“Đường lên Điện Biên”: Hồi nhớ về những năm tháng hào hùng của cuộc chiến “chấn động địa cầu”

Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biện Phủ (7.5.1954 - 7.5.2024), ngày 26.4, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã khai mạc triển lãm chuyên đề “Đường lên Điện Biên”

Trong những ngày tháng ác liệt của chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây 70 năm, hòa cùng với nhịp bước quân hành của các đoàn quân hướng về mặt trận Điện Biên, đã có nhiều văn nghệ sĩ trực tiếp lên đường ra trận. Trong số đó, các nghệ sĩ tạo hình của giới mỹ thuật Việt Nam đã bám sát những diễn biến của cuộc chiến lịch sử, khắc họa chân thực, sinh động về cuộc sống, chiến đấu của quân và dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.

Triển lãm “Đường lên Điện Biên” giới thiệu 70 tác phẩm hội họa, đồ hoạ, điêu khắc, ký hoạ, tranh cổ động được sáng tác trong giai đoạn 1949 - 2009 của 34 tác giả, lựa chọn trong bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. 

Ông Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khóa XV - cùng các đại biểu trong nước và quốc tế tham quan triển lãm. Ảnh: L.Q.V
Ông Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khóa XV - cùng các đại biểu trong nước và quốc tế tham quan triển lãm. Ảnh: L.Q.V
Hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời kỳ kháng chiến qua góc nhìn của nhà điêu khắc Minh Đỉnh. Ảnh: L.Q.V
Hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời kỳ kháng chiến qua góc nhìn của nhà điêu khắc Minh Đỉnh. Ảnh: L.Q.V

Với phương pháp trưng bày truyền thống, kết hợp ứng dụng công nghệ trình chiếu cinemagraph và không gian tương tác trải nghiệm, triển lãm đưa người xem sống lại những khoảnh khắc của chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa.

Trong đó, công tác kéo pháo vào trận địa chuẩn bị cho chiến dịch được thể hiện qua tác phẩm “Tô Vĩnh Diện chèn pháo”, “Kéo pháo” của họa sĩ Dương Hướng Minh, “Kéo pháo Điện Biên” của họa sĩ Trần Đình Thọ; sự hỗ trợ đóng góp công sức của hàng chục ngàn dân công được khắc hoạ rõ nét qua tác phẩm “Việt Bắc” của họa sĩ Đào Đức, “Tiễn nhau đi dân công” của họa sĩ Lưu Văn Sìn, “Cả nước ra trận” của nhà điêu khắc Lưu Danh Thanh; tình cảm quân và dân gắn bó khăng khít, đùm bọc lẫn nhau trong thời chiến được các hoạ sĩ diễn tả qua các tác phẩm “Tình quân dân” của họa sĩ Nguyễn Sáng, “Đường lên Điện Biên” của họa sĩ Trần Khánh Chương…

Nhà điêu khắc Lưu Danh Thanh bên tác phẩm “Cả nước ra trận” của ông. Ảnh: L.Q.V
Nhà điêu khắc Lưu Danh Thanh bên tác phẩm “Cả nước ra trận” của ông. Ảnh: L.Q.V
Họa sĩ Cao Trọng Thiềm (bên phải) và nhà sử học Dương Trung Quốc bên tác phẩm sơn mài “Điện Biên năm ấy” của Cao Trọng Thiềm. Ảnh: L.Q.V
Họa sĩ Cao Trọng Thiềm (bên phải) và nhà sử học Dương Trung Quốc bên tác phẩm sơn mài “Điện Biên năm ấy” của Cao Trọng Thiềm. Ảnh: L.Q.V

Trong triển lãm, nhiều tác phẩm còn khắc hoạ sâu sắc và tái hiện sinh động những trận đánh hào hùng, oanh liệt tại chiến trường năm xưa như “Đánh vào trung tâm Điện Biên Phủ” của họa sĩ Nguyễn Thế Vị, “Điện Biên năm ấy” của họa sĩ Cao Trọng Thiềm…

Bên cạnh đó còn có những tác phẩm kinh điển về tinh thần anh dũng chiến đấu như “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ” - là một trong 2 tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Sáng đã được Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia, “Bế Văn Đàn lấy thân làm giá súng” của họa sĩ Lê Vinh. Trong triển lãm này, có một điểm nhấn quý giá, là phần trưng bày chùm ký họa chiến trường Điện Biên Phủ của hoạ sĩ Tô Ngọc Vân - người đã hy sinh ngày 17.6.1954 tại Sơn La, bởi bom Pháp.

“Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ” - tranh sơn mài của họa sĩ Nguyễn Sáng (1923 - 1988), sáng tác năm 1963, là một trong 2 tác phẩm của ông được công nhận là Bảo vật quốc gia
“Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ” - tranh sơn mài của họa sĩ Nguyễn Sáng (1923 - 1988), sáng tác năm 1963, là một trong 2 tác phẩm của ông được công nhận là Bảo vật quốc gia

Đặc biệt, hình ảnh Vị Cha già dân tộc - Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng hình ảnh chiến sĩ, đồng bào các dân tộc tham gia kháng chiến đã thể hiện rõ nét sự đoàn kết một lòng của toàn quân, toàn dân hướng về Điện Biên, như tác phẩm khắc họa hình tượng Bác Hồ của nhà điêu khắc Minh Đỉnh.

“Chuẩn bị đi chợ” - tranh của họa sĩ Tô Ngọc Vân (1906 - 1954), vẽ bằng mực. Ảnh: L.Q.V
“Chuẩn bị đi chợ” - tranh của họa sĩ Tô Ngọc Vân (1906 - 1954), vẽ bằng mực. Ảnh: L.Q.V
Vợ, chồng họa sĩ Tô Ngọc Thành (con trai của họa sĩ Tô Ngọc Vân) xem chùm ký họa của người cha tại Điện Biên. Ảnh: L.Q.V 
Vợ, chồng họa sĩ Tô Ngọc Thành (con trai của họa sĩ Tô Ngọc Vân) xem chùm ký họa của người cha tại Điện Biên. Ảnh: L.Q.V 

Chiến thắng Điện Biên Phủ là biểu tượng cao đẹp về ý chí quật cường của những tấm gương hy sinh thân mình vì chiến thắng của đất nước. Triển lãm “Đường lên Điện Biên” nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biện Phủ đã thêm một dịp nâng cao công tác giáo dục truyền thống, đồng thời thể hiện sự tự hào về những trang sử vàng của dân tộc, khơi dậy và phát huy tinh thần yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần đại đoàn kết toàn dân cho thế hệ trẻ hôm nay.

“Bà mẹ người Mông tiễn con trai tòng quân” - tranh của họa sĩ Lưu Văn Sìn (1910 - 1983). Ảnh: L.Q.V  
“Bà mẹ người Mông tiễn con trai tòng quân” - tranh của họa sĩ Lưu Văn Sìn (1910 - 1983). Ảnh: L.Q.V  
Nhà lý luận và phê bình mỹ thuật Mai Ngọc Oanh - con gái họa sĩ Mai Văn Hiến (1923 - 2006) - bên tác phẩm tranh sơn dầu của người cha “Tiếng hát mùa chiến dịch”. Ảnh: L.Q.V
Nhà lý luận và phê bình mỹ thuật Mai Ngọc Oanh - con gái họa sĩ Mai Văn Hiến (1923 - 2006) - bên tác phẩm tranh sơn dầu của người cha “Tiếng hát mùa chiến dịch”. Ảnh: L.Q.V

Triển lãm chuyên đề “Đường lên Điện Biên” không chỉ là sự tri ân sâu sắc tới thế hệ các anh hùng, liệt sĩ, những người con đất Việt từng tham gia các cuộc kháng chiến nói chung và trong chiến dịch Điện Biên Phủ nói riêng, để chúng ta được sống trong độc lập, hòa bình ngày hôm nay, mà còn là lời tri ân của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tới những hoạ sĩ, nhà điêu khắc mà sự sáng tạo nghệ thuật của họ đã mang đến cho chúng ta một khí thế “Đường lên Điện Biên” hào hùng và đầy cảm xúc.

Tác phẩm “Nhớ một chiều Tây Bắc” của họa sĩ Phan Kế An (1923 - 2018), sáng tác năm 1950, được thể hiện bằng hình thức trình chiếu kỹ thuật số với công nghệ cinemagraph. Ảnh: L.Q.V
Tác phẩm “Nhớ một chiều Tây Bắc” của họa sĩ Phan Kế An (1923 - 2018), sáng tác năm 1950, được thể hiện bằng hình thức trình chiếu kỹ thuật số với công nghệ cinemagraph. Ảnh: L.Q.V
Phần trình diễn của các thành viên Hội Sinh viên người dân tộc Thái tại Hà Nội đã góp phần làm sinh động thêm lễ khai mạc triển lãm. Ảnh: L.Q.V
Phần trình diễn của các thành viên Hội Sinh viên người dân tộc Thái tại Hà Nội đã góp phần làm sinh động thêm lễ khai mạc triển lãm. Ảnh: L.Q.V

Triển lãm “Đường lên Điện Biên” sẽ mở cửa đến hết ngày 15.5.2024 tại tầng 1 nhà B, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (số 66 Nguyễn Thái Học, quận Ba Đình - Hà Nội). Trong khuôn khổ triển lãm sẽ diễn ra chương trình Art Talk với chủ đề “Đường lên Điện Biên” vào lúc 9h ngày 27.4 (với sự tham gia của 3 diễn giả/khách mời, gồm: Nhà điêu khắc Lưu Danh Thanh, nhà sử học Dương Trung Quốc và họa sĩ Lương Xuân Đoàn) và “Những kỷ niệm về Họa sĩ, Liệt sĩ Tô Ngọc Vân” vào lúc 9h ngày 11.5.2024.  

LÊ QUANG VINH

Công bố khối tài liệu lưu trữ quý về chiến thắng Điện Biên Phủ

Công bố khối tài liệu lưu trữ quý về chiến thắng Điện Biên Phủ

Ngày 5/4, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III tổ chức buổi thông báo về khối tài liệu lưu trữ liên quan đến chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ