Quá trưa bước sang ngang

Hoa quyết lấy chồng lần thứ hai sau 15 năm ở vậy... Không thấy hạnh phúc đâu, chỉ thấy tháng ngày chăm ông chồng bệnh tật mà luôn sòng phẳng tiền bạc.

Đã đành trong giới nghệ sỹ người ta thường đồ rằng nhiều kẻ dại gái lắm, đàn ông dại gái thì mất cả chì lẫn chài, mất cả cơ nghiệp vì một bóng hồng, vì cái đôi mày én, vì cái cổ kiêu ngọc ngà, vì cái ức ngực nõn nường của con nhà lành. Nhưng tôi có một người bạn “dại trai”, rất hay giả thiết này nọ. Người từng được các bà chị từng trải khuyên can đứt hơi cũng không giải quyết được vấn đề gì, “Về mo cả thôi”. Kết cục, tuổi quá trưa bước sang ngang, trực tiếp  sống thật với đời sống hôn nhân, lần thứ n lần vẫn chưa hết cách dại.

Em tên là Hương Hoa, vừa mới bay ra từ Vũng Tàu, ngày hôm sau em ngủ vùi đã mắt, vùng dậy, việc đầu tiên là đi thăm bạn bè tại Hà Nội vì nhớ hồ Gươm quá. Gặp tôi em nói ngay: “tuổi quá trưa bước sang ngang nhìn nhận hạnh phúc vẫn không thể kết luận được gì chị ạ”. “Sao thế?” - tôi hỏi. “Là em ngu thế thôi”.

Nuốt đánh ực kiểu nuốt khan, Hoa tiếp: “Làm ô sin hầu hạ chồng già ngày ba bữa, đi đâu cũng phải xin phép”...“Muốn học tiếng Anh cho đỡ buồn thì tự túc bỏ tiền túi ra”. “Tiền lương anh không đưa. Cứ để vài trăm một trong cái hộp bánh rất nhỏ của Pháp, vài trăm bạc để đi chợ hàng ngày. Nếu tiêu pha quá tay một tý thì chồng già làu bàu. Bệnh làu bàu là bài ca tuổi già, khi sống chung nghe làu bàu rất dễ sợ; và chịu đựng làu bàu suốt năm tháng qua cũng dễ mắc bệnh thần kinh”.

Từ ngày Vũng Tàu vừa ngớt dịch, nàng bỏ ngay tiền túi mua vé bay đêm, ra luôn. Lý do với chồng là em đi chữa bệnh tim có vấn đề khó thở và hay hụt hơi, người tỏa mồ hôi đầy mình trong ngày. Chuyến này em bỏ đi để mua tự do. Tự do là nhất, tự do là muôn năm. Ôi sao bấy giờ em mới hiểu hai từ tự do. Giả thiết em không lấy chồng thì có tự do rất nhanh.

Đúng là hạnh phúc không phải là quả dưa bở, bẻ dưa là ăn ngay được; hạnh phúc càng không nên tính toán khi lấy chồng giàu, dù lão ta đứng tuổi U80. Chồng già mà giàu lúc yêu có “cụ” ứng xử rất ga lăng nhé, cách ứng xử hay, có văn hóa, sẽ làm cho ối nàng chết mê chết mệt. Khi Hương Hoa ký vào tờ giấy kết hôn rồi thì ứng xử văn hóa lịch sự hào phóng của chồng như ảo thuật gia bay đi mất tiêu. Thay vào đó là những bộc lộ hiện nguyên bản không có chối cãi được. “Là tại mày dại trai, sao mày không thử sống thử xem hắn ứng xử với đồng tiền ra sao, rồi hãy ký” - tôi bảo Hoa thế.

Hương Hoa kể trong cơn bão số 2, bão đang rớt vào thành phố, cây đổ và đường ngập. Xe khách vừa nhích từng centimét mới về được đến nhà tắm qua loa rồi đi ngủ luôn. Căn phòng cũ kỹ quen thuộc, thích ơi là thích, không gì bằng ở nhà mình. Ngôi nhà là hạnh phúc đầu tiên của Hương Hoa với người chồng đầu tiên.

Tranh minh họa: Tào Linh.
Tranh minh họa: Tào Linh.

Chồng đầu tiên của em là bác sĩ khoa tim mạch, nhưng chàng lại chết vì sinh ư nghệ, đột quỵ vì tim khi đứa con gái đầu lòng mới đầy hai tuổi. Đang dạt dào hạnh phúc thì đứt gánh. Hương Hoa góa bụa sớm, đi bán thuốc tân dược, buôn đất, nuôi con. Đến lúc con trưởng thành có công ăn việc làm thì nàng mới có tình yêu với một anh chàng có nghề trồng cây cảnh.

Người thứ hai này cũng góa vợ nuôi cậu con giai đã yên bề gia thất. Cặp kè được ít lâu, không đắn đo gì, Hương Hoa quyết lấy chồng lần thứ hai sau 15 năm ở vậy. Chỉ ít tháng sau anh chàng trồng cây cảnh dặt dẹo đổ bệnh tiểu đường, rồi suy thận cấp. Trong tủ chè một tập giấy điều trị chữa bệnh rất dày mà anh đã giấu vợ không nói ra.

Không thấy hạnh phúc ở đâu, chỉ thấy tháng ngày chăm sóc bệnh nhân trong bệnh viện, chỉ mỗi việc hầu hạ ông chồng đuối sức, bệnh tật mà vẫn luôn sòng phẳng về tiền bạc. Anh ta chi trả hết tiền thuốc men, tiền viện phí, nhưng không đưa tiền ăn uống, đi lại cho vợ. Hoa có ít của hồi môn bằng tiền bán mảnh vườn ở quê, rồi ăn thâm vào sổ tiết kiệm.

Hai năm khi chồng nàng ra viện thì Hương Hoa cũng thuận tình ly hôn, và người chồng có nghề trồng cây cảnh còn trả công cho người vợ tận tình hơn hẳn ô sin bệnh viện. Chàng biếu cô năm chục triệu gọi là có tình có nghĩa khi góp gạo thổi cơm chung. Bữa cơm cuối cùng chia tay có hai người. Chồng cũ nói: “Cô có tý máu yêu văn chương, biết xử sự ấm áp hơn anh tưởng, cô nói năng nhẹ nhàng và nấu nướng cũng được, nhưng duyên chúng mình chỉ đến đây thôi”.

Hắn đẩy về phía tay cô một món quà, một chiếc đồng hồ hãng Orient của Nhật Bản, và kèm theo một tiếng reo ting ting, một tin nhắn mới. một tin nhắn chuyển khoản quà tặng cho Hoa 50 triệu đồng. Thay cho việc bán đi một cây thiên tuế. Giả thiết em chỉ bằng tiền cái cây thiên tuế năm chục triệu đồng thôi sao. Hai năm làm vợ chỉ có thế.

Cây cảnh và nhà cửa của chồng cũ không thiếu tiền tỷ, nhưng chàng chỉ chi cho cuộc hôn nhân thoảng qua có vậy. Và kết luận, Hương Hoa cũng mệt mỏi dứt áo ra đi, mong chạy trốn khỏi chàng và hành lang bệnh viện, trốn khỏi những cái cây bạc tỷ của chàng, còn dáng chàng vẫn như cái cây dặt dẹo, đã chia tay rồi thì còn gì  để nói nữa.

Dứt áo ra đi Hương bảo em mệnh thổ, có lộc đất đai, em buôn mua đám đất ở trên Hòa Bình cũng lời lãi được hai trăm triệu, cũng gọi là có lộc: “mèo nhỏ bắt chuột con”. Một ngày đầu xuân vừa vãn dịch đi ra công chứng cho miếng đất mua lâu rồi; nàng chợt gặp ông Tê, ông có vóc dáng đậm người, đôi mắt hơi bé so với gương mặt to vuông vức. Ông chỉ giúp Hương Hoa cách làm thủ tục công chứng rất nhanh. “Số em cũng dính đến đất đai và có lộc đất đai đấy nhỉ” rồi quen biết. Ông Tê có cái nhà to, dễ vài chục tỷ ở Tây Hồ. Lại có căn hộ ở Vũng Tàu nghỉ dưỡng. Hương Hoa kể, ông Tê từng làm giám đốc một doanh nghiệp về rừng, lúc hạ cánh ông cũng có hai ngôi nhà với con số bạc tỷ trong cuốn sổ tiết kiệm.

Đi lại rồi quen biết, cà phê cà pháo hai ba tháng giời, Hương Hoa  quyết ngay, hạ bút lấy chồng lần thứ ba. Dù quen biết chóng vánh, không có tình cảm gì. Nhưng thấy ông có tiền, có nhiều nhà, nàng tính dựa dẫm cuối đời. Trước khi vào chung sống với chàng đã sang tên ngôi nhà chính chủ cho cô con gái, để khỏi lo lấy chồng, rồi phải tính toán chia chác.

Tháng Hai vào đến Vũng Tàu, nàng cũng ngã ngửa ra khi ông chồng cho biết, ông cũng vừa sang tên căn hộ chung cư ở Vũng Tàu cho con gái riêng của mình. Coi như nàng lấy chồng mà đang ở trọ nhà của con gái. Hàng ngày chỉ đi chợ nấu ăn ba bữa, đi chơi phải xin phép chồng già. Cung cách y như thời “đức ông chồng” làm thủ trưởng xí nghiệp, nhân viên phải xin phép cho giấy tờ ký kết cái công việc làm ăn vậy.

Làm vợ ông Tê là chỉ đi chợ nấu ăn ba bữa, luôn sẵn tiền đi mua thực phẩm bình thường. Không có gì ngoài ba bữa ăn, không có niềm vui ngoài buổi sáng cà phê và tán dóc mấy việc hàng xóm chung cư Vũng Tàu có vẻ thân thiện hơn cái chung cư em ở ngoài Hà Nội. Chung cư nghe tên như tiếng Tây, mà mấy bà ô sin ra trông cháu nói đủ tiếng Nghệ An Xô-viết, tiếng Quảng Nam, chu choa, nghe rất vang ở hành lang. Còn không mọi người đi mặc ta về mặc người. Không chào hỏi ai hết. Ông Tê cũng về Hà Nội theo Hương Hoa, vợ vẫn ở nhà cũ với con ở mạn Cầu Diễn, ông Tê ở nhà cũ của mình ở Hào Nam. Chả ai chịu ai và họ cứ kệ, thản nhiên sống như chưa từng đăng ký kết hôn.

Hôn nhân của sự tính toán dựa vào tiền bạc, lợi hay thiệt trong hôn nhân là tối kỵ, hoặc lợi dụng tình dục để phục vụ lợi ích cho bản thân, thật chẳng “tưởng bở” như nàng nghĩ hay chàng nghĩ. Hạnh phúc nó cứ con đường thẳng khi hai người chạy song song tính lãi trong nhau. Cứ đặt ra giả thiết lấy nhau  bằng sự tính toán tiền bạc, nhà cửa, sổ đỏ thì chả biết thời hiện đại có tình yêu hay không nữa. Người đàn bà kẻ lông mày như Hương Hoa nói rằng, ngỡ lần thẩm mỹ xăm lông mày, xăm môi và đánh răng trắng bóng, thì mình sẽ gặp hạnh phúc hơn. Nhưng không thấy, bóng dáng hạnh phúc ở đâu.

 Thật khác hẳn với Hương Hoa, chị Thu Lân bạn Hoa để mặt mộc, không son phấn từ thời trẻ đến khi lên chức bà ngoại. Chồng chị rời khỏi chị khi tai biến lần thứ 5, chị từ chối quảng giao, và kể cả người yêu mến chị, chị nói, với chị tình yêu với người chồng như vậy là quá đủ. Hôn nhân không cần tiếp diễn.

Chị Lân ở vậy 40 năm lúc chồng mất mới 32 tuổi. Chị không có ý định yêu ai hay cặp bồ chẳng hạn. Nghề  y với chị là trắng đêm những ca trực, lại tiếp cận với những ca hấp hối, những giọt nước mắt khóc thương. Chị cũng không còn mong ước đi tới hạnh phúc với người đàn ông khác.

Hôm Hoa gặp lại bạn cũ cùng ở Ngõ Trạm xưa, bạn cũ tên Huề vẫn  trông xe máy, xe đạp ở rạp hát Chuông Vàng xưa, nay vẫn trông xe cho một tiệm cà phê ở ngõ Hàng Hành. Hà Nội 12h đêm Huề đi các quán bar xin rác, bỏ rác đi và nhặt từng vỏ lon bia, đến cái thùng các tông, để chờ 5h sáng bán cho nơi thu mua kiếm vài trăm ngàn bạc để nuôi ông chồng nằm một chỗ. Huề vẫn cười mà mắt thì thèm ngủ.

“Tớ chỉ thèm ngủ thôi, đêm đi nhặt rác các quán bar, ngày trông xe buồn ngủ lắm. Chiều về chăm sóc ông chồng ngồi xe lăn do khớp gối nhiễm trùng”. Huề cười như không hề có chuyện gì buồn. “Cứ vô tư đi, tớ thấy nhà tớ như thế là yên ổn rồi, kiếm đủ ăn thôi nhưng bố con nó còn ở gần nhau còn nhắc gọi con đi làm, và thằng con thì giở lưng cho bố ban đêm. Khi mẹ về ngủ vùi, có lúc ngủ quên, lão ấy gọi đến giờ đi trông xe rồi. Thế thôi, hạnh phúc là đừng có tưởng bở, thì mình sẽ luôn hạnh phúc”, Huề cười nhăn răng. Và  Hoa cúi xuống với nụ cười nhăn răng của Huề: “Nhà tớ sống chẳng tính lời lãi, sổ đỏ, sổ xanh mà làm gì, cứ nhặt rác, trông xe, đủ no, chả hơn à?”. Huề trông xe, nhặt rác nói xong ngáp, kêu thèm ngủ.

Hoàng Việt Hằng

Học lại cách yêu bản thân

Học lại cách yêu bản thân

Học cách chấp nhận mọi thứ tùy duyên, bản thân sẽ biết sử dụng năng lượng hiệu quả hơn.