Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm nghiên cứu của nữ trí thức

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển mạnh mẽ của các ngành khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) ngày càng trở thành yếu tố then chốt giúp bảo vệ các thành quả nghiên cứu và sáng tạo. Tuy nhiên, phụ nữ vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc bảo vệ quyền lợi của mình khi tham gia vào các hoạt động sáng tạo và khởi nghiệp.

Những thách thức đối với nữ trí thức trong hành trình SHTT

Mặc dù phụ nữ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ, họ vẫn đối mặt với một loạt các thách thức trong việc bảo vệ quyền SHTT của mình. Các vấn đề như thiếu nhận thức về quyền SHTT, khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ pháp lý, và rào cản tài chính khi nộp đơn bảo vệ sáng chế, bản quyền hay nhãn hiệu là những yếu tố làm giảm khả năng tham gia của phụ nữ vào hệ thống SHTT toàn cầu.

Các nữ trí thức, đặc biệt là những người làm nghiên cứu độc lập hoặc trong môi trường khởi nghiệp, thường thiếu nguồn lực để thực hiện các bước pháp lý cần thiết để bảo vệ sáng tạo của mình. Điều này làm giảm cơ hội thương mại hóa sản phẩm sáng tạo, đồng thời ngăn cản sự tham gia của phụ nữ vào các thị trường toàn cầu.

GS.TS Vũ Thị Thu Hà
GS.TS Vũ Thị Thu Hà

Về vấn đề này, GS.TS Vũ Thị Thu Hà. Giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm công nghệ lọc, hóa dầu cho biết, trong suốt 32 năm làm nghiên cứu, chị đã phải vượt qua những "ma trận" khó khăn, từ việc cắm sổ đỏ nhà riêng để có kinh phí nghiên cứu cho đến việc đối mặt với các thủ tục hành chính rườm rà và mất thời gian. Cơ chế tài chính hiện tại đẩy các nhà khoa học vào tình trạng phải dành đến 50% năng lượng cho các công việc không liên quan trực tiếp đến chuyên môn nghiên cứu nhưng nếu không làm sẽ không thể triển khai được các đề tài khoa học. Đặc biệt, những thủ tục hành chính phức tạp như các cuộc họp kéo dài và những tranh cãi về ngân sách đã làm giảm hiệu quả công việc và ảnh hưởng đến tiến độ nghiên cứu.

Theo GS.TS. Lê Mai Hương, Phó Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam, nguyên Phó Viện trưởng Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên, sở hữu trí tuệ đóng vai trò vô cùng quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay và xu thế hội nhập quốc tế. Nếu không chú trọng đến sở hữu trí tuệ, những sáng chế, giải pháp sẽ chỉ dừng lại trên giấy và không thể phát triển thành sản phẩm thực tế. Khi đã đăng ký sở hữu trí tuệ và có bản quyền, việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu là rất cần thiết để góp phần vào phát triển kinh tế và phục vụ cộng đồng. Tuy nhiên, sau khi đăng ký sở hữu trí tuệ, sản phẩm phải qua nhiều quy trình thẩm định và cần đầu tư cả công sức, trí tuệ lẫn tài chính để biến nó thành sản phẩm cụ thể. Chỉ khi đó, các nhà đầu tư mới có thể mua lại sản phẩm, giúp gia tăng giá trị cho sáng chế.

Những bài học mang tính giải pháp

Bất chấp những thách thức này, ngày càng có nhiều sáng kiến quốc tế được triển khai để hỗ trợ phụ nữ trong việc bảo vệ và thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu của họ. Các cơ quan SHTT quốc gia trên toàn thế giới đang đưa ra các chính sách và chương trình đặc biệt nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nữ trí thức trong hành trình bảo vệ quyền SHTT.

Chương trình Juana (JPIP) của Cơ quan SHTT Philippines (IPOPHL) là một sáng kiến đặc biệt nhằm hỗ trợ các nhà sáng chế và nhà thiết kế nữ trong việc bảo vệ và thực thi quyền SHTT của họ. Chương trình này cung cấp các dịch vụ miễn phí hoặc với chi phí thấp, giúp phụ nữ dễ dàng đăng ký sáng chế và kiểu dáng, từ đó thúc đẩy sự đổi mới và sáng tạo trong cộng đồng nữ trí thức.

Chính sách giảm phí của Cơ quan Tổng kiểm soát Sáng chế, Kiểu dáng và Nhãn hiệu Ấn Độ (CGPDTM): Tại Ấn Độ, một trong những sáng kiến đáng chú ý là chính sách giảm tới 80% phí nộp đơn cho các công ty khởi nghiệp và doanh nhân nữ. Điều này giúp phụ nữ, đặc biệt là những người khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, có thể bảo vệ sáng tạo của mình mà không phải đối mặt với gánh nặng tài chính.

Chương trình hỗ trợ tại Hoa Kỳ (USPTO): Tại Hoa Kỳ, Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu (USPTO) đã giảm 60% phí nộp đơn cho các doanh nghiệp nhỏ và 80% phí cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhiều trong số đó do phụ nữ làm chủ. Hơn nữa, USPTO còn cung cấp chương trình Pro Bono, giúp các nhà sáng chế nữ có thể nhận được sự hỗ trợ pháp lý miễn phí, giúp họ dễ dàng đưa ý tưởng sáng tạo của mình ra thị trường.

Chương trình Mujeres Innovadoras tại Mexico: Viện Sở hữu công nghiệp Mexico đã triển khai chương trình Mujeres Innovadoras, cung cấp hỗ trợ toàn diện cho phụ nữ trong việc gia tăng giá trị và thương mại hóa các công nghệ sáng tạo. Chương trình này bao gồm các hoạt động đào tạo kỹ năng, tư vấn pháp lý và các chương trình đào tạo khác, giúp phụ nữ tối ưu hóa việc bảo vệ sáng chế và áp dụng chúng vào thực tế.

Những sáng kiến này  không chỉ tạo ra cơ hội cho phụ nữ mà còn góp phần thay đổi bức tranh toàn cầu về quyền SHTT. Việc giảm phí và hỗ trợ pháp lý miễn phí giúp nữ trí thức có thể tiếp cận hệ thống sở hữu trí tuệ một cách bình đẳng và công bằng, từ đó nâng cao giá trị và tính cạnh tranh của các sáng tạo từ phụ nữ.

GS.TS Lê Mai Hương
GS.TS Lê Mai Hương

GS.TS. Lê Mai Hương thì cho rằng, cần tổ chức các lớp tập huấn để cung cấp thông tin mới nhất về sở hữu trí tuệ cho các nhà khoa học nữ trẻ, đồng thời khuyến khích rèn luyện tính kiên trì và quyết tâm trong việc theo đuổi quyền sở hữu trí tuệ và thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Một yếu tố quan trọng nữa là cần thành lập các quỹ hỗ trợ để các nữ khoa học có thể tiếp tục triển khai các kết quả nghiên cứu, hoàn thiện sản phẩm và đưa chúng ra thị trường, giúp doanh nghiệp tiếp cận và phát triển sản phẩm.

GS.TS Vũ Thị Thu Hà  đề xuất một cơ chế khoán chi trực tiếp vào sản phẩm cuối cùng của đề tài nghiên cứu, giúp giảm bớt các thủ tục trung gian và tạo điều kiện cho các nhà khoa học có thể tập trung vào chuyên môn của mình. Điều này không chỉ giúp tăng cường năng suất nghiên cứu mà còn thúc đẩy sự phát triển khoa học và công nghệ, đặc biệt trong bối cảnh đất nước đang rất cần đến động lực từ khoa học và công nghệ để phát triển các ngành, lĩnh vực.

Nhiều kết quả nghiên cứu của TS Bá Thị Châm được thương mại hóa, sản phẩm bán ngoài thị trường được người tiêu dùng đón nhận
Nhiều kết quả nghiên cứu của TS Bá Thị Châm được thương mại hóa, sản phẩm bán ngoài thị trường được người tiêu dùng đón nhận

Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm nghiên cứu của nữ trí thức không chỉ là một nhiệm vụ pháp lý mà còn là một động lực quan trọng để thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Những sáng kiến quốc tế hỗ trợ phụ nữ trong hành trình sở hữu trí tuệ đang tạo ra những cơ hội lớn cho các nhà sáng chế nữ, giúp họ vượt qua các thách thức và tiếp cận thị trường một cách dễ dàng hơn. Bằng cách giảm phí và cung cấp hỗ trợ pháp lý miễn phí, các sáng kiến này không chỉ bảo vệ quyền lợi của nữ trí thức mà còn góp phần vào sự phát triển của nền kinh tế sáng tạo toàn cầu, nơi mà phụ nữ đóng vai trò ngày càng quan trọng.

-----------

"Bài viết nằm trong dự án “Nâng cao nhận thức, năng lực sử dụng ng cụ sở hữu trí tuệ, đổi mới sáng tạo trong nghiên cứu khoa học và sản xuất kinh doanh cho cộng đồng nữ trí thức Việt Nam” thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030" do Trung tâm Ứng dụng Khoa học ng nghệ và Khởi nghiệp thuộc Hội Nữ trí thức Việt Nam chủ trì".

Nguyệt Nhi

Hiệu quả của quyền sở hữu trí tuệ trong môi trường kinh doanh sau khi Việt Nam gia nhập WTO

Hiệu quả của quyền sở hữu trí tuệ trong môi trường kinh doanh sau khi Việt Nam gia nhập WTO

Sở hữu trí tuệ (SHTT) ngày càng trở thành một yếu tố quan trọng trong việc phát triển và nâng cao giá trị của các doanh nghiệp.