Thách thức trong việc bảo vệ quyền tác giả trên môi trường số

Sự phát triển của công nghệ số và AI đã tạo ra những thách thức cũng như tạo ra một hệ tiêu chuẩn mới trong việc bảo vệ quyền tác giả

Bước sang thập kỉ này, sự phát triển của công nghệ số và Trí tuệ nhân tạo, cũng như sự tham gia của các nền tảng mạng xã hội đã tạo nên một bối cảnh và sân chơi mới cho tất cả những người làm sáng tạo và sản xuất nội dung, cũng như những người đang xây dựng những quy định về Sở hữu trí tuệ.

Để đảm bảo quyền lợi và bảo vệ người sáng tạo nội dung được chặt chẽ hơn trong thời đại này, việc nâng cao nhận thức của người dân, của các đơn vị cung cấp dịch vụ trên Internet cũng như sự hoàn thiện của pháp luật trong vấn đề này được coi là một trong những thách thức và cũng là nhiệm vụ vô cùng cấp thiết. Vì chỉ khi chính sách bảo vệ quyền tác giả được thực thi tốt mới có thể giảm thiểu tình trạng vi phạm, đồng thời tạo được môi trường hưởng thụ văn hóa lành mạnh, văn minh, giàu tính nhân văn và thượng tôn pháp luật, cũng như tạo một không gian để khuyến khích và tôn vinh những người sáng tạo nội dung có thể sáng tạo tốt nhất có thể.

Sự phát triển của công nghệ số và AI đã tạo ra những thách thức cũng như tạo ra một hệ tiêu chuẩn mới trong việc bảo vệ quyền tác giả.
Sự phát triển của công nghệ số và AI đã tạo ra những thách thức cũng như tạo ra một hệ tiêu chuẩn mới trong việc bảo vệ quyền tác giả.

Những thách thức về sở hữu trí tuệ trong thời đại ngày nay

Sở hữu trí tuệ ngày nay đang đối mặt với những thách thức vô cùng phức tạp và đa dạng do sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và môi trường kinh doanh toàn cầu. Trong bối cảnh này, việc bảo vệ và quản lý sở hữu trí tuệ trở nên càng khó khăn và quan trọng hơn bao giờ hết.

Trong thập kỷ này, sự bùng nổ của công nghệ đang dần thay đổi thói quen, nhu cầu, hành vi của người dùng ở mọi mặt. Khi chỉ với vài cú click chuột, các công cụ từ AI có thể nhanh chóng tạo ra những nội dung hoàn chỉnh không hề thua kém nội dung do con người tạo ra. Sự bùng nổ của Trí tuệ nhân tạo (AI), hay các mô hình ngôn ngữ lớn (như: ChatGPT, Copilot hay Gemini…) dẫn đến việc tạo ra một lượng thông tin khổng lồ là điều vô cùng dễ dàng và nhanh chóng.

Khi đứng trước một lượng thông tin khổng lồ luôn cập nhật liên tục, thì buộc tất cả người sản xuất và cả người dùng phải tự trang bị cho mình những hệ tiêu chuẩn về chất lượng và thẩm mỹ, cũng như đạo đức và thói quen học tập mới, để phù hợp với những mục tiêu và thách thức của thời đại. 

Và cũng từ đó, vấn đề liên quan đến bảo vệ Sở hữu trí tuệ cho người sáng tạo trở thành một thách thức và vô cùng cấp thiết. Cũng như việc bảo vệ quyền tác giả trên môi trường số, đặc biệt là các nội dung mang tính sáng tạo như âm nhạc, điện ảnh, các nội dung truyền thông quảng cáo... trở thành vấn đề mang tính thời đại, khi mà AI cũng có thể tham gia mạnh mẽ vào vấn đề sáng tạo và sản xuất.  

AI không chỉ làm thay đổi cách chúng ta tạo ra và tiêu thụ thông tin, mà còn đặt ra các thách thức mới về việc quản lý quyền sở hữu trí tuệ. Ví dụ, việc tạo ra nội dung tự động có thể dẫn đến việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của người khác một cách không đáng kể. Điều này cũng nảy sinh những lo ngại về tính bình đẳng và công bằng cho các người sáng tạo vì sự "bắt chước" và "sao chép" quá nhanh của các thiết bị công nghệ mới.

Internet đã mở ra một nguồn cung cấp không giới hạn về dữ liệu và thông tin. Tuy nhiên, điều này cũng tạo ra một môi trường mà thông tin có thể dễ dàng bị sao chép và sử dụng mà không cần sự cho phép của chủ sở hữu. Cùng với sự phát triển của công nghệ, việc sao chép, phân phối trái phép tác phẩm trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Điều này đặt ra thách thức lớn cho các nhà lập pháp và các tổ chức quản lý bản quyền trong việc thiết lập và thực thi các biện pháp bảo vệ tác giả hiệu quả trên internet.

Theo VTV đưa tin, hiện nay, tại Việt Nam chỉ có Hiệp hội quyền sao chép Việt Nam là tổ chức  bảo vệ quyền tác giả trong lĩnh vực sao chép trên Internet, đại diện cho gần 3800 tác giả với trên 50.000 tác phẩm, tuy nhiên, trong năm 2013 chỉ thu được chưa tới 200 triệu tiền bản quyền. Thực tế là ở Việt Nam hiện nay, phần lớn các nội dung trên internet như các video, bài hát, tài liệu nghiên cứu, tác phẩm văn chương… đều có thể bị sao chép tràn lan và hầu như chưa phải chịu sự điều chỉnh của hệ thống luật pháp. 

Chính sách bảo vệ quyền tác giả cần được thực thi tốt (Ảnh minh họa internet: Chinhphu.vn)
Chính sách bảo vệ quyền tác giả cần được thực thi tốt (Ảnh minh họa internet: Chinhphu.vn)

Cần những quy định và hệ tiêu chuẩn mới để đảm bảo công bằng cho mọi người

Giữa bối cảnh và thực tế trên, việc bảo vệ quyền tác giả trên môi trường số không chỉ là một thách thức mà còn là một nhiệm vụ quan trọng. Bằng việc thông qua sự cộng tác giữa các bên liên quan và sử dụng hiệu quả các biện pháp pháp lý và công nghệ mới, chúng ta mới có thể đảm bảo rằng tác giả được công nhận và bảo vệ đúng mức trên môi trường số. Mặt khác, các quy định pháp luật cần được cập nhật và điều chỉnh để đáp ứng với sự phát triển của công nghệ và môi trường kinh doanh toàn cầu. Việc hợp tác giữa các quốc gia để tạo ra các tiêu chuẩn chung về sở hữu trí tuệ cũng là cần thiết.

Ngay từ Hiến pháp đầu tiên năm 1946 của Việt Nam, vấn đề bảo vệ tài sản trí tuệ đã được hình thành ý tưởng và được tiếp tục ghi nhận tại các bản Hiến pháp sau này. Hiến pháp năm 1992 đã có quy định rõ tại Điều 60, đó là: "Công dân có quyền nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, phát minh, sáng chế, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất, sáng tác, phê bình văn học, nghệ thuật và tham gia các hoạt động văn hoá khác. Nhà nước bảo hộ quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp".

Bảo vệ quyền tác giả trên môi trường số không chỉ là một thách thức mà còn là một nhiệm vụ quan trọng (Ảnh: thesaigontimes.vn)
Bảo vệ quyền tác giả trên môi trường số không chỉ là một thách thức mà còn là một nhiệm vụ quan trọng (Ảnh: thesaigontimes.vn)

Theo ông Bùi Nguyên Hùng (Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Bộ VHTTDL), nhằm thúc đẩy hội nhập quốc tế trong lĩnh vực bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan, đối với Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới thì yếu tố quan trọng đầu tiên là việc thực thi có hiệu quả các điều ước quốc tế cũng như các quy định pháp luật có liên quan. Trong đó, việc đưa ra và sớm áo dụng những Quy định pháp lý chặt chẽ để đảm bảo rằng quyền tác giả được bảo vệ hiệu quả trên môi trường số là cực kỳ quan trọng. 

"Việt Nam có tiềm năng để thúc đẩy phát triển công nghiệp sáng tạo, tuy nhiên cũng cần nhiều năng lực để thúc đẩy thực thi các chính sách pháp luật về quyền tác giả  và quyền liên quan. Đặc biệt là vấn đề xử lý những vi phạm về bản quyền trong môi trường số. “Thế giới đang có nhiều thay đổi nhanh chóng, Việt Nam cần thường xuyên cập nhật để khai phá  tiềm năng và ứng phó với những biến đổi này, trong đó cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện một hệ thống quy phạm pháp luật với quy định mới, phù hợp thực tế...”, Bà Louise Holmsgaard, Phó Đại sứ, Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam đưa ra nhận định về quyền tác giả, quyền liên  quan trong môi trường số tại Việt Nam.

Tác phẩm của tác giả không chỉ là sản phẩm của lao động và sáng tạo của họ, mà còn là tài sản trí tuệ. Bảo vệ quyền tác giả là bảo vệ động sản trí tuệ của các tác giả, đảm bảo họ nhận được sự công nhận và đền bù xứng đáng cho sự sáng tạo của mình. Bằng cách bảo vệ quyền tác giả, chúng ta khuyến khích sự sáng tạo và đổi mới trong xã hội. Việc tạo ra một môi trường mà tác giả được bảo vệ và động viên sẽ thúc đẩy việc tạo ra những tác phẩm mới và đa dạng.

----

"Bài viết nằm trong dự án “Nâng cao nhận thức, năng lực sử dụng công cụ sở hữu trí tuệ, đổi mới sáng tạo trong nghiên cứu khoa học và sản xuất kinh doanh cho cộng đồng nữ trí thức Việt Nam” thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030" do Trung tâm Ứng dụng Khoa học Công nghệ và Khởi nghiệp thuộc Hội Nữ trí thức Việt Nam chủ trì".

PV

Nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ cho trí thức Đà Nẵng

Nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ cho trí thức Đà Nẵng

Các diễn giả đã chia sẻ kiến thức chuyên sâu về quyền SHTT trong nghiên cứu khoa học, quản trị tài sản trí tuệ và phương thức thương mại hóa hiệu quả.