Họa sĩ Lê Phương Dung, người yêu làng quê Việt

Tác phẩm của họa sĩ gây sự lạ mắt, đưa người xem về những lễ hội đình làng, vẻ đẹp kiến trúc, giá trị lịch sử và văn hóa cần bảo tồn.

Tôi biết đến Lê Phương Dung từ những cuộc điền dã nghiên cứu của nhóm Đình làng Việt. Nhóm Đình làng Việt (ĐLV), có nhiều thành phần: sinh viên, nghiên cứu sinh, họa sĩ, kiến trúc sư, nhà nghiên cứu, nhà văn trẻ, các cán bộ văn hóa đã nghỉ hưu... và đơn giản chỉ là những người thích khám phá di tích, yêu văn hóa truyền thống, và có những người chỉ muốn tìm về cội nguồn.

Khi các thành viên của nhóm: người chụp ảnh, người quay video, ngắm nhìn kiến trúc đình làng và khung cảnh quanh khuôn viên đình, thì Phương Dung nhanh chóng và lặng lẽ tìm một góc đình và vẽ, chị vẽ các cấu kiện kiến trúc đình làng, một góc đầu đao mềm như một dải lụa, một cô tiên múa, chép một mảng trang trí trên đầu đao, cửa võng, cứ vẽ và vẽ...tôi ngạc nhiên và lân la hỏi chuyện.

Tác phẩm của họa sĩ Lê Phương Dung.
Tác phẩm của họa sĩ Lê Phương Dung.

Lê Phương Dung sinh năm 1971, tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam - 42 Yết Kiêu khóa 1989 - 1994, cùng lớp với Nguyễn Quốc Huy (Huy sói, sơn mài), Bùi Hoài Mai, Trần Trọng Vũ, Thọ Tường, Lê Ngọc Huyền... Các họa sĩ kể trên đều đã có những thành công nhất định trong mỹ thuật. Chồng Dung, họa sĩ Trần Thành cũng học ở Yết Kiêu, trước Dung vài khóa, là họa sĩ tự do. Anh vẽ tranh sơn mài, cần sự đầu tư lớn về tiền bạc và thời gian.

Khi một gia đình cả hai vợ chồng đều là họa sĩ và đều đam mê, say nghề như nhau thì “bi kịch” sẽ xảy ra: Ai là người chăm sóc con cái, dạy dỗ và làm hậu phương cho sự tồn tại của một gia đình nghệ sĩ? Dung nói nhỏ nhẹ, nụ cười lấp lánh: “Em giữ gôn, coi nhà và chăm sóc các con ăn học. Anh Thành làm những tác phẩm sơn mài lớn, dài hơi, anh ấy là người kiếm tiền chính để nuôi gia đình”.

Do ảnh hưởng từ chồng, Dung cũng là họa sĩ tự do, bây giờ đó là chuyện bình thường. Dung có thể có một chỗ dạy vẽ trong trường Đại học Kiến trúc. Song chị đã chọn con đường là họa sĩ tự do, và cả hai đã cùng song hành trên con đường sáng tác nghệ thuật, tự vẽ, tự bán tác phẩm và sống bằng nghề, vất vả nhưng được sống với đam mê của mình. Âu cũng là số mệnh. 

Các họa sĩ vẽ lụa thường: vờn, tỉa màu sắc hoen, mờ, tạo nên sự dịu dàng, trong trẻo, đằm thắm của lụa. Và thường dùng gam nâu, trầm, để lộ những ganh, thớ của vải lụa. Những khoảng trống của lụa được sử dụng như một phần của bức tranh. Dung vẽ lụa với bố cục đông người, hình họa phải vững và mất rất nhiều thời gian. Chị dùng các gam màu đối chọi: xanh, đen, vàng, đỏ, màu sắc rực rỡ, với những gam màu mạnh... Chị vẽ lụa như vẽ sơn dầu trên vải, thả sức tung hoành với bảng màu rực rỡ, với rất nhiều nhân vật: già làng, nam thanh, nữ tú, các diễn viên hát cửa đình, dân làng dự lễ hội... một cuộc hội làng đông vui, tấp nập được tái hiện trên bề mặt tấm lụa rộng.

Xem tranh của chị, người xem liên tưởng đến các tác phẩm của các họa sĩ vẽ lụa những năm 1957- 1964, với những bố cục đông người, các nhân vật dàn kín mặt tranh. Ngày nay các họa sĩ trẻ vẽ phong cảnh, ít người, hoặc vẽ theo lối tối giản; tranh Dung gây nên một sự lạ mắt và thu hút người xem, đưa người xem về những lễ hội đình làng, vẻ đẹp kiến trúc, các giá trị lịch sử, văn hóa của các ngôi đình làng Bắc Bộ cần được gìn giữ và bảo tồn. Một phần hồn cốt văn hóa dân tộc cần được lưu giữ cho thế hệ tương lai.

Sinh ra và lớn lên ở thành phố Hà Nội, cha là một trong những người đầu tiên xây dựng nên trường Đại học Kiến trúc ngày nay, mẹ làm việc tại Đại học Dược Hà Nội, quê ngoại ở phố Hiến - Hưng Yên. Từ nhỏ chị đã theo mẹ về quê thăm bà ngoại. Hình ảnh bà ngoại mặc áo tứ thân, quần lụa đen, bán hàng ở chợ phố Hiến, khu chợ nằm cạnh đầm sen mùa hè hoa nở thơm ngát, hình ảnh làng quê đồng bằng Bắc Bộ đã in sâu vào trí nhớ của cô bé Phương Dung.

Chị kể: “Hồi ấy nhiều ngôi nhà lợp ngói rêu phong, có bàn thờ, câu đối, và sập cổ đẹp lắm... Sau này khi học Đại học Mỹ thuật, mùa hè về quê ngoại vẽ ký họa, lấy tài liệu, thì những đường xưa, lối cũ đã mai một đi nhiều. Vì cuộc sống đô thị hóa nông thôn đã làm mất đi rất nhiều phong vị cổ xưa của làng quê Bắc Bộ”.

Quê nội Dung ở Hà Tây, một làng cổ ven sông Nhuệ. Năm thứ tư Đại học Mỹ thuật, chị có dịp về đó thực tập... và bây giờ, tôi hiểu tại sao một nữ họa sĩ sinh ra và lớn lên ở Hà Nội lại yêu thích vẽ phong cảnh làng quê, đình, đền chùa... và cuộc sống của người nông dân ở làng quê đến vậy. Chị đã được tặng giải nhất Triển lãm Mỹ thuật trẻ năm 2000 với tác phẩm Sân nhà quê, kích thước 30x60cm. Sau này, bức tranh Sân nhà quê đã được chị vẽ lại với kích thước lớn hơn: 80x160cm.

Bức tranh lụa Hát cửa đình, bày ở triển lãm khu vực I Hà Nội, giữa năm 2020 được chị nuôi cảm xúc và có dự định vẽ từ năm 2015.  Đến năm 2019, chị bắt tay vào vẽ và hoàn thành đầu năm 2020. Họa sĩ, nhà nghiên cứu mỹ thuật Phan Cẩm Thượng (PCT) là thầy dạy chị. Khi vẽ bức Hát cửa đình, ngoài đọc tài liệu lịch sử, xem tư liệu trên mạng, Dung gửi ảnh mũ các nghệ nhân hát cho PCT xem và hỏi: “Thầy ơi, em vẽ như này đã đúng trang phục của nghệ nhân hát cửa đình chưa? Mũ cánh chuồn như này đúng chưa?”. PCT trả lời: “Em vẽ tranh lễ hội, không phải vẽ tranh lịch sử”.

Tác phẩm của Lê Phương Dung thường có bố cục đông người với các gam màu đối chọi.
Tác phẩm của Lê Phương Dung thường có bố cục đông người với các gam màu đối chọi.

Dung có thể đưa trí tưởng tượng của người vẽ vào tranh và căn cứ vào sự phục dựng của lễ hội đình làng ngày nay. Tranh lễ hội có thể thay đổi một số chi tiết về trang phục. Còn nếu là tranh lịch sử, đòi hỏi phải đúng trang phục thời kỳ ấy. Ngày xưa, hát cửa đình là đàn ông hát, còn bây giờ phục dựng lại, là nghệ nhân nữ hát...

Một buổi hát lễ được Phương Dung miêu tả với rất nhiều nhân vật: nghệ nhân hát, các cụ ông, cụ bà, nam thanh, nữ tú, trẻ em, với nhiều loại trang phục cổ đầu thế kỷ 19, trang nghiêm, kính cẩn. Với bảng màu phong phú, phá bỏ niêm luật chặt chẽ của cách vẽ lụa cổ. Chị tung tẩy vẽ màu nước trên lụa, các nhân vật che kín mặt tranh, không còn khoảng trống của thớ lụa nữa.

Gần đây, Dung đang tìm một hướng đi mới cho tranh lụa của mình. Với bức Phố Nam Dư, kích thước 40x60cm, bày tại triển lãm Mỹ thuật Thủ đô tháng 10/2020, chất liệu tổng hợp. Chị nói: “Đây là bước đầu thử nghiệm, sẽ chuyển sang chất liệu lụa trong thời gian tới”.

Bức tranh miêu tả cuộc sống của nhiều tầng lớp người trước một ngôi nhà 50 tuổi, hỏng tới mức người chủ phải lấy nilon và gạch đè lên mái cho khỏi bay. Cô chủ đang tráng bánh cuốn. Trẻ em chơi với các bộ váy áo và đồ chơi rực rỡ sắc màu. Hai ông bà già đang đi, một người đàn ông dùng cuốc gánh bó cây từ ngoài đồng về. Bên trái sát hồi nhà là một cụ bà đeo kính, mặc áo gấm hoa. Bên phải sát khung tranh là một người đàn ông mặc bộ quần áo từ những năm 40 của thế kỷ trước. Cuộc sống muôn màu, đủ mọi nhân vật và con vện trắng đen, nhìn rất yêu được tái hiện trong một bố cục chặt chẽ, logic, màu tươi.

Tác phẩm
Tác phẩm "Phố Nam Dư" của họa sĩ Lê Phương Dung.

Chị miêu tả cuộc sống tân cổ giao duyên của một xã hội hỗn loạn, đang phát triển của Hà Nội ngày nay. Bên những tòa chung cư hiện đại, những ngôi biệt thự đẹp đẽ, những kiến trúc hiện đại, vẫn còn những con người, mảnh đời nghèo khó. Cuộc sống hiện đại đang đi lên (các em bé vui chơi), nhiều nhân vật người già, với trang phục cổ, một xã hội đang già hóa dân số, và ta như thấy một sự hài hước, ẩn chứa sau bức tranh của Dung. Dù có nói gì đi nữa, thì hiện thực cuộc sống của một tầng lớp người nghèo của Thủ đô vẫn hiện hữu quanh ta. Chị kể, từ thời còn là sinh viên, chị đã rất thích họa sĩ Bathul, thời phục hưng, chuyên vẽ về cuộc sống và sinh hoạt của người nghèo dưới đáy của xã hội.

Sinh ra, lớn lên rồi sống và làm việc tại Hà Nội, nhưng Lê Phương Dung vẫn yêu thích vẽ phong cảnh và cuộc sống của người nông dân, làng quê Việt. Những: Sân nhà quê, Nhà cô Hợp, Hạ chí, Vui ở đình, Hát cửa đình... đã bước đầu làm nên một phong cách tranh lụa riêng biệt của chị. Những tác phẩm đẹp nhất, tâm đắc nhất vẫn đang ở phía trước. Khi hỏi các họa sĩ về kế hoạch sáng tác trong tương lai, ai cũng trả lời như vậy, Lê Phương Dung cũng không phải ngoại lệ. Chúng ta hy vọng được xem nhiều sáng tác mới của chị. Hà Nội mùa đông năm nay lạnh, nhưng xem những bức tranh lụa rực rỡ sắc màu của Phương Dung làm ấm áp cả mùa đông.

Đặng Thanh Vân

Nữ họa sỹ Dominique Fung và những trăn trở về chủng tộc trong hội họa

Nữ họa sỹ Dominique Fung và những trăn trở về chủng tộc trong hội họa

"Tôi nghĩ rất nhiều về cách mà phương Tây đã miêu tả về chúng tôi, hoặc cách họ nhìn thấy chúng tôi, khi tôi đang vẽ" - Dominique nói