PGS.TS Nguyễn Minh Tân: "Nếu có một quả cam trong tay bạn..."

Ở PGS.TS Nguyễn Minh Tân toát lên một thứ “lực hấp dẫn”, khiến người đối diện bị “mê hoặc” trước câu chuyện về hành trình làm khoa học.

PGS.TS Nguyễn Minh Tân: “Tôi mong muốn là người cung cấp giải pháp”

Trò chuyện cùng PGS.TS Nguyễn Minh Tân, ấn tượng đầu tiên chị mang lại đó là phong cách làm việc chuyên nghiệp và niềm đam mê bất tận với nghiên cứu khoa học. Ở chị toát lên một thứ “lực hấp dẫn”, khiến người đối diện bị “mê hoặc” trước câu chuyện về hành trình làm khoa học. Nhiều người vẫn thường nghĩ khoa học là thứ gì đó hàn lâm, khó hiểu và khô khan nhưng khi được nghe PGS.TS Nguyễn Minh Tân kể thì đó lại là một câu chuyện thật sự hấp dẫn, nhiều màu sắc và có sức hút kỳ lạ.

Giải pháp công nghệ đột phá

Lâu nay, nhiều người đã nghe đến công nghệ JEVA và ứng dụng của nó trong sản xuất nông sản. Người dẫn dắt nhóm nghiên cứu phát triển công nghệ này là PGS.TS Nguyễn Minh Tân - Giám đốc Viện Nghiên cứu và Phát triển ứng dụng các hợp chất thiên nhiên (INAPRO), Đại học Bách khoa Hà Nội, Chi hội trưởng Chi hội Nữ trí thức Trung tâm Ứng dụng KHCN và Khởi nghiệp (COSTAS).

PGS.TS Nguyễn Minh Tân
PGS.TS Nguyễn Minh Tân

Công nghệ JEVA với tên đầy đủ là công nghệ cô đặc nước quả nhiệt đới tích hợp các quá trình màng (Juice EVAporation Technology) và thiết bị cô đặc dịch mẫn cảm nhiệt tại nhiệt độ và áp suất thường. Trải qua hơn mười năm xây dựng phát triển, PGS.TS Nguyễn Minh Tân cùng nhóm nghiên cứu đã từng bước hoàn thiện để có một giải pháp công nghệ hoàn chỉnh. Ưu điểm của công nghệ JEVA là có thể cô đặc dịch mẫn cảm nhiệt tại nhiệt độ thấp (nhỏ hơn 45°C) và tại áp suất thường. Cùng một nguyên tắc tách nước từ dịch quả ép nhưng do thực hiện ở nhiệt độ thấp và áp suất thường nên sản phẩm áp dụng công nghệ JEVA giữ được tối đa các thành phần dinh dưỡng, chất hương và các vitamin có trong dịch nguyên liệu, sản phẩm ít bị biến đổi màu sắc và đạt được các chỉ tiêu chất lượng cảm quan so với các công nghệ cùng mục đích trên thế giới hiện nay. Không chỉ dừng lại trong phòng thí nghiệm, chị cùng các cộng sự đã công bố kết quả nghiên cứu trên các tạp chí khoa học quốc tế và ứng dụng vào thực tế sản xuất.

PGS.TS Nguyễn Minh Tân chia sẻ: “Nguyên lý của việc tách nước là làm bốc hơi nước bằng cách tăng nhiệt độ ở áp suất thường hoặc nhiệt độ thấp nhưng phải hạ áp suất xuống thấp. Dù là cách nào thì cũng làm biến đổi các hoạt chất sinh học có trong nguyên liệu ban đầu. Với phương pháp của tôi, việc tách nước được thực hiện ở nhiệt độ thấp và áp suất thường nên các hoạt chất sinh học không bị biến đổi, giữ nguyên được dinh dưỡng, hương vị và màu sắc”.

PGS.TS Nguyễn Minh Tân nghiên cứu máy khử vi khuẩn có hại trong không khí, trong đó có cả virus Sars-CoV2
PGS.TS Nguyễn Minh Tân nghiên cứu máy khử vi khuẩn có hại trong không khí, trong đó có cả virus Sars-CoV2

Một ưu điểm lớn của công nghệ JEVA là thiết bị nhỏ gọn, có tính di động, dễ dàng di chuyển đến các địa điểm khác nhau. Các công nghệ tương tự trên thế giới thường to, cồng kềnh, phải lắp đặt tại nhà máy và khó có khả năng di chuyển. Thế nhưng, nguyên lý của công nghệ JEVA chỉ gói gọn trong một chiếc máy có kích thước bằng một chiếc tủ lạnh và có bánh xe di chuyển nên dễ dàng đưa đến các địa điểm khác nhau. Vì vậy, đối với các đơn vị chế biến có quy mô nhỏ không cần phải mua thiết bị mà có thể thuê để tiết kiệm chi phí sản xuất.

Đăc biệt, công nghệ JEVA được đánh giá là “công nghệ xanh”, không gây bất lợi cho môi trường bởi không sử dụng hóa chất và tiêu thụ năng lượng thấp hơn trên 80% so với quá trình cô đặc nhiệt thông thường. Hệ thống thiết bị chỉ thải ra một lượng nhỏ nước có lẫn đường hoa quả trong nước quả trong quá trình vận hành. Đây là một ưu thế nổi trội của công nghệ JEVA so với các công nghệ có cùng mục đích trên thị trường hiện nay.

Công nghệ JEVA với sản xuất mật ong

Câu chuyện lựa chọn mật ong để ứng dụng công nghệ JEVA cũng là một câu chuyện đầy trăn trở mà PGS.TS Nguyễn Minh Tân dành nhiều tâm huyết. Ai cũng biết mật ong là một sản phẩm bổ dưỡng bởi trong quá trình “sản xuất” ra mật, con ong đã lấy được từ thiên nhiên những hoạt chất có giá trị. Những hoạt chất có giá trị ấy được lưu giữ, bảo quản trong môi trường  nhiều đường, tuy nhiên, trong mật ong ngoài thành phần đường còn có nước. Nếu mật ong có độ ẩm cao sẽ kết hợp với các loại nấm men tạo ra các sản phẩm phụ không mong muốn, làm giảm chất lượng dinh dưỡng và cảm quan của mật ong. Theo các tài liệu đã công bố nếu độ ẩm trong mật ong dưới 20%klg. sẽ hạn chế sự phát triển của các loại nấm men, từ đó ức chế quá trình lên men. Vì vậy, việc hạ thủy phần mật ong xuống dưới 20%klg, đồng thời giữ được các thông số chất lượng khác ít thay đổi có vai trò quan trọng để duy trì chất lượng và giá trị của mật ong trên thị trường.

Thông thường, mật ong ở các nước phương Tây, nơi có khí hậu khô thủy phần nước trong mật ong sẽ chiếm khoảng 20%klg. Tuy nhiên, đối với một đất nước có khí hậu ẩm như Việt Nam, thủy phần trong mật ong chiếm khoảng 22 - 24%klg, chỉ có 76 - 78%klg là đường. Con số 2 - 4% tưởng chừng là con số nhỏ nhưng việc tang thủy phần này làm mật ong nhanh biến đổi, ảnh hưởng đến chất lượng và cảm quan của mật ong, vì vậy, cần hạ thủy phần trong mật ong để bảo quản được lâu dài.

PGS.TS Nguyễn Minh Tân nghiên cứu trong chuyến công tác tại CHLB Đức.
PGS.TS Nguyễn Minh Tân nghiên cứu trong chuyến công tác tại CHLB Đức.

Câu chuyện hạ thủy phần mật ong cũng giống như hạ thủy phần của nước quả hay bất kỳ một sản phẩm nào khác. Nếu để bay hơi ở nhiệt độ cao hoặc áp suất thấp thì nhiều thành phần quý giá sẽ bị biến đổi, mật ong không còn giữ được giá trị dinh dưỡng như ban đầu. Vì vậy, công nghệ JEVA cho phép giảm thủy phần trong mật ong xuống dưới 20% ở nhiệt độ thấp và áp suất thường, giúp mật ong giữ nguyên được các hoạt chất sinh học đồng thời bảo quản được lâu hơn mật ong bình thường.

Câu chuyện không chỉ dừng lại ở mật ong nguyên chất. Từ mật ong nguyên liệu, nắm bắt nhu cầu của thị trường, PGS.TS Nguyễn Minh Tân cùng nhóm nghiên cứu đã phát triển ra các sản phẩm mật ong thảo dược. Vốn là một nguyên liệu quý nên mật ong thường được dùng để ngâm với các loại thảo dược quý, phục vụ cho việc bồi bổ sức khỏe, phòng chữa bệnh thông thường. Tuy nhiên, khi ngâm thảo dược với mật ong thì thủy phần sẽ bị tăng lên, khiến sản phẩm dễ bị lên men và hỏng.

Để giải quyết bài toán mật ong thảo dược giữ được hoạt chất quý của mật ong cũng như thảo dược, nhóm nghiên cứu đã ứng dụng công nghệ JEVA vào sản xuất mật ong thảo dược. Các loại thảo dược sẽ được ép nước và bã riêng, bã đem ngâm mật ong, sau đó đổ phần nước đã ép vào mật ong rồi dùng công nghệ JEVA để giảm thủy phần nước. Nhờ đó sản phẩm mật ong thảo dược giữ được nguyên các hoạt chất sinh học và bảo quản được lâu. Chị Tân cho biết, nhóm đã phát triển các loại mật ong thảo dược như: Mật ong sâm, mật ong gừng, mật ong vỏ quýt, mật ong tam thất…

PGS.TS Nguyễn Minh Tân chia sẻ: “Nhiều người hỏi tại sao tôi lại chọn mật ong mà không phải nông sản khác? Mật ong là một sản phẩm phổ biến và có giá trị nhưng thị trường hiện đang lẫn lộn thật giả, gây nghi ngờ cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, nếu là sản phẩm mật ong thảo dược với thủy phần chỉ 17%klg thì chưa có ai làm được. Với việc phát triển giải pháp sản xuất mật ong thảo dược di động và thông minh, tôi mong muốn giúp cho bà con có thể chứng minh phẩm cấp của sản phẩm, đưa ra thị trường một sản phẩm đảm bảo là duy nhất, không ai làm nhái, làm giả được. Từ đó, bà con tìm được chỗ đứng trên thị trường cho sản phẩm của mình”.

Với những ưu thế vượt trội, “Giải pháp công nghệ sản xuất mật ong thảo dược di động và thông minh” đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Bằng độc quyền sáng chế ngày 2/5/2024 và đạt Huy chương Đồng tại Triển lãm Quốc tế về Sáng chế của phụ nữ (KIWIE 2024) tại Hàn Quốc.

Cung cấp giải pháp chế biến

Là nhà sáng chế công nghệ, nắm trong tay công nghệ hàng đầu tại Việt Nam, thậm chí là trên thế giới nhưng mong muốn của PGS.TS Nguyễn Minh Tân không phải là bán được nhiều máy móc, công nghệ mà chị mong muốn cung cấp cho các nhà sản xuất giải pháp chế biến. Chị Tân cho biết: “Tôi mong muốn giúp họ xây dựng một lộ trình cụ thể, tổ chức phương án sản xuất. Cái tôi đưa ra không chỉ là giải pháp trên giấy mà là cách giải quyết vấn đề. Chẳng hạn, một người có trong tay quả cam, và họ hỏi tôi khuyên họ nên làm những sản phẩm gì. Tôi sẽ đưa ra cho họ hẳn một lộ trình. Tôi sẽ khuyên họ nếu anh có chừng này thì anh nên làm sản phẩm này hoặc sản phẩm kia”.

Cái hay trong công nghệ của chị Tân đó là từ một thiết bị có thể xây dựng thành những hệ thống nhỏ và đi từng nơi khác nhau. Khi một khách hàng có một loại quả nào đó, nếu họ yêu cầu chị Tân sẽ cùng họ tổ chức sản xuất theo cấu trúc cụ thể. Chị sẽ là người đề xuất giải pháp, đưa ra lời giải theo bài toán mà người có nhu cầu đưa ra.

Không chỉ đề xuất giải pháp, chị Tân còn giúp họ giải quyết các vấn đề. Thông thường, các nhà sản xuất, đặc biệt là quy mô nhỏ, khi nghe thấy giải pháp đều nghĩ ngay đến việc mua sắm máy móc để kịp thời có sản phẩm đưa ra thị trường. Tuy nhiên, khi đầu tư máy móc họ không thể lường trước được hết liệu các sản phẩm có được thị trường đón nhận và tiêu thụ tốt hay không. Vì vậy, chị giúp họ giải quyết vấn đề này bằng cách giúp họ sản xuất thử nghiệm một số sản phẩm để chào hàng, tìm hiểu nhu cầu của thị trường trước khi quyết định đầu tư máy móc, sản xuất trên quy mô lớn. Có sản phẩm trong tay, nhà đầu tư có thể tính toán giá thành. Như vậy, vừa tiết kiệm chi phí, vừa tìm được sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường, tránh việc đầu tư số tiền quá lớn nhưng khi sản xuất sản phẩm đưa ra thị trường không tiêu thụ được dẫn đến thua lỗ rồi gặp khó khăn trong sản xuất.

PGS.TS Nguyễn Minh Tân:

Là một người làm khoa học, nên với bất kỳ một vấn đề nào khách hàng đưa ra, chị Tân đều tìm một lời giải tối ưu nhất, tránh cho họ nguy cơ thua lỗ đồng thời cũng nâng cao kiến thức, hiểu biết về kinh doanh cho họ. Càng nhiều người có kiến thức thì càng tác động tích cực đến môi trường sản xuất kinh doanh, tạo nên một môi trường thuận lợi hơn. Với chị Tân, cung cấp giải pháp cũng giống như chơi một ván cờ, mỗi quân cờ sẽ có một nước đi khác nhau để dẫn đến ván cờ thành công. Với mỗi hợp tác xã, mỗi doanh nghiệp hay mỗi hộ sản xuất, phụ thuộc vào năng lực, tài nguyên chị sẽ đưa ra một lộ trình, một đáp án phù hợp để hạn chế khả năng thua lỗ, kinh doanh thất bại.

Điều chị Tân mong muốn là lan tỏa được dịch vụ cung cấp giải pháp, bởi theo chị, nếu chỉ có mình chị thì không thể làm được gì nhưng nếu nhiều người biết thì sẽ có tác động lớn đến môi trường kinh doanh. Khi giải pháp này được lan tỏa, những người hoạt động kinh doanh sẽ nhìn nhận được vấn đề, đưa ra quyết định đúng đắn khi quyết định đầu tư sản xuất. “Khi nắm chắc vấn đề, dựa trên nguồn nguyên liệu mình có, các chủ vườn, các hợp tác xã sẽ quyết định cần phải đầu tư mua máy móc hay chỉ cần thuê máy về sản xuất theo mùa vụ, thậm chí là mang nguyên liệu đến thuê gia công sản phẩm” - PGS.TS Nguyễn Minh Tân chia sẻ.

Bên cạnh vai trò là nhà khoa học, PGS.TS Nguyễn Minh Tân còn đảm nhiệm vai trò giảng dạy. Đứng ở góc độ người đào tạo, chị Tân đưa ra lời khuyên: “Lựa chọn ngành học theo sở trường và sự yêu thích. Khi đã có niềm đam mê với nghề mình đã chọn thì mình sẽ giỏi và có chỗ đứng trong xã hội. Không có nghề nào sang hơn hay kém hơn, chỉ có người thật sự giỏi trong nghề đó mới tìm được chỗ đứng trong xã hội”.

Phạm Ngọc

PGS.TS Trần Thị Thu Hà - nhà khoa học, nhà quản lý tài ba

PGS.TS Trần Thị Thu Hà - nhà khoa học, nhà quản lý tài ba

PGS.TS Trần Thị Thu Hà là chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu chọn giống, nhân giống và trồng thâm canh cây lâm nghiệp, cây dược liệu.