Tọa đàm nâng cao nhận thức và năng lực sử dụng công cụ sở hữu trí tuệ cho nữ trí thức Việt Nam

Những kinh nghiệm, đề xuất và giải pháp được đưa ra tại Tọa đàm góp phần thúc đẩy hơn nữa hoạt động SHTT trong cộng đồng nữ trí thức Việt Nam

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế và khoa học ngày càng sâu rộng, sở hữu trí tuệ (SHTT) trở thành một công cụ quan trọng trong việc bảo vệ kết quả nghiên cứu, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển kinh tế. Tuy nhiên, đối với nữ trí thức Việt Nam, việc nâng cao nhận thức và năng lực sử dụng công cụ này còn gặp không ít thách thức. Các nhà khoa học nữ đã có dịp thảo luận về việc thúc đẩy sự tham gia của nữ trí thức vào các hoạt động SHTT. Các bài học từ thực tế, cùng những khó khăn, rào cản và đề xuất giải pháp, đã được các đại biểu đưa ra trong buổi Tọa đàm nâng cao nhận thức và năng lực sử dụng công cụ sở hữu trí tuệ cho nữ trí thức Việt Nam.

Các nhà khoa học nữ thảo luận về việc thúc đẩy sự tham gia của nữ trí thức vào các hoạt động sở hữu trí tuệ
Các nhà khoa học nữ thảo luận về việc thúc đẩy sự tham gia của nữ trí thức vào các hoạt động sở hữu trí tuệ

Vai trò của SHTT trong hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học

Tại buổi tọa đàm, các diễn giả đã chia sẻ những kinh nghiệm thực tế và đưa ra những phân tích sâu sắc về vai trò của SHTT trong hoạt động nghiên cứu khoa học. GS.TS Lê Mai Hương, Phó Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, nhấn mạnh: "Trước đây, tôi chưa thực sự quan tâm đến SHTT. Chỉ đến khi tôi bắt đầu sản xuất ra những sản phẩm từ kết quả nghiên cứu khoa học, tôi mới thấy vấn đề SHTT vô cùng quan trọng".

GS.TS Lê Mai Hương , Phó Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nhấn mạnh vai trò của SHTT trong việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học
GS.TS Lê Mai Hương , Phó Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nhấn mạnh vai trò của SHTT trong việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học

Để nhấn mạnh vai trò của SHTT trong việc mở ra cơ hội thương mại hóa sản phẩm, GS.TS Lê Mai Hương chia sẻ một bài học "cay đắng": "Do trước kia không quan tâm đến SHTT, khi tôi có phát minh mới thì tôi đã công bố trên tạp chí quốc tế. Khi nhận thấy công bố được nhiều người khen ngợi, nhiều nhà khoa học trích dẫn, và tôi muốn tạo ra sản phẩm từ kết quả nghiên cứu đó, bạn bè tôi khuyên tôi đi đăng ký SHTT ngay. Nhưng khi tôi đi đăng ký SHTT thì bị từ chối bởi nghiên cứu đã được bộc lộ và thế giới đã biết."

Đồng quan điểm với GS.TS Lê Mai Hương, GS.TS Vũ Thị Thu Hà, Phó Viện trưởng Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam, Giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia về công nghệ lọc hóa dầu khẳng định: "SHTT là công cụ để thúc đẩy phát triển kinh tế và là công cụ để mang lại giá trị gia tăng ngoạn mục cho chủ sở hữu nói riêng và xã hội nói chung. SHTT cũng là công cụ để tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp."

GS.TS Vũ Thị Thu Hà chia sẻ thêm về kinh nghiệm của mình: "Từ khi tôi bắt đầu bước chân vào con đường nghiên cứu khoa học, tôi đã nhận thức được vai trò của SHTT. Sau này, khi công tác tại cơ quan thiên về nghiên cứu ứng dụng, mọi hoạt động đổi mới sáng tạo tôi đều chuyển thành SHTT”

"Pha nghiên cứu của chúng tôi thường kéo dài từ 5-6 năm và để ra được sản phẩm không phải là một đề tài hay một nghiên cứu nhỏ có thể làm được mà phải là một cụm công trình. Thậm chí còn phải đầu tư thêm rất nhiều. Khi có sáng chế mà muốn ra được sản phẩm thì phải hoàn thiện công nghệ trên sáng chế đó rồi mới đưa ra sản xuất được. Chúng tôi thường tập trung cho một sản phẩm và sẽ định hướng từ trước, cứ có hoạt động đổi mới sáng tạo nào trên con đường đó, chúng tôi lập tức đăng ký, cho nên với một sản phẩm có khi chúng tôi có tới 3-4 sáng chế. Hiện nay, chúng tôi cũng sở hữu kho bằng sáng chế và giải pháp hữu ích khổng lồ. Gần đây, chúng tôi phát triển những sản phẩm rất mới. Ngoài việc đăng ký SHTT tại Việt Nam, chúng tôi còn đăng ký tại nước ngoài giúp giá trị sản phẩm mới của mình được gia tăng lên rất nhiều" - GS.TS Vũ Thị Thu Hà cho biết thêm.

Những khó khăn và rào cản khiến nữ trí thức khó tiếp cận công cụ SHTT

Mặc dù nhận thức được tầm quan trọng của SHTT, các nhà khoa học nữ vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn và rào cản trong quá trình tiếp cận và sử dụng công cụ này. GS.TS Lê Mai Hương chỉ ra hai khó khăn lớn: "SHTT đối với nhà khoa học nữ là vô cùng khó khăn. Khó khăn thứ nhất là đầu tư. Thứ hai là con người. Do đó, việc nâng cao nhận thức của chủ thể nhà khoa học nữ đối với SHTT là vô cùng cần thiết."

Nói về rào cản khiến nhà khoa học chưa tham gia vào các hoạt động SHTT như kỳ vọng, GS.TS Vũ Thị Thu Hà cho biết điều này liên quan đến chất lượng nghiên cứu khoa học.

“Để được bảo hộ SHTT, đổi mới sáng tạo là điều không hề dễ dàng. Nhà khoa học phải nỗ lực rất nhiều, nhiều hơn cả những kỳ vọng đăng ký ban đầu. Bởi để được cấp bằng phải qua rất nhiều khâu thẩm định và thực sự có tính đổi mới, tính sáng tạo. Và để vượt qua được những rào cản đó không hề đơn giản mà thực sự phải có sự đầu tư về trí tuệ, công sức, tiền bạc nên nếu nhà khoa học không cố gắng, không mạnh mẽ thì sẽ không vượt qua được.

GS.TS Vũ Thị Thu Hà chia sẻ về các rào cản khiến các nữ trí thức khó tiếp cận công cụ SHTT
GS.TS Vũ Thị Thu Hà chia sẻ về các rào cản khiến các nữ trí thức khó tiếp cận công cụ SHTT

Thứ hai, đó là cả một sự theo đuổi như tôi đã trao đổi ban đầu, từ lúc nộp đơn đến khi được thẩm định, cấp bằng là cả một thời gian dài. Mà cấp bằng cũng chưa thể làm ra tiền mà phải chuyển hóa được sáng chế thành một sản phẩm cụ thể thì mới đem lại giá trị gia tăng. Nếu chỉ là cái bằng thôi thì sẽ phải có nhà đầu tư đứng ra để chuyển hóa sáng chế thành sản phẩm thì mới phát triển được. Nếu không thúc đẩy sáng chế thành sản phẩm thì cũng không có giá trị gia tăng.” - GS.TS Vũ Thị Thu Hà chia sẻ.

GS.TS Vũ Thị Thu Hà đánh giá về hệ thống SHTT tại Việt Nam: “Có một điều rất vui là từ năm 2016 – 2017, cơ chế quản lý của Cục SHTT Việt Nam thay đổi. Từ ngày đó, việc thẩm định đơn làm rất nhanh. Có một thời kỳ chúng tôi nộp đơn tại cục SHTT Việt Nam từ 2010 mà qua thời hạn, qua 2 năm rồi vẫn chưa được thẩm định, tức là số lượng đơn dồn lên. Nhưng trong những năm gần đây Cục làm rất tích cực, có những năm chúng tôi được cấp 5-6 bằng SHTT, đấy là tôi thấy có sự thay đổi về bảo hộ tại Việt Nam.”

Giải pháp thúc đẩy hơn nữa các hoạt động SHTT trong nghiên cứu khoa học

Để thúc đẩy hơn nữa các hoạt động SHTT trong nghiên cứu khoa học, các diễn giả đã đưa ra nhiều đề xuất và giải pháp. GS.TS Lê Mai Hương đề xuất cần tuyên truyền cho cả nhà khoa học và cộng đồng để nhận thức được rõ những giá trị của SHTT và các sản phẩm được bảo hộ với các sản phẩm thông thường.

GS.TS Vũ Thị Thu Hà đề xuất: "Cần có một quỹ thúc đẩy, đầu tư cho hoạt động này. Khi chúng tôi kết thúc một đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học thì nguồn lực hầu như không còn. Trong khi các doanh nghiệp tại Việt Nam thì đa phần chỉ mua sản phẩm cụ thể chứ không mua những nghiên cứu vẫn còn dở dang. Việc đăng ký SHTT như một vùng trũng, nếu chúng ta có một quỹ đầu tư vào đó giúp nhà khoa học vượt qua vùng trũng đó thì doanh nghiệp sẽ tiếp cận tiếp khâu tiếp theo và sẵn sàng bỏ tiền ra mua các bằng sáng chế, giải pháp hữu ích."

Tọa đàm đã mở ra nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến việc nâng cao nhận thức và năng lực sử dụng công cụ sở hữu trí tuệ cho nữ trí thức Việt Nam. Những chia sẻ kinh nghiệm, những khó khăn và rào cản, cũng như những đề xuất và giải pháp được đưa ra tại buổi tọa đàm sẽ là những đóng góp quan trọng để thúc đẩy hơn nữa hoạt động SHTT trong cộng đồng nữ trí thức Việt Nam, góp phần vào sự phát triển khoa học công nghệ và kinh tế của đất nước. Để thực hiện điều này, cần có sự quan tâm, đầu tư và hỗ trợ mạnh mẽ từ các cơ quan chức năng và cộng đồng doanh nghiệp.

----

"Bài viết nằm trong dự án “Nâng cao nhận thức, năng lực sử dụng công cụ sở hữu trí tuệ, đổi mới sáng tạo trong nghiên cứu khoa học và sản xuất kinh doanh cho cộng đồng nữ trí thức Việt Nam” thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030" do Trung tâm Ứng dụng Khoa học Công nghệ và Khởi nghiệp thuộc Hội Nữ trí thức Việt Nam chủ trì".

Diệu Hương

Sở hữu trí tuệ đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Sở hữu trí tuệ đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Sở hữu trí tuệ (SHTT) là chìa khóa để các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo chinh phục thị trường và tạo nên những giá trị đột phá