Tôi đến thị xã Mường Lay (Điện Biên) vào mùa nước nổi. Lòng hồ Mường Lay vốn là cánh đồng lúa hút mắt, thơm mát, đã biến thành hồ nước mênh mông với độ sâu hơn 10 m. Nối liền với dòng Đà Giang, lòng hồ thao thiết như một nhánh sông thơ mộng, chảy giữa một bên là núi, bên kia là phố thị với những mái nhà sàn đặc trưng của người Thái trắng.
![]() |
Lòng hồ Mường Lay mùa nước nổi |
Homestay Mường Lay ở bản Quan Chiêng, nằm cạnh lòng hồ thơ mộng ấy. Vị trí đắc địa, không gian rộng, thoáng, ngôi nhà sàn bằng gỗ với sức chứa 50 khách ở nhà cộng đồng giống như một “nàng công chúa” khoe sắc giữa những bạt ngàn nhà sàn lớn, nhỏ xung quanh.
Đón khách là cô con gái lớn của chủ nhà, cũng là người tiên phong làm du lịch cộng đồng ở bản Quan Chiêng. Nước da trắng, gương mặt thông minh, ưa nhìn, ôm theo chiếc laptop, tác phong chuyên nghiệp, người mới gặp sẽ nhầm tưởng cô là nhân viên làm việc trong các doanh nghiệp nước ngoài.
Chia sẻ câu chuyện gây dựng và phát triển mô hình du lịch cộng đồng thành công, Lù Thị Toản (tên cô gái) cho biết, trước khi làm du lịch, cô từng học Cao đẳng Điều dưỡng, ngành điều dưỡng đa khoa và làm công việc này được 6 năm. Là người ưa khám phá, thích sáng tạo, công việc ở phòng khám theo giờ hành chính gò bò, mức lương không tương xứng với cống hiến bỏ ra, Lù Thị Toản xin nghỉ việc, bước khỏi vùng an toàn để tìm kiếm sự mới lạ - làm du lịch.
![]() |
Lù Thị Toản là người tiên phong làm du lịch cộng đồng ở thị xã Mường Lay. |
“Là một “Hotelier” hoàn toàn mới, tôi chưa từng làm qua công việc nào trong nghề khách sạn, vì thế từ kiến thức cho đến kinh nghiệm, kỹ năng gần như ở vạch xuất phát. Để làm việc được và làm việc hiệu quả, tôi đã tự tìm tòi và không ngừng học hỏi từ các nguồn trên mạng lẫn người trong ngành thông qua các mối quan hệ ngoại giao được giới thiệu”, Lù Thị Toản tâm sự.
Khi được hỏi: “Tại sao lựa chọn phát triển du lịch cộng đồng thay vì những loại hình phổ biến khác?”, Lù Thị Toản tự tin đáp: “Vì mô hình này phù hợp với địa phương và phát huy được giá trị sẵn có về văn hóa bản địa”.
Theo Lù Thị Toản, cô biết đến du lịch cộng đồng (DLCĐ) vào cuối năm 2021 sau lớp tập huấn nâng cao năng lực về DLCĐ của Sở VH-TT&DL tỉnh Điện Biên kết nối tổ chức. Qua đó, cô được đi thực tế tại các điểm Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa… - những nơi đã làm DLCĐ từ rất lâu. Nhận thấy Mường Lay cũng có cảnh quan đẹp, hữu tình, bản thân lại là người Thái gốc bản địa tại thị xã Mường Lay, Lù Thị Toản quyết định dựa vào những cái có sẵn là cảnh quan, văn hóa dân tộc riêng biệt (đồng bào dân tộc Thái chiếm hơn 60%) và lợi thế có cả một cộng đồng với nếp nhà sàn, mái ngói lợp đá đen để tạo điểm nhấn…
![]() |
Dịp tết Dương lịch năm 2022, Mường Lay tổ chức lễ hội đua thuyền hàng năm, kết hợp tổ chức Giải vô địch các câu lạc bộ dù lượn quốc gia. Là thị xã nhỏ hẹp, lần đầu tiên tổ chức sự kiện lớn nên vấn đề nan giải là sắp xếp khu lưu trú cho vận động viên và quan khách đến với Mường Lay dịp đặc biệt này. Khi đó, Lù Thị Toản đã mạnh dạn kêu gọi, động viên bà con trong bản Quan Chiêng và các hộ gia đình bản lân cận chỉnh trang dọn sạch nhà cửa để có thể đón được khách. Kết quả, cộng đồng bản đón được gần 1.000 lượt khách, phục vụ ăn, ngủ và trải nghiệm văn hóa vào dịp này.
Sau lần đón khách đầu tiên đó, nhận thấy cơ hội phát triển, Lù Thị Toản tiếp tục chỉnh trang nhà sàn sẵn có của mình để có thể đón khách thường xuyên. Qua những lần tham gia các lớp tập huấn khởi nghiệp, cô gái Thái xác định muốn đi đường dài thì cần có đồng đội. Ấp ủ làm du lịch chuyên nghiệp, Lù Thị Toản gặp gỡ chính quyền địa phương thông tin về dự án, mời chuyên gia về tập huấn nâng cao kiến thức cho các hộ gia đình có nhu cầu và mong muốn làm du lịch, giống cô. Bản thân cô cũng được chính quyền hỗ trợ tham gia các lớp tập huấn, tạo điều kiện chỉ dẫn đăng ký các thủ tục pháp lý liên quan đến cơ sở lưu trú, hỗ trợ giới thiệu, kết nối gặp gỡ học hỏi khi có các đoàn famtrip lên làm việc…
Cách làm du lịch dựa vào điểm tựa là bản sắc văn hóa địa phương của Toản nhận được sự hưởng ứng của nhiều người làm du lịch. Chỉ sau 2 năm, lượng khách du lịch đến Mường Lay ở lại Homestay Mường Lay tăng lên đáng kể. Không chỉ khách Việt mà rất nhiều khách nước ngoài cũng chọn điểm lưu trú của gia đình Toản làm nơi dừng chân, trải nghiệm.
![]() |
Nơi đón khách ở Homestay Mường Lay |
Nói về những thành công ban đầu, Lù Thị Toản chia sẻ, doanh thu hàng tháng của Homestay Mường Lay vào khoảng 40 - 50 triệu đồng. Khách thường đi tour theo công ty hoặc cũng có thể tự đi theo tuyến: Thành phố Điện Biên - A Pa chải - Mường Lay - Tủa Chùa. Hoặc, Hà Nội -Sa Pa- Mường Lay- A Pa Chải- Điện Biên. Tại Mường Lay có 2 mùa vụ du lịch: mùa nước cạn (từ tháng 4 đến tháng 8) và mùa nước nổi (từ tháng 9 đến tháng 3 hàng năm). Khách đến với Mường Lay sẽ tùy vào mùa vụ, thời điểm mà có các hình thức trải nghiệm khác nhau. Về thức ăn chủ yếu tại đây sẽ là ẩm thực Tây Bắc (đặc trưng của dân tộc Thái trắng), gồm: tôm, cá bắt lên từ hồ sông Đà.
Khởi nghiệp ở lĩnh vực hoàn toàn mới nhưng Lù Thị Toản lại khẳng định có duyên với bước rẽ này khi liên tiếp giành giải thưởng và nhận bằng khen của tỉnh về những đóng góp cho cộng đồng từ lĩnh vực du lịch. Bằng khen ghi nhận thành tích của Lù Thị Toản treo kín bức tường khu vực đón khách dưới nhà sàn. Dự án “Phát triển du lịch cộng đồng gắn liền du lịch xanh và bền vững” tại cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp diễn ra vào tháng 5/2024 của Lù Thị Toản đã xuất sắc đạt giải Nhất. Sau cuộc thi, ý tưởng nhanh chóng được đưa vào thử nghiệm thực tế, là bước đệm cho việc thành lập hợp tác xã (HTX) DLCĐ mang tên “Homestay Mường Lay”.
![]() |
Chị Lù Thị Toản. |
“Hiện tại đã có 10 hộ gia đình cung cấp dịch vụ lưu trú và ẩm thực nhưng hầu hết đều mang tính tự phát, rời rạc chưa có tính liên kết, cơ sở vật chất để phục vụ khách chưa đạt tiêu chuẩn; đội ngũ phục vụ chưa qua đào tạo, bồi dưỡng và kinh nghiệm phục vụ chưa nhiều. Tại địa phương vẫn còn nhiều phụ nữ không có công ăn việc làm ổn định. Với mục tiêu tạo việc làm cho hơn 100 hội viên phụ nữ nhận mức thu nhập từ 4-5 triệu đồng/người, tôi mong muốn sẽ là người tiên phong đưa mô hình HTX kết nối bà con hoạt động kinh doanh du lịch một cách có hiệu quả, chỉn chu và chuyên nghiệp”, Lù Thị Toản chia sẻ.
Tràn đầy năng lượng và luôn tỏa ra năng lượng tích cực khi nói về những dự định tương lai, cô gái Thái Lù Thị Toản khiến người nghe bị thu hút khi nói về những dự định của năm mới. Theo đó, sau khi làm xong Lễ hội đua thuyền vào dịp tết Dương lịch 2025, cô sẽ hoàn thiện hồ sơ OCOP và tham vấn ý kiến của các chuyên gia du lịch, hỗ trợ việc cắm mốc điểm đến du lịch cộng đồng tại Mường Lay. Việc thành lập Hợp tác xã Homestay Mường Lay theo dự án cô đã giành giải Nhất tại cuộc thi khởi nghiệp Du lịch xanh, bền vững sẽ ra mắt trong trong tháng 3/2025.
Nhớ về Châu Mộc
Du lịch Mộc Châu đang vươn xa, và không lâu nữa, người nước ngoài sẽ thường xuyên lui tới, từ nỗ lực chắt chiu, gom nhặt quá khứ, xây dựng tương lai.