Nhóm sinh viên Việt biến vỏ tỏi thành sản phẩm sinh khối hữu ích

Không chỉ giúp tận dụng nguồn phế phẩm nông nghiệp, dự án NIION còn góp phần giảm phát thải, hướng đến năng lượng xanh và bảo vệ môi trường.

Một nhóm sinh viên đến từ nhiều trường đại học tại TP.HCM đã cùng nhau phát triển dự án NIION – viên nén sinh khối từ vỏ tỏi, nhằm tận dụng phế phẩm nông nghiệp và tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế, thân thiện với môi trường.

Dự án này sẽ góp mặt tại vòng chung kết cuộc thi "Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp" do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức vào tháng 4 tới.

Nhóm sinh viên Việt biến vỏ tỏi thành sản phẩm sinh khối hữu ích

Xuất phát từ thực tế tại xưởng sơ chế nông sản của gia đình, Đinh Văn Nam - sinh viên Trường Đại học Công Thương TP.HCM, trưởng nhóm dự án – nhận thấy mỗi ngày có khoảng một tấn vỏ tỏi bị thải ra mà không thể xử lý. Do chứa chất kháng sinh tự nhiên, vỏ tỏi không thể chôn trực tiếp vì khi gặp các kim loại nặng dưới đất sẽ không tốt cho môi trường. Điều này gây nhiều khó khăn và tốn kém khi chi phí xử lý lên towisn 30 triệu đồng/tháng.

Sau cơn bão số 3 (Yagi), dịch sốt xuất huyết bùng phát khiến Nam nảy ra ý tưởng tận dụng vỏ tỏi để đuổi muỗi nhờ hợp chất allicin trong vỏ có khả năng xua côn trùng mà không gây hại cho con người và môi trường.

Từ ý tưởng này, Nam nghiên cứu thêm và thấy rằng cấu tạo của vỏ tỏi giống giấy nhưng thô hơn, khi đốt lại không tạo ra nhiều khí CO2. Nếu làm vỏ tỏi thành chất đốt có thể sẽ giải quyết được nhiều bài toán như xử lý và tận dụng được phế phẩm từ sơ chế nông sản, giảm ô nhiễm môi trường, đồng thời có được những sản phẩm hữu ích, mang lại giá trị kinh tế.

Không chuyên về hóa học, Nam đã tập hợp nhóm sinh viên từ nhiều ngành khác nhau, phối hợp cùng các chuyên gia từ Trường Đại học Công Thương TP.HCM, Trường Đại học Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) và Vườn ươm Đại học Kinh tế TP.HCM để hiện thực hóa ý tưởng.

Sau nhiều thử nghiệm, nhóm tìm ra công thức kết dính vỏ tỏi bằng sáp đậu nành – một loại sáp có thể nóng chảy ở nhiệt độ 70-80°C mà không làm biến chất nguyên liệu, đồng thời giúp giảm giá thành sản phẩm.

Nhóm dự kiến sẽ đưa ra thị trường 3 dòng sản phẩm: than nướng thực phẩm, viên nén sinh khối làm chất đốt, và viên nén kết hợp tinh dầu giúp đuổi côn trùng. Sau khi đốt, tro còn lại có thể tận dụng làm phân bón hữu cơ, hỗ trợ canh tác bền vững.

Nhóm sinh viên Việt biến vỏ tỏi thành sản phẩm sinh khối hữu ích

Hiện tại, sản phẩm mẫu đã được hoàn thiện, nhóm đang nghiên cứu cải tiến công thức để giảm giá thành và nâng cao tính thẩm mỹ. Ngoài ra, nhóm cũng lên kế hoạch phát triển pin năng lượng từ vỏ tỏi trong tương lai.

Theo ThS Hoàng Thị Thoa – Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp, Trường Đại học Công Thương TP.HCM, trên thế giới đã có sản phẩm viên nén sinh khối từ nhiều phụ phẩm khác, nhưng NIION là dự án đầu tiên sử dụng vỏ tỏi. Dự án không chỉ giúp tận dụng nguồn phế phẩm nông nghiệp mà còn góp phần giảm phát thải, hướng đến năng lượng xanh và bảo vệ môi trường.

Dù còn cần thêm thời gian hoàn thiện về mặt kỹ thuật, NIION hứa hẹn là một dự án tiềm năng, góp phần vào sự phát triển của ngành năng lượng sinh học tại Việt Nam.

PV (T/H)

Nghiên cứu phát triển vật liệu bền vững từ vỏ hạt

Nghiên cứu phát triển vật liệu bền vững từ vỏ hạt

Không chỉ có hàm lượng dinh dưỡng cao, các loại hạt vỏ cứng giờ đây có thể trở thành một giải pháp vật liệu bền vững trong tương lai