Việt Nam xuất hiện 2 ca đậu mùa khỉ chưa rõ nguồn lây, làm 6 điều để phòng bệnh

Đến 26/9, Việt Nam ghi nhận 4 ca đậu mùa khỉ. Chưa truy vết được nguồn lây, cả 2 bệnh nhân mới không xuất ngoại, không tiếp xúc với người nước ngoài.

Tháng 10/2022, Việt Nam xuất hiện 2 ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên và được xác định nguồn gốc lấy từ nước ngoài khi đi du lịch. Nhưng ngày 22/9 và 25/9 vừa qua, nước ta tiếp tục phát hiện thêm 2 ca mắc bệnh này tại Đồng Nai, Bình Dương. Chưa truy vết được nguồn lây nhiễm và 2 bệnh nhân (có tiếp xúc với nhau) đều không tiếp xúc với người nước ngoài, cũng không ra khỏi Việt Nam.

Đậu mùa khỉ (monkey pox) là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có khả năng gây dịch, do virus đậu mùa khỉ gây ra. Virus đậu mùa khỉ xuất hiện lần đầu tiên ở một đàn khỉ vào năm 1958 và đến năm 1970 ghi nhận trường hợp người nhiễm bệnh đầu tiên tại châu Phi và bùng phát thành dịch.

Có 3 con đường lây lan chính của bệnh đậu mùa khỉ bao gồm: Lây từ người sang người, lây từ động vật nhiễm bệnh sang người và lây do tiếp xúc với các vật có chứa virus bệnh. Bao gồm cả tổn tiếp xúc trực tiếp với tổn thương da, dịch cơ thể, qua quan hệ tình dục, giọt bắn đường hô hấp, vật dụng của người bị nhiễm và lây truyền từ mẹ sang con.

Đối tượng dễ mắc bệnh đậu mùa khỉ nhất là những người sống cùng hoặc tiếp xúc gần (bao gồm cả quan hệ tình dục) với người bị mắc bệnh đậu mùa khỉ, hoặc người tiếp xúc thường xuyên với động vật bị bệnh. Các nhân viên y tế, những người thường xuyên di chuyển giữa các quốc gia, tiếp xúc nhiều người từ nhiều quốc gia/vùng khác nhau, nhất là các vùng dễ mắc, từng bùng phát dịch. Với cùng sự tiếp xúc như nhau, trẻ sơ sinh, trẻ em và người bị suy giảm miễn dịch có nguy cơ mắc đậu mùa khỉ cao hơn, hậu quả nặng nề hơn.

Triệu chứng và mức độ nguy hiểm của bệnh đậu mùa khỉ

Để phòng tránh, điều trị đậu mùa khỉ có hiệu quả, việc nắm rõ các triệu chứng bệnh là vô cùng quan trọng. Thời gian ủ bệnh đậu mùa khỉ có thể kéo dài từ 5 - 21 ngày. Sau đó sẽ bắt đầu có những triệu chứng như:

- Sốt (triệu chứng bệnh đầu tiên)

- Ớn lạnh

- Đau đầu

- Đau mỏi cơ

- Mệt mỏi uể oải

- Đau lưng

- Nổi hạch, phát ban khắp trên gương mặt và trên lòng bàn tay, lòng bàn chân, miệng, mắt, thậm chí cả ở cơ quan sinh dục.

Triệu chứng đặc hiệu của bệnh đậu mùa khỉ là nổi hạch, phát ban, tổn thương trên da (Ảnh minh họa)
Triệu chứng đặc hiệu của bệnh đậu mùa khỉ là nổi hạch, phát ban, tổn thương trên da (Ảnh minh họa)

Các biến chứng của bệnh đậu mùa khỉ bao gồm nhiễm trùng da thứ phát, viêm phổi, lú lẫn, và các vấn đề về mắt. Cần phải lưu ý rằng tỷ lệ tử vong ở các bối cảnh khác nhau có thể khác nhau do nhiều yếu tố, như khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe, thể trạng, thời điểm phát hiện… Trong đó, các trường hợp bệnh có thể chuyển nặng hơn, đe dọa sức khỏe và tính mạng với nguy cơ cao nhất là:

- Trẻ em dưới 8 tuổi, nhất là trẻ sơ sinh.

- Người đang mang thai hoặc đang cho con bú.

- Người có tiền sử bệnh chàm.

- Người bị nhiễm trùng thứ phát.

Ngay cả những trường hợp bệnh tự khỏi sau vài tuần cũng không được chủ quan vì vẫn có thể gây ra nhiễm trùng, sẹo và di chứng về da liễu.

Cách phòng tránh bệnh đậu mùa khỉ

Hiện nay, Việt Nam hiện vẫn chưa có vắc xin phòng đậu mùa khỉ, do đó người dân cần thực hiện tốt 6 biện pháp phòng bệnh đậu mùa khỉ theo khuyến cáo của Bộ Y tế, bao gồm:

- Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp; rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn ngay sau khi ho, hắt hơi. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.

- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay.

- Người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng nghi ngờ cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời. Đồng thời, cần chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục.

-  Tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh đậu mùa khỉ, tránh tiếp xúc trực tiếp với những vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh. Trong trường hợp nơi ở/nơi làm việc có người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh, cần thông báo cho cơ quan y tế để được tư vấn và xử trí kịp thời, không tự ý điều trị.

- Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ (khu vực Trung và Tây Phi), cần tránh tiếp xúc với động vật có vú (chết hoặc sống) như: động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng có thể chứa virus đậu mùa khỉ. Khi quay trở về Việt Nam cần chủ động khai báo với cơ quan y tế địa phương để được tư vấn.

  Tăng cường vệ sinh cá nhân là một trong những biện pháp quan trọng để phòng bệnh đậu mùa khỉ (Ảnh minh họa)

Tăng cường vệ sinh cá nhân là một trong những biện pháp quan trọng để phòng bệnh đậu mùa khỉ (Ảnh minh họa)

- Đảm bảo an toàn thực phẩm; thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.

Khi phát hiện có các triệu chứng mắc bệnh đậu mùa khỉ thì không được chủ quan, tự điều trị mà cần đi thăm khám, sau đó tuân thủ hướng dẫn của cơ sở y tế. Ngoài ra, cần giữ cho cơ thể đủ nước, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, nâng cao chất lượng giấc ngủ. Đặc biệt là cần vệ sinh làn da, nhất là các nốt ban và vị trí tổn thương đúng cách, không gãi và cố gắng giữ cho da khô và không che kín. Nên cách ly để tránh lây nhiễm, bảo vệ người thân và cộng đồng.

Nguồn và ảnh: WHO, BYT, CDC Hoa Kỳ

Ngọc Ái

Đậu mùa khỉ được xếp vào bệnh truyền nhiễm nhóm B

Đậu mùa khỉ được xếp vào bệnh truyền nhiễm nhóm B

Đậu mùa khỉ được xếp vào nhóm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong.