Các bà hay nhảy

Nếu thấy cô đi bước nhanh như một người tình đến cuộc hò hẹn đã chờ đợi lâu thì đấy là cô ra sàn. Ngày nào cũng vậy...

Thấy vợ trang điểm để đi thi nhảy (khiêu vũ cổ điển) ông chồng mát mẻ: “Nhớ mang về huy chương vàng!”. Vợ đáp: “Nếu không được huy chương vàng, tôi cũng được sức khỏe vàng!”.

A.B.C VÀ THÀY LANG H

Chị A là trí thức xịn, nói tiếng Anh chuẩn như phát thanh viên đài BBC. Chị biết nhiều thứ, nhỏ như nguyên tử, lớn như vũ trụ giãn nở. A có vẻ đẹp bình lặng, gương mặt cuốn hút dịu dàng, phảng phất nét duyên hoài cổ. Mà chị cũng “âm lịch” thật. Váy dài thê thảm, để lộ mỗi mắt cá chân. Thời nay mà vẫn còn nghĩ: Con gái ngồi một mình với đàn ông phải kẹp được đồng xu giữa hai gối!

A tự tỏa hương vào cuộc đời mình. Thế nhưng thời gian lết thết qua đi, tiếng chuông điểm ghê gớm tuổi 40 lặng tan dần trong cảnh trời chạng vạng mà chị vẫn chưa lấy chồng. Phải chăng vì con người chị thiếu cái gì đó để đốt lên lòng thèm khát của giới đàn ông và xúi giục họ xây dựng gia đình?

Đến khi nhan sắc và vẻ duyên dáng đã bị thời gian bào mòn mất rồi, giấc mơ về một tổ ấm chỉ còn là một tổ lạnh, thì A mắc bệnh suy nhược. Da như lá khô, tro tàn. Người ta mách chị đến thày lang H.

Cô B là giáo viên dạy lớp 4. Giống nhiều cô giáo tiểu học, B đẹp như ánh trăng rằm. Đôi mắt cô đen như hạt mã não. Cô chỉ liếc thôi thì tê giác cũng bủn rủn, huống hồ là anh cán bộ hải quan. Đã thế môi B mòng mọng trông như hờn giận, làm cho anh chàng vội cưới cô về, trưng bày trong “nhà búp bê” của mình. Từ đó B bị “mất dạy”. Cả ngày cô chỉ có việc trang điểm và thử váy áo, post ảnh lên  mạng, xong nằm cuộn tròn trong chăn và đợi chồng đi làm về. B cứ ngoan thế trong rất nhiều năm và rồi phạm phải “tội lỗi” đáng sợ nhất là nỗi buồn. Những lúc buồn chán, cô thờ thẫn nhìn ra đường ngắm người qua lại và khóc âm thầm. Nước mắt từ từ chảy như máu rỉ ra ở vết thương.

Chồng B vẫn cứ vô tư không biết cô thèm muốn có cuộc sống bên ngoài cửa sổ. Anh rất ngạc nhiên khi nghe cô nói về sự cô đơn, bởi anh không hiểu cô đơn là trạng thái của tâm hồn chứ không phải của đồ vật!

Về sau B phát hiện ra chồng mình nghe tiếng sột soạt của tờ tiền mới sướng tai hơn tiếng sột soạt của tấm váy mỏng. Anh kính trọng và chỉ thích làm những gì đồng tiền sai bảo. Thỉnh thoảng anh mua cho vợ cái dây chuyền vàng một cây để đo lường trọng lượng của tình yêu. Thực chất là món hối lộ cho sự cam chịu của cô. Thế rồi đến ngày giữa họ xuất hiện một bức tường kiên cố như bức tường Berlin. B ra tòa xin li dị. Cô không thể cứ giấu kín nỗi buồn như  giọt nước mắt trong mưa.

Cô đơn là chất ăn mòn đến tận tinh thần. Mấy năm sau đó B bị trầm cảm. Người ta mách cô đến thày lang H.

Tranh minh họa: Tào Linh.
Tranh minh họa: Tào Linh.

Bà C có một thái độ hoài nghi chua chát mỗi khi nhắc đến đàn ông. Chồng bà, theo C mô tả: “Trán trơn nhẵn như một hột đỗ giống. Nụ cười ám mùi thuốc lá. Nói dối qua từng kẽ răng. Đích thực một gã Sở khanh vùng sâu, vùng xa.”- Đó là khi bà bắt gặp ông ngồi trong công viên với một cô “mặt bôi trát như cái bánh gato sinh nhật”.

Gần 25 năm bà giữ được cuộc hôn nhân nguyên vẹn bằng cách mỉm cười làm ngơ, cho đến cái hôm ông qua đời vì cảm lạnh.

Như nhiều góa phụ vào những năm đầu góa bụa, bà rất chểnh mảng trong việc chăm sóc bản thân. Đêm đến là lúc thời gian để nhìn đồng hồ hơn là để ngủ. C chán nằm xem TV một mình, lại ra ngồi trước tủ lạnh và chén thả phanh. Đền bù cho việc mất chồng, bà đã được thêm 10 cân. Bà đùa: “Dạo ấy tôi không dám ra biển tắm sợ làm nước biển dềnh lên!”. Khi người ta béo mọi ý nghĩ đều vuông vắn!

Thế rồi khung xương của C quá tải khiến bà bị viêm khớp nặng, toàn thân toát lên sự muốn chết sớm. Đang lúc bi quan như vậy, người ta mách bà đến thày lang H.

Gọi là thày lang nhưng H tốt nghiệp Trường đại học Y Hà Nội. Ông béo tròn, da hồng hào, tóc đen nhờ uống nhiều hà thủ ô. Cắt thuốc cho A, B, C, mới được thang đầu, H đã dặn dò: “Một trái tim vui vẻ bổ hơn tất cả các loại thuốc trên đời” và bật mí rằng ông thường xuyên đi khiêu vũ. “Không gì đẹp bằng thuyền bể căng buồm, ngựa phi nước đại, đàn bà khiêu vũ”. Rồi H kết luận: “Các cô cần ra sàn nhảy!”. Ông làm A quá ngỡ ngàng bởi xưa này chị giữ sự ngây thơ bền bỉ: Nhảy để dành cho người có nhiều ngực hơn não. Với cô B thì không còn hình thức cuộc sống nào lại tệ hại hơn đi “nhảy đầm”, còn bà C thì lộn tiết, nó gợi cho bà nhớ đến “con đĩ mặt bôi trát như cái bánh gato sinh nhật!”.

Tuy nhiên, thày H có lòng đam mê khiêu vũ thực sự. Nhiệt tình của ông đã làm cho sức đề kháng của A, B, C tan chảy. Thế là ba người đàn bà rủ nhau đi tập để rồi một ngày ra sàn khiêu vũ cổ điển.

TRÊN SÀN NHẢY

Hôm ấy A cuộn tóc búi sau gáy để lộ đôi tai nhỏ nhắn đeo hoa làm bằng thủy tinh màu đen. Chị cũng nhân nhượng trước sự mời gọi của thời trang bằng cách nhỏ vào cổ tay hai giọt nước hoa màu tím.  Cô B mặc áo có vệt sọc màu đỏ thắm như lưỡi lửa trên nền đen của bóng đêm. Bộ váy bà C lại có quá nhiều phụ kiện, giống một con thuyền đủ loại cánh buồm. Bà đinh ninh rằng hễ mặc váy là sẽ được đối xử như một quý bà!

Đến lúc điệu nhạc rum ba da diết cất lên, làm mắt cô B long lanh  và máu chị A trào lên vị ngọt. Bà C chỉ nghe như có tiếng kèn đám ma. A đã cẩn thận nhét cặp kính cận vào túi, nên không chắc chắn mình có cười đúng với vị giáo sư về hưu, nghe đồn có nhiều đô-la hơn là kiến thức, hay không. Chị hơi nghi ngờ vì thấy ông ta đeo quá nhiều nhẫn và xức quá nhiều nước hoa. Đến khi “giáo sư” mời chị nhảy điệu đầu tiên thì đôi bàn tay thô kệch, to bè, tố cáo thân phận thực sự - một ông chủ thầu xây dựng. Sau này A không ngạc nhiên khi trên sàn được giới thiệu với “Nhà văn hóa” hay là “Doanh nhân vận tải” mà thực chất là anh bán báo và anh xe ôm.

Thậm chí chị thấy vui vui. Bởi suy cho cùng thói mê gái của đàn ông ở liều lượng thấp cũng chẳng hại gì đàn bà. Hơn nữa, A luôn tâm niệm sàn nhảy là nơi chị tập thể dục chứ không phải chốn giao lưu.

B thì không được yên ổn như A. Cô đi trên sàn chưa vững, nên rất ngạc nhiên khi thấy mình được săn đón bởi những người còn rất trẻ, với đầy đủ răng trong miệng và rất nhiều tóc trên đầu, thậm chí cả một ông già đang ướp thân mình bằng rau củ quả. Tất cả bị cô hấp dẫn như đàn kiến bám theo đường. Những người có mối quan tâm đặc biệt đến các chỗ xẻ sâu trên trang phục phụ nữ thì nhìn cô như thể là viên kẹo, muốn cho vào miệng nuốt chửng. Có người rỉ vào tai cô: Ông được hưởng một gia tài kếch xù và chỉ dành thời gian để tiêu đống tiền đó. Thô bạo hơn là ông thầy dạy nhảy - đề nghị một lối thanh toán giản tiện và đỡ tốn kém. Với cô, lời khêu gợi sex của ông giống với lời đề nghị cho một vụ tự tử!

Rất may, vẻ đẹp tự nhiên, tấm lòng nhân hậu của cô đã loại trừ các hiểm họa  mà nhan sắc thường mang lại. Những người đàn ông bị cô từ chối không ghét bỏ cô. Họ đã xúm vào dạy cô để từ một người khi nhảy vụng về và không thoải mái trong chính lớp da của mình thành một cô gái có những bước chân uyển chuyển như đuôi của một chú chim.

Bà C bị “ế” hơn là cô B. Thế nhưng bà không nao núng. Bà đã đọc được đâu đó: 10 cô thiếu nữ cộng lại không bằng một người đàn bà đang độ chín (nẫu). Đã thế, bà lại có cả gia tài làm nền cho sắc đẹp bị hao mòn của mình. Bà đã nghĩ là phải đúng: Có một vòng eo khổng lồ đầy bia mất vợ, kín đáo và lặng lẽ theo dõi bà, ông có ánh nhìn buồn bã, vẻ dịu dàng của con gấu nhồi bông. Không giống như những linh hồn hăm hở chuyên việc an ủi góa phụ, đánh cắp trái tim cô đơn tiện thể cầm theo tiền bạc của họ.

Cuối cùng thì ông cũng đã ra mời bà nhảy. Ông có phong cách hào hoa, tự nhiên chứ chả phải là nhặt được. Cái kiểu ông nâng niu gượng nhẹ bà như với một cái bình cổ đời Trần đã hạ gục bà. Từ đó ra sàn bà chỉ chờ ông mời nhảy. Bà sắm trang phục (đặc biệt là váy) nhiều đủ cho một gánh hát. Vì thày H nói: “Ra sàn chọn người đàn bà nhảy đẹp chứ không chọn người đàn bà đẹp nhảy!” nên bà khổ luyện đến mức bây giờ không còn bước chân phục phịch, trong các khớp xương của bà  vang lên tiếng nhạc. Bà tự tin trên sàn nhảy như thổ dân sống trong rừng. Vừa nhảy tango vừa nói luôn mồm! 

Giờ là lúc bà từ biệt cáí thế giới trốn đời đầy buồn tẻ của người đàn bà góa bụa rồi. Họ đã thành thân. Từ nay, cuộc đời gói lại trong vòng hạnh phúc giữa váy áo và khiêu vũ. Tuy nhiên, con chim đã bị trúng tên một lần thấy cành cây cong là sợ, bà nhìn sàn có một mắt, còn mắt kia thì thường trực canh chồng!

A vốn là người lãng mạn, đứng bên cửa sổ vẫn mơ màng một làn mây kỳ diệu. Chỉ tại công việc nó ướp khô chị. Mãi khi A ra sàn nhảy, cả một giếng sâu cảm xúc trong con người chị mới được âm nhạc, vũ điệu khoan cho trồi lên. Đúng lúc đó thì một người đàn ông xuất hiện với một cặp môi tham lam, nét quyến rũ đầy nguy hiểm. Anh ta nói rằng: “Một nửa cuộc đời ra chiến trường tìm chính nghĩa, nửa đời còn lại kinh doanh, đi tìm một người đàn bà”. Và không úp mở: Người đàn bà đó là A.

Đáp lại, chị quét khắp người anh ta bằng một cái nhìn lạnh lùng như nói: Tôi đang yên ổn, sao anh dám làm tròng trành con thuyền của tôi. Trước lời trêu ghẹo của đám bạn nhảy chị điên lên thề: “Thà cắt môi tao còn hơn phải hôn lão ta!”. Thế nhưng “lão ta” vẫn dai như con vi khuẩn nhờn thuốc và vẫn đối xử với chị như với một người phụ nữ duy nhất đẹp dưới ánh sáng mặt trời.

Thế rồi, bất ngờ với cả chính chị, A đã nhận được cái hôn đầy môi trong một buổi chiều đầy nắng. Họ thành một cặp vợ chồng hoàn hảo: Vợ có chữ, chồng có tiền!

Cho đến hôm nay B vẫn giữ được nguyên vẹn giang sơn trong trắng tinh tươm của đời độc thân. Tuy nhiên, hiện tại và quá khứ của cô khác biệt như một buổi hòa nhạc rock sôi động với một buổi lễ messa âm u ở trong nhà thờ. Không còn các “Buổi sáng héo” hoàn toàn biếng nhác, trễ nải hay những buổi chiều lang thang bị chính nỗi buồn xua chân. Không còn ủ rũ, chán chường, chỉ có hạnh phúc ngất ngây sau một chầu nhảy cuối chiều. Nếu thấy cô đi bước nhanh như một người tình đến cuộc hò hẹn đã chờ đợi lâu thì đấy là cô ra sàn. Ngày nào cũng vậy. Mệt mỏi sẽ chẳng gây ra điều gì tồi tệ ngoài giấc ngủ ngon!

H không còn là thày lang của A, B, C, giờ ông chỉ là bạn nhảy!

Hà Linh Quân

Nước hoa có mùi chính trị

Nước hoa có mùi chính trị

Cách quan tâm chính trị trong sáng của chị em khiến anh ước ao mọi thể chế trên đời đều do phụ nữ nắm giữ, thì hòa bình hẳn trong tầm tay.