Câu chuyện trở thành nữ Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành đầu tiên của hãng hàng không Nhật Bản (JAL) của bà Mitsuko Tottori đã đánh dấu bước ngoặt lịch sử của doanh nghiệp cũng như của cả nước Nhật. Bà thẳng thắn thừa nhận Nhật Bản vẫn còn rất nhiều việc phải làm để đưa những người phụ nữ như bà lên vị trí lãnh đạo cao nhất.
Việc được bổ nhiệm vào tháng 1/2024 đã đánh dấu cột mốc quan trọng trong sự nghiệp của Mitsuko Tottori sau gần 40 năm cống hiến từ vai trò của một nữ tiếp viên trưởng. Sự thăng tiến của bà là một thành tích hiếm hoi tại Nhật Bản, nơi mà phụ nữ vẫn đang đối mặt với những rào cản lớn trong sự nghiệp.
Trong cuộc trò chuyện với CNN, bà Tottori cho biết: "Nhật Bản vẫn đang trong giai đoạn thiết lập mục tiêu ban đầu là tăng số lượng nữ quản lý. Tôi hy vọng rằng Nhật Bản sẽ sớm trở thành một quốc gia mà mọi người không còn ngạc nhiên khi một phụ nữ trở thành chủ tịch".
"Chúng tôi thực sự muốn tăng đáng kể số lượng nữ quản lý, và hơn nữa, tôi nghĩ rằng điều quan trọng là bản thân phụ nữ cũng muốn trở nên tích cực hơn, để tôi có thể thấy được nhiều phụ nữ trong tương lai”, bà cho biết.
Bà Tottori, 59 tuổi, bắt đầu sự nghiệp tại hãng hàng không quốc gia vào năm 1985. Ba mươi năm sau, vào năm 2015, bà trở thành Giám đốc cấp cao phụ trách tiếp viên trưởng và dần dần được thăng tiến lên các vị trí cao hơn.
Bối cảnh của bà Tottori khác biệt rất lớn so với những người tiền nhiệm. Việc một cựu tiếp viên trưởng thăng tiến lên vị trí cao nhất là vô cùng hiếm hoi. Trong số 10 Chủ tịch JAL gần đây, có tới 7 người tốt nghiệp Đại học Tokyo danh giá. Trong khi đó, bà Tottori theo học Cao đẳng Phụ nữ Kwassui hai năm ở Nagasaki, một phần của mạng lưới các trường đã đóng vai trò quan trọng trong giáo dục đại học dành cho phụ nữ.
Vị tiền nhiệm của bà Tottori có kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo dưỡng hàng không, trong khi vị Chủ tịch trước đó bắt đầu sự nghiệp với tư cách là một phi công.
Theo JAL, bà Tottori được đánh giá cao về "trình độ nhận thức cao và kinh nghiệm thực tiễn trong hoạt động bay an toàn và dịch vụ". Trong đại dịch Covid-19, bà đã đóng góp lớn vào việc duy trì hoạt động an toàn.
Hình ảnh bà Tottori, chụp năm 1985, khi đang làm việc trên máy bay với tư cách là tiếp viên hàng không tại Japan Airlines. |
Khoảng cách giới trong văn hóa doanh nghiệp
Trong bối cảnh Nhật Bản đang đối mặt với vấn đề bình đẳng giới, bà Tottori trở thành tượng đài hy vọng cho sự thay đổi.
Nhật Bản xếp thứ 125 trong số 146 quốc gia trong Chỉ số Bình đẳng giới Toàn cầu 2023 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới - giảm 9 bậc so với năm trước và xếp hạng thấp hơn nhiều so với các quốc gia phát triển thuộc Nhóm G7 khác. Trên phạm vi khu vực châu Á, Nhật Bản xếp hạng thấp nhất về bình đẳng giới, đứng cuối cùng sau Myanmar và Fiji.
Theo báo cáo Khoảng cách giới Toàn cầu, tính đến năm 2023, chỉ có 12,9% các vị trí cấp cao và lãnh đạo do phụ nữ đảm nhiệm.
"Có những nhân viên nữ đang gặp khó khăn trên các bước tiến trong sự nghiệp hoặc đang trải qua những sự kiện trong cuộc đời. Tôi hy vọng tôi có thể truyền cho họ sự dũng cảm hoặc thúc đẩy họ tiếp tục bước tiếp sau khi chứng kiến việc bổ nhiệm tôi làm Chủ tịch", bà Tottori cho biết sau khi nhận chức.
Chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu đưa phụ nữ vào 30% các vị trí quản lý cấp cao tại các công ty niêm yết lớn vào năm 2030 và cho biết sẽ hỗ trợ các nỗ lực xây dựng đường lối thăng tiến cho phụ nữ. Thế nhưng sự thay đổi từ ấy diễn ra khá chậm chạp.
Tiến sĩ Seijiro Takeshita, giáo sư quản trị kinh doanh và thông tin tại Đại học Shizuoka, cho biết các tập đoàn Nhật Bản chưa thực sự nỗ lực để đảm bảo có phụ nữ trong đường lối thăng tiến điều hành để được thăng tiến lên các vị trí cấp C. Theo ông, việc một phụ nữ như bà Tottori nắm giữ vai trò cao nhất ở JAL là tín hiệu tích cực cho sự thay đổi văn hóa doanh nghiệp Nhật Bản, đặc biệt khi bà đi lên từ con đường “không mấy ưu tú”.
"Truyền thống, thực tế và văn hóa là một rào cản khó khăn. Nhưng nó đang dần thay đổi. Việc một tiếp viên trưởng trở thành CEO được đánh giá rất tích cực - đặc biệt trong mắt những nhân viên của JAL, những người sẽ thích nhìn thấy 'đồng đội' của mình trở thành CEO hơn là một CEO từ các công ty khác hoặc quan chức hoặc cựu chính trị gia", ông Takeshita nói.
Chân dung nữ chủ nhân danh hiệu CEO của năm 2024
Bà từng lọt vào danh sách “100 người có ảnh hưởng nhất trong lĩnh vực AI năm 2024” do chính tạp chí Time bình chọn.