Một nghiên cứu mới từ Đại học Waterloo cho thấy, thay vì chỉ giảm lượng muối trong chế độ ăn, việc tăng cường thực phẩm giàu kali như chuối và bông cải xanh có thể mang lại hiệu quả kiểm soát huyết áp tốt hơn. Phát hiện này mở ra hướng tiếp cận mới trong chăm sóc sức khỏe tim mạch, đồng thời phản ánh mối liên hệ giữa tiến hóa sinh học và thói quen ăn uống hiện đại.
![]() |
Kali và Natri, chế độ cân bằng quyết định huyết áp
Theo nhóm nghiên cứu, sự cân bằng giữa hai chất điện giải là kali và natri đóng vai trò then chốt trong việc điều chỉnh huyết áp. Việc tăng cường hấp thụ kali trong chế độ ăn so với lượng natri nạp vào có thể làm giảm huyết áp hiệu quả hơn so với việc chỉ quan tâm đến việc giảm mặn.
Vấn đề huyết áp cao hiện đang ảnh hưởng tới hơn 30% dân số trưởng thành toàn cầu, được xem là yếu tố nguy cơ chính dẫn tới bệnh tim, đột quỵ, suy thận và các rối loạn thần kinh như sa sút trí tuệ.
"Thông thường, khi bị huyết áp cao, chúng ta được khuyên cắt giảm muối," giáo sư Anita Layton, chuyên gia Toán ứng dụng, Khoa học máy tính, Dược học và Sinh học tại Đại học Waterloo, cho biết. "Tuy nhiên, nghiên cứu của chúng tôi cho thấy việc bổ sung thêm nhiều thực phẩm giàu kali vào chế độ ăn có thể đem lại tác động tích cực lớn hơn".
Kali và natri đều là những khoáng chất thiết yếu, giúp cơ thể truyền tín hiệu điện, điều chỉnh hoạt động cơ bắp và duy trì cân bằng chất lỏng. Sự mất cân đối giữa hai khoáng chất này được xem là nguyên nhân quan trọng gây ra huyết áp cao.
"Người tiền sử chúng ta đã có một chế độ ăn rất giàu trái cây và rau củ. Do đó, có thể nói hệ thống điều hòa của cơ thể chúng ta đã tiến hóa để hoạt động tối ưu nhất với một chế độ ăn nhiều kali và ít natri", bà Melissa Stadt, ứng viên tiến sĩ và là tác giả chính của nghiên cứu, giải thích.
Tuy nhiên theo bà Melissa, chế độ ăn phương Tây hiện đại lại có xu hướng ngược lại là nhiều natri và ít kali hơn, làm gia tăng tỷ lệ huyết áp cao ở các xã hội công nghiệp hóa.
![]() |
Việc tăng cường thực phẩm giàu kali như chuối và bông cải xanh có thể mang lại hiệu quả kiểm soát huyết áp tốt hơn. |
Nam giới và phụ nữ có phản ứng khác nhau
Nhóm nghiên cứu đã phát triển một mô hình toán học nhằm đánh giá cách tỷ lệ kali/natri ảnh hưởng tới cơ thể, đồng thời phân tích sự khác biệt giữa các nhóm giới tính.
Kết quả cho thấy, nam giới có nguy cơ mắc chứng cao huyết áp cao hơn so với phụ nữ tiền mãn kinh. Tuy nhiên, nam giới lại có xu hướng hưởng lợi nhiều hơn từ việc tăng tỷ lệ kali/natri trong chế độ ăn uống.
Theo các chuyên gia, việc ứng dụng mô hình toán học trong nghiên cứu cho phép tiến hành các thử nghiệm nhanh chóng, tiết kiệm chi phí và đảm bảo tính đạo đức, từ đó giúp hiểu rõ hơn về các yếu tố tác động đến sức khỏe con người.
WHO đề xuất khuyến nghị mới về muối ăn
Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị giảm lượng natri tiêu thụ trong chế độ ăn uống bằng muối giàu kali để hạn chế nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.