Con đường nào cho nghệ sĩ Opera Việt Nam?

Dường như, các nghệ sỹ Opera Việt Nam chưa bao giờ thực sự được nhìn nhận một cách đích đáng trên chính đất nước mình.

Sự đối lập giữa nghệ sĩ Opera thế giới và nghệ sĩ Opera Việt Nam.

Trên thế giới, từ xưa đến nay, các ca sĩ Opera tài năng luôn được truyền thông săn đón, công chúng ngưỡng mộ, và thường xuyên xuất hiện ở những sân khấu sang trọng, đẳng cấp nhất.

Giọng nữ cao kịch tính Kirsten Flagstad được chính phủ Na Uy coi như quốc bảo và in hình bà lên cả máy bay của các hãng hàng không nước này.

Ca sĩ Opera da màu Leontyne Price từng nhận đến 19 giải Grammy. Bà thậm chí còn được trao bằng tiến sĩ danh dự, huân chương Tự do của Tổng thống và nhiều huân chương, danh hiệu cao quý khác.

Ca sĩ Opera da màu Leontyne Price từng nhận đến 19 giải Grammy
Ca sĩ Opera da màu Leontyne Price từng nhận đến 19 giải Grammy

Các ca sĩ Opera danh tiếng như Maria Callas, Renata Tebaldi, Birgit Nilsson… từng một thời làm mưa làm gió khắp giới giải trí thế giới. Họ sở hữu mức cát xê cao ngất ngưởng cho mỗi lần xuất hiện và cất tiếng hát.

Một minh chứng khác cho sự danh giá của các ca sĩ Opera chính là danh ca Pavarotti. Vào thập niên 90, Pavarotti đã ở tuổi xế chiều, nhưng buổi diễn nào của ông cũng thu hút đến hàng chục ngàn khán giả. Rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng nhất thời bấy giờ đều vinh dự được hát chung với Pavarotti.

Vậy nhưng, tại Việt Nam, các nghệ sĩ Opera luôn bị mờ nhạt trên thị trường âm nhạc, họ luôn phải trăn trở, nỗ lực từng ngày để theo nghề, thậm chí bỏ tiền túi để đầu tư cho sản phẩm, trang phục. Cho dù chúng ta luôn có những tài năng opera được quốc tế công nhận Ninh Đức Hoàng Long, Hà Phạm Thăng Long, Đào Tố Loan, nhưng tại chính quê hương mình, họ gần như xa lạ với công chúng.

Nghệ sỹ Hà Phạm Thăng Long
Nghệ sỹ Hà Phạm Thăng Long

Nghệ sĩ Opera Việt Nam từ nhiều năm nay vẫn hoạt động một cách âm thầm và gần như tách biệt hẳn với giới giải trí. Các buổi hòa nhạc, nhạc kịch diễn ra không nhiều và lượng khán giả đến xem rất thưa thớt, dù giá vé chỉ vài trăm ngàn, hoặc chỉ là vé mời, thực sự thấp hơn rất nhiều so với vé xem các chương trình giải trí hay các thần tượng nhạc trẻ.

Từ đó dẫn đến việc thu nhập của các nghệ sĩ Opera trong nước vô cùng khiêm tốn, dù phải khổ luyện và học hành nhiều năm trời. Dẫn đến thực trạng nhiều ca sĩ Opera của Việt Nam đều phải làm thêm nhiều công việc khác để duy trì cuộc sống, người đi kinh doanh, người làm quản lý, người đi dạy học. Nhiều người phải chấp nhận chuyển sang nhạc cách mạng, trữ tình... để chiều lòng thị trường.

NSƯT Hà Phạm Thăng Long, một trong những tài năng hàng đầu của nền Opera Việt Nam, khi ra nước ngoài được khán giả nước bạn vô cùng ngưỡng mộ, nhưng tại Việt Nam, cô cũng gần như nghỉ diễn ở tuổi ngoài 40 và chỉ tham gia công tác giảng dạy. Hay, ca sĩ Bích Thủy dù đã học tới bằng tiến sĩ thanh nhạc tại Hàn Quốc, nhưng đến tận bây giờ vẫn không có cơ hội xuất hiện nhiều, hầu như không ai biết đến.

Thậm chí, có nhiều nghệ sĩ sau nhiều năm học hành rèn luyện, vì chán chường và mệt mỏi, đã phải bỏ nghề, chuyển hẳn sang làm công việc khác để mưu sinh.

Con đường đi nào cho nghệ sĩ Opera Việt Nam?

Thực trạng đáng buồn của Opera Việt Nam xuất phát từ chính đời sống âm nhạc của chúng ta. Hạn chế về kinh tế tác động tới thẩm mỹ và văn hóa, lâu dần hình thành nên thói quen thưởng thức âm nhạc, nghệ thuật trong đại đa số công chúng. Thực tế là, khi công chúng còn phải bận với cơm áo gạo tiền, thì hầu như sẽ ít quan tâm đến những loại hình nghệ thuật hàn lâm. Dẫn đến thực trạng khán giả Việt phần lớn vẫn ưa chuộng những loại nhạc giản dị, dễ nghe, dễ cảm như Bolero, nhạc dân ca, trữ tình, Pop Ballad... vì nó gần gũi với cuộc sống hơn.

Trên thế giới, Opera được xem là dòng nhạc “quý tộc”, dành cho giới thượng lưu thì tại Việt Nam, Opera lại chỉ được chú ý bởi một bộ phận rất nhỏ những khán giả thực sự am hiểu về âm nhạc.

Nghệ sỹ Vũ Mạnh Dũng, một tài năng Opera Việt Nam vừa qua đời
Nghệ sỹ Vũ Mạnh Dũng, một tài năng Opera Việt Nam vừa qua đời

Một lý do khác, đó là hệ thống giáo dục nghệ thuật từ gia đình tới nhà trường tại Việt Nam thiếu định hướng và mất căn bản. Ở nước ngoài, các gia đình thuộc tầng lớp trung lưu trở lên đều có ý thức cho con theo học một bộ môn nghệ thuật nào đó từ khi còn nhỏ để nâng cao cảm thụ, trí tuệ cho trẻ. Tại các nhà trường phổ thông luôn có những câu lạc bộ âm nhạc, nhạc kịch giúp học sinh được làm quen với nghệ thuật hàn lâm từ sớm.

Trong khi đó, tại Việt Nam, việc phổ cập âm nhạc cho trẻ gần như bị xao nhãng. Bộ môn âm nhạc vẫn được giảng dạy tại nhà trường nhưng với hình thức chống đối, học cho có và bị xem nhẹ, thiếu thốn cơ sở vật chất.

Cùng với sự phát triển của internet, quá nhiều hình thức giải trí bủa vây, khiến trẻ em bị tiếp thu thụ động các loại hình giải trí dễ dãi, ăn xổi, ngày càng xa rời nghệ thuật hàn lâm.

Điều này khiến thị trường Opera vốn đã hẹp, nay lại càng nhỏ dần. Nghệ sĩ Opera Việt Nam không nhận lại được đầu tư và công nhận đúng mực để phát triển hết tài năng của họ. Không chỉ so với quốc tế, mà chỉ so với khu vực, Nhật Bản và Hàn Quốc, nghệ sĩ Opera của chúng ta đã có quá nhiều thiệt thòi.

Con đường nào cho Opera Việt Nam? Câu hỏi bấy lâu dường như vẫn quanh quẩn và chưa có câu trả lời thực sự mang tính giải pháp triệt để. Giá như chúng ta có một nền âm nhạc vững chắc hơn, văn minh hơn, để các nghệ sĩ Opera được quan tâm, bồi dưỡng xứng đáng, thu nhập tốt, sẽ không có những nghệ sĩ phải bỏ nghề, có cuộc sống bấp bênh, thậm chí bị mưu sát đầy thương tâm như vừa rồi.

 

Long Phạm

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý: Một tấm lòng với âm nhạc

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý: Một tấm lòng với âm nhạc

Hơn 90 năm cuộc đời, 60 năm gắn bó với âm nhạc, người nhạc sỹ tài hoa ấy để lại cho Việt Nam hàng loạt những ca khúc bất hủ