"Tiếng gọi nơi hoang dã": Tác phẩm điện ảnh cuốn hút nhưng bỏ lỡ nhiều chi tiết hay trong nguyên tác

Với những ai chưa đọc tiểu thuyết thì "Tiếng gọi nơi hoang dã" bản điện ảnh thực sự là một tác phẩm cuốn hút.

Tiếng gọi nơi hoang dã được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Jack London, từng là tác phẩm rất quen thuộc với mỗi chúng ta.

Nhân vật chính của câu chuyện là chú chó Buck buộc phải rời khỏi nơi ở ấm êm tại nhà thẩm phán Miller để tham gia một cuộc hành trình đến vùng Alaska đầy lạnh giá. Vốn là một chú chó được nuôi trong nhà, Buck đã phải phát huy tất cả những khả năng hoang dã của mình để vượt qua thử thách này.

'Tiếng gọi nơi hoang dã' lôi cuốn với những khung hình hùng vĩ.
'Tiếng gọi nơi hoang dã' lôi cuốn với những khung hình hùng vĩ.

Phim Tiếng gọi nơi hoang dã, với đặc trưng và thế mạnh của điện ảnh từng được kỳ vọng mở ra những trải nghiệm mới cho fan của tiểu thuyết, biến những hình dung trước đây về thiên nhiên và động vật trở nên sinh động gấp nhiều lần.

Nếu tiểu thuyết Tiếng gọi nơi hoang dã được miêu tả bằng ngòi bút cực kỳ mạnh mẽ với những chi tiết đẫm máu, cuộc chiến hoang dã đầy nguy hiểm thì phim lại có phần “hiền” hơn. Phân nửa thời lượng của phim xoay quanh đoàn chó kéo đưa thư của Francois (Cara Gee thủ vai) và Perrault (Omar Sy thủ vai) với số chó khoảng 10 con.

Các chú chó trong đoàn có mối quan hệ căng thẳng với Buck, luôn chờ trực để cắn xé Buck mỗi khi nó phạm sai lầm. Phân cảnh Buck học kéo xe trên tuyết trong phim là một phân cảnh dễ thương tạo tiếng cười, không phải là thứ kinh nghiệm phải đổi bằng những vết thương và sự khó chịu của người đồng đội bên cạnh.

Có khá nhiều chi tiết khác biệt so với tiểu thuyết mà người xem có thể dễ dàng nhận ra. Ví dụ như việc hai người chủ với tính cách hoàn toàn khác biêt, Francois không chỉ biết mỗi điều khiển xe bằng roi da hay Perrault cũng không phải chỉ yêu quý Buck vì nó kéo xe giỏi, cái chết đẫm máu của Curly – cô chó thân thiện ngây thơ… cũng không hề có trong phim. Có thể vì những yếu tố này cần phải loại bỏ để phù hợp với nhiều lứa tuổi  nhưng nếu ai từng đọc tiểu thuyết thì đây lại là một thiếu sót lớn vì nó chính là những bài học rèn luyện lên một Buck kiên cường, hoang dã chưa từng có.

Một chi tiết khác gây nhiều bất ngờ đó là nhân vật đối thủ của Spitz, một chú chó khác trong đoàn. Khác với miêu tả của nhà văn Jack London, Spitz không còn vẻ đáng sợ mà thay vào đó là thể hiện một hình ảnh kiêu ngạo, lạnh lùng. Trong bản điện ảnh, Spitz không còn độc hành động độc ác như tiểu thuyết. Ngay cả cái chết thảm khốc của Spitz từng gây ám ảnh cho những người đọc truyện cũng được thay thế bằng cái kết nhẹ nhàng hơn khi xem phim.

Phiên bản điện ảnh của Tiếng gọi nơi hoang dã bị đánh giá là giảm giá trị thực tế bởi không còn các phân cảnh trở ngại về thể lực cũng như những cuộc chiến thương vong của bản gốc.

Điểm sáng duy nhất trong phim lại chính là từ nhân vật nhân vật John Thornton (Harrison Ford thủ vai) – mối dây cuối cùng ràng buộc Buck với con người. Một con người độc hành với nỗi đau về đứa con đã mất trở thành người bạn thân thiết của Buck. Thornton ở phim tạo được bước ngoặt tình cảm đặc biệt ấm áp và nhiều cảm xúc đối với Buck, khi Buck là người bạn độc nhất của ông ở vùng băng tuyết lạnh giá (khác với trong tiểu thuyết, Thornton có bạn đồng hành và Buck không phải là con chó duy nhất họ mang theo). 

Harrison Ford thủ vai nhân vật John Thornton.
Harrison Ford thủ vai nhân vật John Thornton.

Kết phim cũng được làm một cách nhẹ nhàng và đầy tình người hơn nhưng lại đánh mất đi đoạn cao trào là Buck trở về với bản năng nguyên thủy khi không còn mối liên hệ nào với con người.

Một điều khiến khán giả  chú ý chính là việc sử dụng công nghệ để thể hiện các biểu cảm và hành động của Buck làm mọi thứ trở nên quá gượng gạo và xa lạ. Đối với những ai chưa đọc tiểu thuyết, Tiếng gọi nơi hoang dã là một bộ phim đáng xem với những tiếng cười và nhiều bài học được rút ra về sự trưởng thành trong cuộc sống, về bản ngã ban đầu của mỗi sinh vật, về những kho báu mà lòng tham không thể chạm tới.

Thanh Mai

Lịch chiếu phim tại TP.HCM ngày 22/2/2020: Ký sinh trùng và Cậu bé ma 2

Lịch chiếu phim tại TP.HCM ngày 22/2/2020: Ký sinh trùng và Cậu bé ma 2

Lịch chiếu phim tại TP.HCM ngày 22/2/2020 nổi bật với bộ phim Ký sinh trùng và Cậu bé ma 2.