NSƯT Dương Minh Đức: Từ người kỹ sư có kỷ luật thép tới giọng nam cao đẳng cấp của mái trường Quân đội

Suốt hơn 40 năm qua, trái tim và tiếng hát của NSƯT Dương Minh Đức vẫn căng tràn nhiệt huyết và nội lực, đúng nghĩa một người tráng sỹ kiên trung trên mặt trận văn hóa – nghệ thuật.

Nhiều năm qua, trường Văn hóa Nghệ thuật Quân đội vẫn được xem là nơi ươm mầm và bảo chứng cho nhiều tài năng âm nhạc của đất nước. Từ mái trường này, đã có biết bao ca sĩ được tỏa sáng, dưới sự dìu dắt của những người thầy tâm huyết và uyên bác.

Một trong những người thầy, người chiến sĩ và nghệ sĩ xuất sắc của trường Văn hóa Nghệ thuật Quân đội chính là NSƯT Dương Minh Đức.

NSUT Dương Minh Đức
NSUT Dương Minh Đức

Từ chàng kỹ sư có kỷ luật sắt tới người nghệ sĩ tài hoa của mái trường Quân đội

NSƯT Dương Minh Đức sinh năm 1949 tại một vùng quê ngoại thành Hà Nội, nơi có những làng lúa làng hoa luôn rực rỡ khoe sắc quanh năm, nên sớm được nuôi dưỡng một tâm hồn đầy lãng mạn, bay bổng và ngập tràn ý thơ.

Nhưng tâm hồn lãng mạn đó lại được rèn dũa kỹ càng bởi kỷ luật quân đội. Cha của NSƯT Dương Minh Đức chính là đạo diễn, NSƯT Dương Minh Đẩu, cũng xuất thân từ một người lính, làm tới chức giám đốc Xưởng phim Quân đội.

Bởi vậy, ngay từ tấm bé, NSƯT Dương Minh Đức đã được dạy dỗ theo đúng kỷ cương, tác phong quân đội một cách nghiêm khắc. Nhờ đó, ông sớm hình thành được tính cách nề nếp, chỉn chu và kỹ càng.

Chính tính cách này đã ảnh hưởng nhiều tới lối hát của ông, chuẩn chỉ và chính xác về kỹ thuật, giai điệu, lại đầy tính mô phạm, đáng để học hỏi, noi theo.

NSƯT Dương Minh Đức đã được dạy dỗ theo đúng kỷ cương, tác phong quân đội một cách nghiêm khắc
NSƯT Dương Minh Đức đã được dạy dỗ theo đúng kỷ cương, tác phong quân đội một cách nghiêm khắc

Tuy được rèn dũa nghiêm khắc, nhưng ngay từ bé, NSƯT Dương Minh Đức đã được tiếp xúc với nghệ thuật thông qua công việc của cha mình tại xưởng phim. Ông nói:

“Tôi vẫn nhớ như in cái thuở mình nhang nhác tuổi của bé con bây giờ, tôi thường xuyên theo cha đến xưởng phim quân đội. Hồi đó, cha tôi là Giám đốc Xưởng phim Quân đội”.

Chính những thước phim đầy nghệ thuật đã nuôi dưỡng trong NSƯT Dương Minh Đức một tấm lòng yêu nghệ thuật, yêu âm nhạc, qua những bản nhạc phim đầy hiển hách thời kỳ đó.

Tuy nhiên, con đường đến với âm nhạc của NSƯT Dương Minh Đức lại không hề bằng phẳng, khi phải trải qua những năm tháng đằng đẵng gắn bó với nghề kỹ thuật, trong cái nghèo khó. Ông tâm sự:

“Bố tôi muốn rèn luyện tôi theo “kỷ luật sắt” nên ngay từ nhỏ đã muốn con trai mình sẽ trở thành một kỹ sư chế tạo máy.

6 tuổi, tôi theo cha mẹ tập kết ra Bắc và học Trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi, rồi sang Trung Quốc học trung học, trở về nước, tôi nhập ngũ và học ở Trường Quân chính Quân khu, sau đó về công tác ở Bộ Tư lệnh Hải quân, xuống tàu và sau này làm công tác bảo vệ cầu Long Biên.

Năm 1969, tôi thi đỗ vào ngành chế tạo máy tại Đại học Kỹ thuật quân sự và đã đạt những thành tích xuất sắc trong học tập. Nghề chế tạo máy cũng có cái hay giúp tôi có một niềm yêu thích ôtô sau này. Đến thời điểm này, tôi đã mua bán 20 chiếc xe ôtô, toàn ôtô cũ. Nghèo thì mua xe rẻ tiền, đến giờ tôi cũng chỉ đi xe cũ, nhưng thích lắm vì có “đất dụng võ”, tay chân lúc nào cũng lấm lem vì dầu, luyn”.

Vất vả là thế, nhưng niềm đam mê ca hát trong NSƯT Dương Minh Đức vẫn chưa lúc nào nguôi ngoai và luôn hừng hực chờ cháy. Từ hồi ngồi ở ghế Học viện Kỹ thuật, ông đã năng nổ tham gia Hội diễn quần chúng toàn quân và được giải nhất với 2 bài hát Trong mỗi trái tim ta có Bác Hồ (Trịnh Nguyên Huân) và bài Hà Nội niềm tin và hy vọng (Phan Nhân). Chàng trai ngày đó dù non nớt, nhưng vẫn gây ấn tượng nhờ chất giọng nam cao sáng rực và ấm áp của mình.

Vài năm sau, NSƯT Dương Minh Đức quyết định thi vào Nhạc viện và đỗ thủ khoa dù không phải con nhà nòi. Đây là một thành tích vô cùng đáng nể, chứng minh tài năng lớn của ông.

Vào Nhạc viện, ông như cá gặp nước, tha hồ vùng vẫy để bộc phát tài năng của mình, nên được các thầy cô đánh giá rất cao, với thành tích học tập tốt. Nhiều thầy cô dù khó tính đến mấy cũng phải thừa nhận cậu học trò của mình có năng lực và ý chí vượt trội hơn bạn bè đồng trang lứa.

NSƯT Dương Minh Đức: Từ người kỹ sư có kỷ luật thép tới giọng nam cao đẳng cấp của mái trường Quân đội

Sau hai năm học tại Nhạc viện, NSƯT Dương Minh Đức đã tham dự cuộc thi tiếng hát chuyên nghiệp toàn quốc và đoạt Huy chương Vàng với bài Chiều trên bến cảng. Cũng trong năm đó, ông tiếp tục sang Sochi Liên Xô tham gia cuộc thi Hoa cẩm chướng đỏ và đoạt giải 3.

Sau khi đạt nhiều thành tích lớn như vậy, NSƯT Dương Minh Đức được mời về Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội giảng dạy, đào tạo và làm quản lý. Ông làm tới chức vụ phó Hiệu trưởng, chủ nhiệm khoa Thanh nhạc cho tới khi nghỉ hưu.

Giọng nam cao đẳng cấp, người thầy của nhiều thế hệ ca sĩ

NSƯT Dương Minh Đức sở hữu giọng tenor 1 cao, rộng, nhưng đầy đặn và ấm áp. Giọng hát của ông được đào tạo bài bản với kỹ thuật chuẩn thanh nhạc cổ điển, nên hát tới đâu đẹp tới đó.

Bằng giọng thật của mình, NSƯT Dương Minh Đức lên thoải mái tới F4, G4, với sự cộng hưởng chắc chắn, khoáng đạt, nghe lồng lộng và đầy khí thế, xen lẫn sự hào hùng, thích hợp để thể hiện những khúc ca bi tráng về đất nước. Mỗi khi lên cao, giọng hát NSƯT Minh Đức đều sáng chói và nội lực đến khó tả.

Ông là người thể hiện thành công những ca khúc quen thuộc như Trường Sơn nhớ Bác, Cây đàn ghi-ta của Đại đội 3, Năm anh em trên một chiếc xe tăng, Người chiến sĩ ấy, Bài ca Trường Sơn, Chiều trên bến cảng…, với chất lính đầy hào hùng.

Ca khúc "Đường chúng ta đi" với sự thể hiện của tam ca Quang Thọ - Quang Huy - Dương Minh Đức

Với NSƯT Dương Minh Đức, thành công lớn nhất của anh là tổ chức được đêm nhạc kỷ niệm 40 năm ca hát đầy hoành tráng và trang trọng “Người chiến sĩ ấy”.

Trong đó, có sự góp mặt của 5 nghệ sĩ thuộc thế hệ vàng của anh gồm nghệ sĩ Doãn Tần, Quang Thọ, Quang Huy, Hoàng Chè với những bài hát đã đi vào đời sống như Cây đàn ghita của Đại đội 3 (Xuân Hồng), Năm anh em trên một chiếc xe tăng (Doãn Nho), Mời anh đến thăm quê tôi (Nguyễn Đức Toàn), Cuộc đời vẫn đẹp sao (Phan Huỳnh Điểu).

Ngoài ca hát, NSƯT Dương Minh Đức còn là một nhà sư phạm đầy tâm huyết và tử tế. Ông đã đào tạo rất nhiều thế hệ ca sĩ cho nền âm nhạc Việt Nam. 

Ở tuổi gần 70, NSƯT Dương Minh Đức gần như viên mãn với gia đình hạnh phúc và không bon chen sự đời. Ông vẫn miệt mài đi hát show, giảng dạy thêm và tham gia đóng góp ý kiến chuyên môn, nhưng không phải vì miếng cơm manh áo, mà đơn giản để thỏa đam mê, nhựa sống vẫn đang căng tràn trong mình. Giọng hát anh vẫn ngày một đầy đặn, trải nghiệm hơn.

Long Phạm

Vì sao Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải - chồng ca sỹ Đinh Hiền Anh bị kỷ luật cảnh cáo?

Vì sao Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải - chồng ca sỹ Đinh Hiền Anh bị kỷ luật cảnh cáo?

Ông Huỳnh Quang Hải, Thứ trưởng Bộ Tài chính vi phạm phẩm chất đạo đức, lối sống và các quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên....