“Đi về phía bình yên” là tên cuốn sách song ngữ, có tên đầy đủ: “Đi về phía bình yên - câu chuyện của chị em bị bạo lực, xâm hại và mua bán người” và tên tiếng Anh “Towards peaceful horizon: Stories of women surviving domestic violence, abuse, and human trafficking”. Ấn phẩm này đã được Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam phát hành ở đầu năm 2024 và tái bản vào tháng 12/2024.
Để đáp ứng nhu cầu của bạn đọc, cuốn sách “Đi về phía bình yên” đã vừa được tái bản. Ảnh: L.Q.V |
Cuốn sách tập hợp 12 câu chuyện được kể bởi 12 nhân vật trong số hơn 1.700 phụ nữ và trẻ em gái bị bạo hành, bị bán, bị xâm hại tình dục… đã đến với “Ngôi nhà Bình yên” (thuộc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển - CWD, trực thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam).
Mô hình “Ngôi nhà Bình yên” được CWD vận hành từ năm 2007 với mục đích cung cấp gói hỗ trợ toàn diện cho phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực gia đình, bị xâm hại tình dục và mua bán người. Qua 17 năm hoạt động, đã có 1.751 lượt phụ nữ bấy lâu phải chịu cảnh “tổ ấm” nứt toác trăm mảnh đến tạm lánh ở “Ngôi nhà Bình yên”.
Tại đây, các chị em được hỗ trợ toàn diện trong thời gian từ 3 - 6 tháng (hoặc gia hạn tùy trường hợp) để giúp ổn định đời sống - tinh thần, giải quyết những khó khăn và xử lý các mối đe dọa đến sự an toàn của họ. Sau khi các chị em hồi gia, “Ngôi nhà Bình yên” tiếp tục hỗ trợ tư vấn pháp lý, hướng nghiệp, tìm việc làm… giúp họ có sinh kế bền vững, lập gia đình, an yên trong cuộc sống mới.
Nhà báo/nhà văn Hoàng Anh Tú chia sẻ về những vấn đề đề cập trong cuốn “Đi về phía bình yên” và các ấn phẩm về đề tài gia đình do anh thực hiện. Ảnh: L.Q.V |
Theo bà Dương Thị Ngọc Linh - Giám đốc CWD: “Sau 17 năm thí điểm, hoạt động của CWD tại “Ngôi nhà Bình yên” đã được chính thức hóa. Việc tiếp nhận số cuộc gọi đến tổng đài 1900969680 ở năm 2023 đã tăng 18% so với năm trước đó và số lượt tham vấn đạt 1.168 lượt. Chương trình “Cơm bình yên” đã phát miễn phí 1.620 suất cho người dân có hoàn cảnh khó khăn trong cộng đồng; 300 bộ áo dài được quyên góp tặng giáo viên vùng biên cương; 160 đơn vị máu được vận động hiến nhân sự kiện “Sống như những đóa hoa”. Ngoài 2 “Ngôi nhà Bình yên” tại Hà Nội, trong đó cơ sở chính ở 20 Thụy Khuê (quận Tây Hồ), CWD còn có một “Ngôi nhà Bình yên” ở TP. Cần Thơ và sang năm 2025, dự kiến sẽ có thêm một cơ sở ở tỉnh Quảng Bình…”.
Các nội dung trong cuốn “Đi về phía bình yên” (do CWD chủ biên) đều là chuyện có thật, đã được lược bỏ vài chi tiết quá tiêu cực. Tên người và địa danh đã được thay đổi để đảm bảo an toàn. Họ chia sẻ chuyện đời mình, với mong muốn lan tỏa niềm tin và hy vọng cho những phụ nữ khác: Rằng cuộc đời vẫn còn nhiều điều tốt đẹp. Và chúng ta luôn có quyền được sống thật hạnh phúc. Chúng ta có thể vấp ngã, có thể sai lầm, có thể từng là nạn nhân của những điều kinh khủng nhất - như bạo lực, xâm hại, mua bán người… nhưng chúng ta vẫn có thể “sống sót”, sống mạnh mẽ và tốt đẹp hơn, với sự nỗ lực của chính chúng ta, cùng sự hỗ trợ của cộng đồng và những chính sách hỗ trợ từ nhà nước hoặc từ nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế, tổ chức thiện nguyện.
Hình ảnh một trang viết trong ấn phẩm “Đi về phía bình yên”. Ảnh: L.Q.V |
Theo BTC buổi giao lưu “Đi về phía bình yên” (vừa diễn ra ở tối 29/11/2024 tại Hà Nội, được thực hiện bởi CWD và NXB Phụ nữ Việt Nam), các nhân vật trong cuốn sách “Đi về phía bình yên” có thể có mặt, nhưng sẽ không lên tiếng, để câu chuyện của họ trở thành động lực cho những người phụ nữ và trẻ em gái khác, những người cũng có những bão giông trong cuộc đời, đối diện với sự thật và tìm cách tháo gỡ nó.
Với vai trò là tác giả hai cuốn sách tâm lý đã phát hành trong năm 2024 của NXB Phụ nữ Việt Nam (“Trồng một người cha, gieo lên người mẹ & đổ đầy hạnh phúc vào những đứa trẻ” và “Đời vội vã càng nên sống chậm”), nhà báo/nhà văn Hoàng Anh Tú (người có bút danh “Chánh Văn” hấp dẫn bạn đọc nói chung và giới trẻ nói riêng) đã trò chuyện cùng chị Lê Thị Thùy Dương - Chủ nhiệm Dự án Sách nhà mình và chị Trương Thị Ngọc Lan - cán bộ NXB Phụ nữ Việt Nam cùng các độc giả. Buổi trò chuyện diễn ra cởi mở, đa dạng ý kiến chia sẻ, hướng tới việc nâng cao chất lượng sống tinh thần cho mọi người - dù là người đang hạnh phúc trong hôn nhân hay người đã ly hôn, dù là người chọn cách sống độc thân hay chuẩn bị bước vào hôn nhân.
Chị Trương Thị Ngọc Lan - cán bộ NXB Phụ nữ Việt Nam (giữa, ảnh) chia sẻ về quá trình thực hiện ấn phẩm “Đi về phía bình yên”. Ảnh: L.Q.V |
Xin được trích đoạn chuyện về 12 mảnh đời được chia sẻ trong ấn phẩm “Đi về phía bình yên”. Qua đó, bạn đọc có thể tìm được những bài học giá trị từ mỗi câu chuyện và có quyền hy vọng về một xã hội văn minh, dân trí cao, không còn những cảnh đời bất hạnh do thiếu tri thức hay bị lệ thuộc:
“Nguyên tắc của tôi khi giải quyết vấn đề là không chấp nhận bạo lực. Dù trong tình huống nào cũng không chấp nhận bởi vì quyền của mình là quyền được sống an toàn, và bạo lực làm cho mình không an toàn. Với những ca khó, không thể giải quyết được bằng tham vấn tâm lý và sự can thiệp của chính quyền, tôi đều chỉ cho họ tới Ngôi nhà Bình yên. Tôi mong khi tới đó, họ cũng sẽ như tôi, nhận ra được một điều cơ bản: Chỗ nào an toàn, chỗ nào hạnh phúc, thì đó là gia đình” (Đi tìm một định nghĩa về gia đình).
Một số đầu sách của nhà báo/nhà văn Hoàng Anh Tú về đề tài gia đình đã được xuất bản trong năm 2024. Ảnh: L.Q.V |
“Tôi làm đơn xin ly hôn, trưởng thôn không xác nhận tình trạng hôn nhân cho tôi. Khi tôi lên kế hoạch chạy trốn khỏi chồng, hàng xóm khuyên tôi đừng đi trốn. Khi tôi bị chồng nhốt đánh trong nhà chồng. mẹ chồng và anh chị em chồng không can thiệp. Còn tòa án, thay vì giúp tôi ly hôn người chồng nghiện ngập và bạo lực, họ lại năm lần bảy lượt khuyên tôi rút đơn” (Hành trình đến với tự do).
“18 tuổi, tôi sở hữu một kho ký ức hỗn độn, và tôi nghi ngờ nó nên được bắt đầu bằng những cuộc hôn nhân của bố: Ly hôn mẹ tôi khi tôi mới 12 tháng tuổi, bố tôi lấy mẹ hai, rồi bố ly hôn mẹ hai để cưới cô ba. Nếu vụ việc xâm hại con ruột, là tôi, không bị vỡ lở, có lẽ giờ này bố đang ở với cô ba, hoặc cô tư, cô năm nào đó nữa chưa biết chừng” (Bí mật của một chiếc gai).
“Suốt thời thơ ấu, tôi đã vật lộn với việc tìm cách thoát ra khỏi những đau khổ trong gia đình. Tôi chỉ mong không bao giờ lấy một người chồng nghiện cờ bạc, thiếu trách nhiệm, bất ổn và bạo lực như bố tôi” (Hóa giải vòng tròn bạo lực).
“Phụ nữ thế hệ 7X trở về trước, chúng tôi không được cha mẹ dạy về giới tính, kỹ năng làm vợ, làm mẹ, lại càng xa lạ với khái niệm bình đẳng giới. Điều ăn sâu vào tư tưởng chúng tôi từ lời căn dặn của mẹ khi đi lấy chồng là “một điều nhịn là chín điều lành”, “chồng giận thì vợ bớt lời”, “thuyền theo lái, gái theo chồng”, “sống làm người nhà chồng, chết làm ma nhà chồng”… Thế nên, bước chân đi lấy chồng là tôi xác định ăn đời ở kiếp với chồng, dù cho có chuyện gì xảy ra đi nữa” (Vĩnh biệt hai cuộc hôn nhân đen tối).
Đại diện NXB Phụ nữ Việt Nam (giữa, ảnh) trao tặng sách và tiền ủng hộ Quỹ “Vì sự bình yên” của Trung tâm Phụ nữ và Phát triển. Ảnh: L.Q.V |
“Tôi mang thai con đầu lòng, vợ chồng tôi được ra ở riêng. Chồng tôi thất nghiệp, đi chơi tối ngày, và bắt đầu nghiện việc đánh vợ, vừa đánh mắng, vừa đập phá đồ đạc. Đi làm về muộn chưa kịp nấu cơm: Đánh. Trót nói chuyện với người khác giới: Đánh. Trái ý: Đánh. Không muốn quan hệ tình dục: Đánh... Việc bị đánh thường xuyên khiến tôi chết lặng. Nhưng lúc ấy tôi không hề nghĩ đến việc chia tay, mặc dù trong nhà, tôi là lao động chính, cũng chưa từng phụ thuộc vào chồng về kinh tế. Tôi sinh con được 17 ngày đã phải hứng chịu đòn roi của chồng. Đừng nói là quan tâm, chăm sóc, người được gọi là bạn đời của tôi còn thường xuyên lấy trộm thóc trong nhà bán để lấy tiền đánh bạc và kiếm cớ đánh vợ thường xuyên” (Nơi tôi được sinh ra lần nữa).
Tại buổi giao lưu nói trên, NXB Phụ nữ Việt Nam đã trao tặng Quỹ “Vì sự bình yên” của CWD 6.900.000 đồng - trích từ tiền bán sách “Đi về phía bình yên” cùng một số ấn phẩm nói trên để phục vụ các bạn đọc/ thành viên của “Ngôi nhà Bình yên”.
Bất bình đẳng giới trong luyện tập: Phụ nữ chỉ dành thời gian cho bản thân khi không còn ai cần chăm sóc nữa?
Các chuyên gia cho rằng phần lớn phụ nữ có xu hướng ưu tiên sức khỏe của người khác hơn của mình.