mạnh, trưởng thành, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực cây trồng, góp phần vào sự phát triển nông nghiệp của khu vực miền Trung và cả nước.
GS.TS.Hoàng Thị Thái Hòa – Trưởng khoa, Khoa Nông học, Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế đã có hơn 28 năm kinh nghiệm nghiên cứu trong lĩnh vực quản lý tổng hợp đất và dinh dưỡng cây trồng bền vững và các biện pháp kỹ thuật ứng phó với biến đổi khí hậu.
GS.TS.Hoàng Thị Thái Hòa – Trưởng khoa, Khoa Nông học, Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế luôn tận tâm, tận lực với công việc nghiên cứu và giảng dạy. |
Với 148 bài báo khoa học được công bố trên các tạp chí uy tín trong nước và quốc tế, trong đó có 19 bài trên tạp chí ISI/Scopus (trong đó 92 bài là tác giả chính, bao gồm 12 bài báo ISI/Scopus), GS. TS. Hoàng Thị Thái Hòa đã khẳng định vị thế của mình trong cộng đồng khoa học trong nước và quốc tế.
Ngoài ra, chị đã chủ trì nhiều công trình, đề tài có tính ứng dụng cao, cụ thể, có 06 hợp đồng tư vấn và chuyển giao khoa học công nghệ, 2 bằng độc quyền giải pháp hữu ích về Quy trình sản xuất phân hữu cơ từ chất thải chăn nuôi sau ủ biogas và Quy trình sản xuất phân bón lá sinh học từ thực vật thủy sinh.
Hướng nghiên cứu chính mà GS.TS. Hoàng Thị Thái Hòa đang theo đuổi tập trung vào nghiên cứu độ phì đất và xây dựng quy trình sản xuất và sử dụng phân bón cho cây trồng ở Miền Trung. Đồng thời, tập trung vào ứng dụng biện pháp phi hóa học để giảm sử dụng phân bón hóa học, giải quyết vấn đề an toàn nông sản và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trong sản xuất cây trồng.
Bên cạnh công tác nghiên cứu khoa học, GS.TS Hoàng Thị Thái Hòa đã hướng dẫn nhiều sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh nữ; đặc biệt chị thường xuyên tham gia tập huấn cho nông dân nữ tại các địa phương miền Trung, trong đó có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số về các kiến thức khoa học, kỹ thuật ứng dụng trong sản xuất. Chị đã góp phần khơi dậy niềm đam mê cũng như tạo điều kiện, cơ hội nghiên cứu khoa học tốt nhất, chuyển giao các sản phẩm khoa học công nghệ vào thực tiễn, giúp sản xuất cây trồng tốt hơn, bảo vệ môi trường sinh thái.
GS. TS. Hoàng Thị Thái Hòa đã được trao 9 giải thưởng cấp quốc gia và cấp tỉnh dành cho các công trình nghiên cứu; cũng như nhiều danh hiệu thi đua khen thưởng như chiến sĩ thi đua cấp Bộ, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, bằng khen của Bộ GD và ĐT, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế. Hiện, chị đang là chi hội trưởng Chi hội Khoa học Đất Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế, ủy viên BCH Hội nữ trí thức tỉnh Thừa Thiên Huế.
PGS TS Đào Việt Hà: Người Việt Nam tiên phong trong lĩnh vực độc tố biển
PGS. TS. Đào Việt Hà là Viện trưởng Viện Hải dương học, Chủ tịch ủy ban liên chính phủ về Hải dương học của Việt Nam. Với hơn 30 năm nghiên cứu về độc tố biển và an toàn thực phẩm, chị là người Việt Nam tiên phong về lĩnh vực này của khu vực Tây Thái bình dương. Chị đã chủ trì 06 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước và cấp Viện Hàn lâm; đồng thời là thành viên chính của nhiều đề tài khác.
PGS.TS Đào Việt Hà đã công bố 104 bài báo khoa học bao gồm 41 bài trong các tạp chí quốc tế uy tín; là tác giả chính của 01 giải pháp hữu ích; xuất bản 01 sách chuyên khảo và 01 chương sách chuyên khảo song ngữ khác. Kết quả nghiên cứu của chị đã góp phần phục vụ an sinh xã hội thông qua việc phổ biến kiến thức rộng rãi bằng các ấn phẩm truyền thông (hiện hình ảnh tờ rơi, tranh treo tường) và tham gia các toạ đàm truyền hình nhằm giảm thiểu mối nguy cơ đối với sức khỏe cộng đồng từ các loài động vật biển độc Việt Nam. Từ đó, phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển thông qua việc cung cấp cơ sở khoa học cho việc giám sát chất lượng thủy hải sản và hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao uy tín các mặt hàng hải sản xuất khẩu.
Chân dung PGS.TS Đào Việt Hà |
Là nữ Viện trưởng duy nhất trong tổng số 16 Viện trưởng của Viện Hải dương học, từ 1922 đến nay, chị đã có những định hướng và lãnh đạo đơn vị trong nghiên cứu khoa học, trong xây dựng tiềm lực và đào tạo nguồn nhân lực. Chị chủ nhiệm 01 dự án tăng cường năng lực phòng thí nghiệm trọng điểm cấp Viện Hàn lâm và là chủ đầu tư 01 dự án nâng cấp trạm quan trắc môi trường biển khu vực phía Nam. Chị cũng đã ký kết 03 bản ghi nhớ với các đối tác Hàn Quốc, Đức, Úc; 01 bản Ý định thư với tổ chức IOC/UNESCO nhằm nâng cao năng lực khoa học công nghệ biển của Việt Nam.
Với vai trò Trưởng khoa Khoa học và Công nghệ biển của Học viện Khoa học công nghệ, Viện Hàn lâm KHCNVN, GS.TS Hà đã chỉ đạo và điều phối công tác đào tạo về KHCN biển cho các tỉnh thành miền Trung, Tây nguyên bao gồm cả lực lượng Hải quân Nhân dân Việt Nam. Chị đã hướng dẫn 08 học viên cao học bảo vệ thành công luận văn; tham gia giảng dạy tại các cơ sở đào tạo sau đại học và các khóa tập huấn quốc tế về độc tố biển; là Giáo sư thỉnh giảng của Đại học Tokyo, Nhật Bản.
Những hoạt động quốc tế của chị ở các cương vị Chủ tịch Ủy ban Liên chính phủ của Việt Nam về Hải dương học, thành viên ủy ban Pháp lý và Kỹ thuật của cơ quan Quyền lực Đáy đại dương đã góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam đối với quốc tế, bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển.
Không dừng lại ở đó, chị còn là Giám đốc Bảo tàng Hải dương học, chỉ đạo xây dựng ý tưởng và triển khai những giải pháp đổi mới, mở rộng hệ thống trưng bày nhằm lan tỏa và nhận rộng ý thức bảo vệ tài nguyên môi trường và chủ quyền biển đảo trong cộng đồng. Trong đó có 03 chuyên đề trưng bày về chủ quyền của Việt Nam đối với 02 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đã thực hiện công tác quảng bá trên các nền tảng trực tuyến, thu hút 40.000 thành viên và 4,7 triệu lượt truy cập.
Với những thành tích và đóng góp nỗ lực của mình, PGS.TS Đào Việt Hà đã được nhận bằng khen của Chủ tịch Viện Hàn lâm KHNVN các năm 2016, 2017, 2022; Giải thưởng “Gương mặt của năm” của Công đoàn Viên chức Việt Nam năm 2022, Bằng Lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam năm 2020; bằng khen “Đã có thành tích xuất sắc trong chương trình “75 nghìn sáng kiến-vượt khó, phát triển” của Liên đoàn Lao động tỉnh Khánh Hòa năm 2021; bằng khen “Trí thức tiêu biểu Tỉnh Khánh Hòa năm 2022” của UBND Tỉnh Khánh Hòa.
Giải thưởng Kovalevskaia mang tên nhà nữ toán học Nga lỗi lạc thế kỷ XIX - Sophia Kovalevskaia - ra đời nhằm mục đích biểu dương, động viên, khuyến khích hoạt động nghiên cứu khoa học của phụ nữ ở những nước đang phát triển.
Ở Việt Nam, kể từ năm 1985, Giải thưởng Kovalevskaia đã thực hiện tốt sứ mệnh phát hiện, tôn vinh những tập thể và cá nhân các nhà khoa học nữ trong lĩnh vực khoa học tự nhiên đã có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học vào thực tiễn cuộc sống, đem lại những lợi ích đáng kể trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, góp phần khẳng định vai trò to lớn của đội ngũ nữ trí thức trong sự phát triển đi lên của đất nước.
Trong 38 năm qua đã có 22 tập thể và 53 cá nhân nhà khoa học nữ xuất sắc trên các lĩnh vực đã được trao tặng giải thưởng cao quý này.
Chuẩn bị kỹ càng đăng cai tổ chức Hội nghị Mạng lưới các nhà khoa học nữ khu vực Châu Á - Thái Bình Dương - APNN 2024
Sáng 20/2, Thường trực Hội Nữ trí thức Việt Nam gặp mặt đầu Xuân, rà soát, triển khai các công việc trọng tâm của năm 2024.