Bàng hoàng khi thấy mặt người đàn ông tật nguyền bán hàng rong trong quán cà phê: Thay đổi đến mức khó lòng đoán biết

Thấy người đàn ông tật nguyền, tôi thương xót, muốn mua vài món đồ giúp anh ta. Nào ngờ, tôi lại bàng hoàng phát hiện ra đó là người quen.

Tôi từng rất ghét thù sếp cũ, một người đàn ông tính toán, bóc lột nhân viên. Nhưng bây giờ, tôi lại thấy thương anh ta nhiều hơn.

Từng rất oán giận sếp cũ

Cách đây 8 năm, tôi từng làm ở một công ty tư nhân (thuộc kiểu công ty gia đình) trong 3 năm. Sếp tôi là một người đàn ông tính toán nhưng lại đối xử bất công với nhân viên. Anh ta thích được mọi người khen ngợi, xu nịnh và ghét những người dám đứng lên nói thẳng, nói thật với mong muốn cải cách công ty theo đường lối mới tốt hơn. Với những người sếp thích, sếp chỉ giao việc nhẹ nhàng; còn với những người sếp không ưa, sếp sẽ giao những dự án rất tệ nhưng yêu cầu phải hoàn thành tốt hay những công việc đầy khó khăn.

Ban đầu, tôi đã rất cố gắng phấn đấu, cống hiến với tinh thần tự nguyện. Tôi mong muốn sếp sẽ nhìn thấy sự nỗ lực của mình nhưng rồi chỉ vì vài lần đứng lên nói thẳng những điều độc hại trong công ty, tôi bị sếp ghim. Cái giá là 3 năm ròng, tôi không thể cố gắng nổi nữa và đành xin nghỉ việc, rời khỏi công ty ấy trong sự căm ghét sếp bất công.

Hiện tại, tôi đang làm trong một công ty có vốn đầu tư nước ngoài, lương cao, chế độ đãi ngộ tốt, đồng nghiệp hòa đồng, thân thiện và sếp mới rất tâm lý, giỏi giang. Tôi gắn bó, phát triển sự nghiệp ở công ty mới nhưng đôi lúc vẫn không khỏi rùng mình khi nhớ về quãng thời gian làm việc ở công ty cũ, nhất là sếp cũ.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Cuộc gặp oái oăm

Hôm qua, trong lúc uống cà phê với nhóm đồng nghiệp, tiện thể bàn về dự án sắp tới; tôi bỗng thấy một người đàn ông tật nguyền đi bán mấy thứ đồ lặt vặt như móc khóa xe, tăm bông, vé số,... Thấy anh ta đáng thương, phải đi mời mọc từng bàn mà người mua chẳng được mấy ai nên tôi có ý định mua giúp vài món. Tôi gọi anh ta đến bàn mình.

Anh ta khập khiễng chống gậy đến, lên tiếng chào mời tôi mua hàng. Nhưng tôi vừa ngẩng mặt lên thì đã sửng sốt, bàng hoàng khi thấy anh ta. Anh ta cũng ngỡ ngàng rồi cúi mặt khi thấy tôi: Hóa ra là sếp cũ. Sau giây phút thảng thốt, tôi vội đứng dậy, mời anh ta ra một bàn trống khác trong quán, cách khá xa chỗ mình đang uống với đồng nghiệp để hỏi chuyện.

Sếp cũ tâm sự, thì ra anh ta bỏ hết vốn đầu tư vào một dự án trọng điểm nhưng thất bại nặng nề. Anh ta còn bị lừa, mất trắng mấy tỷ bạc. Vì suy nghĩ quá độ nên đi đường không chú ý, sếp cũ tự va vào xe tải, bị cụt mất một chân. Người vợ vốn đã quen sống sung sướng, giờ chồng vỡ nợ, không còn tài sản gì có giá trị thì bỏ đi với người khác. Biến cố ập đến liên tục nên anh ta đã có những suy nghĩ tiêu cực. Cũng may người nhà phát hiện kịp thời nên anh ta mới được cứu sống. Sau lần chết hụt ấy, sếp cũ mới bừng tỉnh, quyết tâm làm lại cuộc đời.

Giờ anh ta đi bán mấy thứ đồ lặt vặt, đủ kiếm tiền trả tiền trọ và thuốc men, ăn uống, chờ một cơ hội mới. Thấy hoàn cảnh sếp cũ đáng thương, tôi liền dúi vào tay anh ta 2 triệu đồng nhưng anh ta từ chối. Không hiểu sao, nhìn dáng đi khập khiễng của sếp cũ, tôi lại chạnh lòng thương. Tôi có nên tìm cách giúp đỡ anh ta, đưa anh ta vào làm bảo vệ ở công ty mới mình đang làm không? Dù sao thì làm bảo vệ vẫn ổn định và sướng hơn đi bán kiểu này.

Mỹ Hạnh