Hợp chất tự nhiên từ nấm mở ra hy vọng mới cho bệnh nhân Parkinson

Lần đầu tiên một chất gây ảo giác được thử nghiệm ở bệnh nhân mắc bệnh thoái hóa thần kinh cho kết quả ban đầu vượt ngoài mong đợi của giới khoa học.

Một nghiên cứu thí điểm vừa được công bố của Đại học California, San Francisco (UCSF) đã ghi nhận những kết quả đầy hứa hẹn khi sử dụng psilocybin, một hợp chất tự nhiên có trong một số loại nấm, trong điều trị bệnh Parkinson.

Trong nghiên cứu này, nhóm chuyên gia từ Chương trình Nghiên cứu chất gây ảo giác chuyển dịch (TrPR) tại UCSF đã thử nghiệm psilocybin trên 12 bệnh nhân Parkinson giai đoạn nhẹ đến trung bình. Những người tham gia được dùng hai liều psilocybin 10mg và 25mg cách nhau hai tuần, kết hợp với 8 buổi trị liệu tâm lý.

Kết quả cho thấy các bệnh nhân không chỉ dung nạp tốt với thuốc mà còn ghi nhận những cải thiện rõ rệt về tâm trạng, chức năng nhận thức và khả năng vận động. Đáng chú ý, những lợi ích này kéo dài hàng tuần sau khi psilocybin đã được đào thải khỏi cơ thể.

Hợp chất tự nhiên từ nấm mở ra hy vọng mới cho bệnh nhân Parkinson

Bác sĩ Ellen Bradley, tác giả chính của nghiên cứu và Phó Giám đốc chương trình TrPR, cho biết: “Chúng tôi vẫn đang ở giai đoạn rất sớm của nghiên cứu, nhưng kết quả ban đầu đã vượt xa những gì chúng tôi mong đợi. Điều này mở ra cánh cửa cho một hướng tiếp cận hoàn toàn mới trong điều trị Parkinson”.

Bệnh Parkinson ảnh hưởng đến khoảng một triệu người tại Mỹ, đặc trưng bởi các triệu chứng vận động như run tay, cứng cơ, và suy giảm khả năng kiểm soát cử động. Tuy nhiên, các rối loạn tâm trạng như lo âu và trầm cảm ở những bệnh nhân không có tiền sử bệnh tâm thần thường xảy ra vài năm trước khi các triệu chứng vận động động xuất hiện. Theo bà Bradley, những rối loạn này lại là yếu tố dự báo mạnh mẽ hơn về chất lượng cuộc sống của bệnh nhân mắc Parkinson. Đáng lo ngại, các thuốc chống trầm cảm truyền thống thường không hiệu quả đối với nhóm bệnh nhân này.

Mặc dù một số người tham gia báo cáo các tác dụng phụ nhẹ như buồn nôn, lo âu và huyết áp tăng, thế nhưng không có trường hợp nào cần can thiệp y tế. Ba tháng sau điều trị, tâm trạng và chức năng của bệnh nhân vẫn duy trì ở mức cải thiện đáng kể.

Các nhà nghiên cứu đã đưa ra nhiều giải thích khác nhau cho những cải thiện này. Tác động có lợi của psilocybin đối với tâm trạng của bệnh nhân có thể đã dẫn đến chức năng nhận thức và vận động tốt hơn. Ví dụ, mọi người cảm thấy tốt hơn khiến họ giao tiếp xã hội và hoạt động tích cực hơn – yếu tố quan trọng trong việc điều trị bệnh Parkinson. Mặt khác, psilocybin có thể tác động trực tiếp bằng cách giảm viêm và kích thích sự dẻo dai thần kinh, hỗ trợ quá trình tái kết nối và phát triển tế bào não.

“Hiện nay, đa số các bệnh lý thần kinh đều không có liệu pháp làm thay đổi tiến trình bệnh,” bác sĩ Joshua Woolley, giám đốc chương trình TrPR và đồng tác giả nghiên cứu, nhận định. “Nhưng giờ đây, psilocybin đã không chỉ mở ra triển vọng làm giảm triệu chứng bệnh, mà còn hỗ trợ khả năng tự phục hồi của não bộ”.

Với những tín hiệu tích cực ban đầu, psilocybin đang được kỳ vọng trở thành một trong những liệu pháp đột phá trong điều trị bệnh Parkinson, căn bệnh vẫn còn là thách thức lớn với y học hiện đại.

TM (theo Scitech daily)

Thuốc trừ sâu làm tăng nguy cơ mắc bệnh Parkinson

Thuốc trừ sâu làm tăng nguy cơ mắc bệnh Parkinson

Sự gia tăng nhanh chóng của bệnh Parkinson không chỉ là vấn đề y tế cá nhân mà còn là thách thức y tế công cộng.