Cảnh tượng trong phòng con trai khiến tôi bật khóc: Có bao nhiêu người đã trở thành cha mẹ kiêu ngạo như thế này?

Chúng ta phải cùng con vượt qua vấn đề, chứ không phải coi con là vấn đề.

* Bài viết của Mẹ Bánh Bao - một blogger chuyên về nuôi dạy con ở Trung Quốc.

Gần đây, tôi tình cờ xem được một video: Một hôm, blogger nổi tiếng nọ mở cửa phòng con trai, và cảnh tượng trước mắt gần như làm cô sụp đổ. Phòng của đứa trẻ bừa bộn, sách vở và đồ chơi vung vãi khắp nơi, nhìn vào chỉ thấy hỗn độn. Cô chỉ muốn quát mắng con cho hả dạ. Tuy nhiên, khi cúi xuống và chuẩn bị dọn dẹp, cảnh tượng trước mắt khiến cô rất ngạc nhiên.

Dùng góc nhìn thấp để quan sát xung quanh, căn phòng bừa bộn như biến thành một thế giới khác. Những khối xếp hình nhìn như thể là nhà ga tàu hỏa mà con trai cô đã khó khăn lắm mới lắp được; Những con robot đồ chơi đứng trước đàn piano, chuẩn bị biểu diễn một bản nhạc tuyệt vời; Dưới chiếc xe tải là một dãy những chiếc ô tô nhỏ; Những chiếc hộp nhiều màu sắc là một cầu vồng sau cơn mưa...

Cảnh tượng trong phòng con trai khiến tôi bật khóc: Có bao nhiêu người đã trở thành cha mẹ kiêu ngạo như thế này?

Chính lúc này, blogger mới nhận ra:

Căn phòng có vẻ bừa bộn trong mắt người lớn này lại chính là thế giới tuổi thơ của con trai cô, là vũ trụ nhỏ của riêng cậu bé. Tâm trạng vốn đang bực bội của blogger trở nên dịu dàng và đầy áy náy, cô bật khóc nói: "Khi bạn cảm thấy mệt mỏi, áp lực nặng nề, hãy thử cúi xuống, đứng ở tầm nhìn của trẻ con và nhìn lại thế giới này".

Khi xem xong video, tôi không thể không suy nghĩ.

Mỗi khi con cái có vấn đề, chúng ta có vẻ luôn tự nhiên quát mắng và chỉ trích chúng. Nhưng chúng ta có bao giờ nghĩ đến việc cúi xuống và hỏi tại sao con lại làm như vậy không? Đây chẳng phải là một kiểu kiêu ngạo của người lớn sao?

Chuyện của tôi và con trai

Khi con trai tôi còn nhỏ, có một thời gian vì công việc thay đổi, tôi không thể chăm sóc nhà cửa, đành phải nhờ ông bà nội phụ trách việc ăn uống cho con.

Tuy nhiên, vì con trai tôi rất kén ăn, mỗi bữa ăn trong nhà đều trở thành một cuộc chiến. Hai ông bà phải đuổi theo, vừa dỗ vừa ép, nhưng con vẫn không chịu ăn. Cuối cùng, một đĩa thức ăn ngon lành bị rơi vãi một phần ba xuống đất, một phần ba rơi xuống bàn, một phần ba dính trên người người lớn, và con trai chỉ ăn được vài miếng.

Một hôm, khi tôi đến đón, tình cờ đúng lúc con đang ăn tối, và lại là một trận chiến ăn uống khi con trai lại không chịu ăn.

Ông bà nội giận dữ trách mắng: "Đứa trẻ này tđược nuông chiều quá, đồ ăn ngon mà nó cũng không ăn, không nghe lời chút nào". Nghe xong, con trai tôi xị mặt xuống, nước mắt lưng tròng, không nói gì mà chỉ lặng lẽ gạt cơm trong bát.

Ban đầu, tôi cũng nghĩ là do con trai quá kén ăn. Dù sao, ông bà tôi cũng đã làm rất nhiều món ngon cho con: Họ sáng sớm ra chợ mua thực phẩm tươi ngon nhất, về nhà lại làm đủ món như hấp, xào, nướng, hầm, trộn... thay đổi đủ kiểu.

Cho đến khi tôi nhìn thấy một bài đăng của một người nổi tiếng trên Weibo về ba điều:

- Đứa trẻ khóc khi đi máy bay không phải vì chúng vô lý, mà vì sự thay đổi áp suất không khí khiến tai chúng bị ù và đau. Cách xử lý đúng đắn là không nên đánh mắng trẻ, mà hãy chuẩn bị một ít đồ ăn vặt, giúp trẻ nhai nuốt để giảm khó chịu. 

- Khi trẻ khóc khi tắm, không phải là trẻ cố tình phản kháng. Mà là vì nhiệt độ nước mà người lớn cho là thoải mái lại quá nóng đối với làn da nhạy cảm của trẻ. Thậm chí, khi người lớn chà xát mạnh khi tắm cũng khiến trẻ cảm thấy đau đớn. 

- Rất nhiều trẻ em kén ăn không phải là do chúng được nuông chiều quá mức. Mà vì vị giác của trẻ em chưa phát triển hoàn thiện, nhiều món ăn mà người lớn cảm thấy ngon lại quá lạ lẫm đối với trẻ. Chúng ta thấy hành, gừng, tỏi thơm ngon, nhưng đối với trẻ, đó lại là những thứ như "thảm họa".

Khi đọc những lời này, tôi mới nhận ra mình đã hiểu sai con trai.

Ông bà tôi thích ăn đồ cay, nấu món gì cũng có ớt, tiêu, thậm chí nấu canh cũng bỏ gừng và tiêu, điều này thực sự quá cay và kích thích đối với con trai tôi.

Nhiều khi, chúng ta quen nhìn mọi thứ từ góc độ của chính mình, cho rằng mình hiểu tất cả vì đã trải qua rồi, mà không nghĩ đến cảm nhận của trẻ con.

Cuối cùng, kết quả là gì?

Trẻ sẽ dần khép kín cánh cửa trái tim, không muốn tương tác và giao tiếp với cha mẹ nữa.

Giáo dục là cúi xuống và lắng nghe con nói

Một bà mẹ từng đăng bài hỏi xin sự giúp đỡ trên mạng.

Có một ngày, con gái cô hiếm khi nào mời bạn bè từ trường về nhà chơi. Người mẹ rất vui và nhiệt tình mời bạn của con gái ở lại ăn cơm. Không ngờ, sau khi đưa bạn bè đi về, khuôn mặt con gái cô bỗng chốc rầu rĩ, rồi nói:

"Mẹ cứ nâng đỡ người khác rồi hạ thấp con như vậy, có gì thú vị sao? Các phụ huynh khác đâu có như thế? Cứ suốt ngày nói con, nói mãi. Lần trước con không đưa bạn về nhà chính vì lý do này đấy".

Nói xong, đứa con gái đóng cửa phòng lại và không thèm nói chuyện với mẹ nữa. Người mẹ cảm thấy rất bối rối, mãi sau cô mới nhận ra rằng trong bữa ăn, chính cô đã trêu đùa về vóc dáng của con gái, nói con bé hơi béo. Về chuyện này, người mẹ tự hỏi: "Chẳng qua chỉ là vài câu nói đùa thôi mà, sao con gái lại phản ứng mạnh như vậy?". 

Có một cư dân mạng đã chỉ ra một cách thẳng thắn: "Không phải đâu, thử tưởng tượng lúc con đưa bạn bè về nhà, rồi nói: "Nhìn mẹ tôi kìa, đã lớn tuổi rồi, mặc đồ đỏ, đội mũ xanh, tưởng áo đỏ có thể che được nếp nhăn à, hihi", chị sẽ nghĩ thế nào?

Nếu không có sự đồng cảm, chúng ta sẽ không thể tìm được sự hỗ trợ, động viên, an ủi và yêu thương từ người khác. Thái độ tự cho mình là đúng, cao ngạo, chỉ khiến mối quan hệ giữa bạn và con ngày càng xa cách hơn.

Trong bộ phim The Queen of the Bottom, khi cố gắng hết sức mà kết quả học tập vẫn không cải thiện, cô con gái bật khóc nức nở. Người mẹ không như những phụ huynh khác, không nói những lời đại loại như "Con nên cố gắng hơn nữa" mà nhẹ nhàng nói: "Con cảm thấy quá mệt mỏi rồi sao? Không sao đâu, bỏ cuộc cũng được, con đã cố gắng rất nhiều rồi".

Khi con gái không chịu giao ra danh sách những người bạn đã hút thuốc, người mẹ kiên quyết đứng về phía con: "Con không muốn phản bội bạn, thật là một đứa trẻ tuyệt vời, mẹ thật sự rất tự hào về con".

Chính vì có sự hiểu biết và sự ủng hộ từ mẹ, cô con gái vốn dĩ khá bướng bỉnh dần dần đi đúng hướng và cuối cùng đã thi đỗ vào một trường đại học danh tiếng của Nhật Bản.

Một nhà tâm lý học từng nói: "Cha mẹ chỉ khi đứng ở góc nhìn của con cái mới có thể giảm thiểu những xung đột và giành được sự tin tưởng của trẻ".

Nhiều khi, chúng ta cảm thấy con cái thật khó hiểu, nhưng thực tế, vấn đề không phải là con cái khó cải thiện, mà là cha mẹ quá kiêu ngạo. Khi chúng ta cúi xuống và lắng nghe con cái, chúng ta sẽ khám phá ra một thế giới hoàn toàn mới.

Thế giới của trẻ con rất nhỏ, đến mức mỗi việc nhỏ với chúng đều là một vấn đề lớn. Và là cha mẹ, điều chúng ta cần làm là nhận ra, nhận ra sự khó khăn của con, và thấu hiểu sự bất lực của chúng. Chúng ta phải cùng con vượt qua vấn đề, chứ không phải coi con là vấn đề.

Hiểu Đan