Tinh thần Điện Biên Phủ trên sàn tập “Mệnh lệnh từ trái tim”

Sau 10 ngày tập luyện, ê kíp “Mệnh lệnh từ trái tim” tiến hành ráp vở. Tinh thần Điện Biên Phủ tràn ngập trong từng lớp diễn.

Mới chạm hè, Hà Nội đã oi nóng. Trên sàn tập thô sơ về cơ sở vật chất, cái nóng còn được hun thêm. Vài cái quạt không đủ làm ráo những giọt mồ hôi trên mặt những người nghệ sĩ sắp “bước vào trận”.

Cảnh Bác Hồ giao nhiệm vụ chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Cảnh Bác Hồ giao nhiệm vụ chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Ở một góc, NSND Lê Chức trong bộ quần áo được “định vị” là trang phục của tướng De Castries đang cố gắng nhét chân vào đôi giầy. Mồ hôi nhễ nhại, lưng áo ướt sũng, cả chục phút đồng hồ cũng không xỏ chân vào giầy được. Ông cười ngượng nghịu: “ Trời nóng, chân nó nở ra, không cách nào vào nổi, mà tôi thì muốn dù ráp vở, dù tập cũng phải trang phục chỉn chu cho có khí thế”.

Sau một hồi loay hoay không xỏ được giầy vào chân, NSND Lê Chức chấp nhận đi chân tất chờ diễn 
Sau một hồi loay hoay không xỏ được giầy vào chân, NSND Lê Chức chấp nhận đi chân tất chờ diễn 

Ông đón chai nước từ tay NSƯT Trần Quang Khải- người vào vai Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong vở Mệnh lệnh từ trái tim. Hai nghệ sĩ vào vai đối lập trên chiến tuyến mời nhau uống nước ở hậu trường khiến cho việc “bếp núc” của sân khấu trở nên sinh động trong mắt đồng nghiệp xung quanh.

Khác với vẻ uy nghi mà tôi thấy ở Trần Quang Khải khi anh vào những vai lịch sử tầm cỡ trên sân khấu cải lương như: Mai Hắc Đế, Trần Nhân Tông, Phan Đăng Lưu.v.v., trên sàn tập Mệnh lệnh từ trái tim Khải bình dị, chân phương nhưng vẫn toát lên sự lịch thiệp, trí tuệ của một vị tướng cầm quân với đôi mắt sáng, gương mặt sáng, diễn xuất đầy biểu cảm, thể hiện được chiều sâu tính cách, diễn biến tâm lý của nhân vật.

Cảnh Bác Hồ cho phép Đại tướng Võ Nguyên Giáp 
Cảnh Bác Hồ cho phép Đại tướng Võ Nguyên Giáp  "tướng ngoài mặt trận được quyền quyết định và chịu trách nhiệm với quyết định của mình" 

NSƯT Văn Hải đã có gần 200 lần đóng vai Bác Hồ, lần này với vai Bác trong vở Mệnh lệnh từ trái tim, anh có cơ hội vượt lên cái bóng của chính mình để tiếp tục tỏa sáng. Nhập vai tự nhiên, diễn mà như không diễn, sự điềm tĩnh, sắc sảo, sáng suốt, quyết liệt của vị lãnh tụ dân tộc trước chiến dịch  lịch sử Điện Biên Phủ  đã được NSƯT Văn Hải thể hiện sắc nét trong từng câu nói, cử chỉ, ánh mắt.

Vừa trở về từ Tuần Văn hóa di sản phi vật thể Trung Quốc-ASEAN lần thứ 2 tổ chức tại Nam Ninh ( Trung Quốc), NSND Lệ Ngọc và NSƯT Hoàng Tùng đã kịp có mặt để ráp vở. Việc học thoại được hai nghệ sĩ thực hiện ngay trên hành trình di chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam. Vào vai dân công tham gia vận chuyển lương thực, thực phẩm cho chiến dịch Điện Biên Phủ nhưng sự xuất hiện của NSND Lệ Ngọc trong vở khá dày, thoại nhiều, diễn xuất đa dạng, có yếu tố hài hước, giải trí làm nhẹ không khí căng thẳng nơi chiến trận.

Nhân vật của NSND Lệ Ngọc trong vở diễn có khá nhiều lớp diễn sinh động
Nhân vật của NSND Lệ Ngọc trong vở diễn có khá nhiều lớp diễn sinh động

Đi cùng chị trong chuyến công tác tại Trung Quốc, thấy chị liên tục điện thoại, nhắn tin, chỉ đạo việc này, việc kia liên quan đến vở diễn đang trên sàn tập, từ việc gom lá cây, vỏ trấu  cho vào bao tải làm đạo cụ, đến tìm cho ra 30 diễn viên trẻ vào vai quần chúng tham gia lớp diễn vận chuyển lương thực, thực phẩm ra chiến trường … Theo NSND Lệ Ngọc, số diễn viên này không phải xuất hiện trên sân khấu mà được bố trí ngoài sảnh Nhà hát, trong nhà hát… để tạo không khí, giúp người xem có cảm giác đang xem một vở “thực cảnh” mà mình cũng có thể là một nhân vật trong bầu không khí rất “tinh thần Điện Biên” ấy.

Vai của NSND Lệ Ngọc thoại nhiều nên chị đã học thoại trên hành trình di chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam sau khi tham gia Tuần Văn hóa di sản phi vật thể Trung Quốc-ASEAN lần thứ 2
Vai của NSND Lệ Ngọc thoại nhiều nên chị đã học thoại trên hành trình di chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam sau khi tham gia Tuần Văn hóa di sản phi vật thể Trung Quốc-ASEAN lần thứ 2

Trở lại với vai De Castries của NSND Lê Chức, vì không xỏ được chân vào giầy nên ông diện tất lên sàn tập. Lớp diễn của ông có thêm 2 nhân vật là Trung tá Charles Pirothe chỉ huy pháo binh Pháp ở Điện Biên Phủ và nữ trợ lý y tế Geneviève de Gallard (NSND Thu Quế đóng). Nhập vai nhanh chóng, NSND Lê Chức đã thể hiện khá nhuyễn sự ngạo mạn, tự tin của De Castries khi cho rằng chiến thắng đã ở ngay cạnh. Bởi : “Bẫy đã giương, chỉ chờ Việt Minh đưa đầu vào và sập bẫy… Nếu từ trên cao họ bắn xuống chúng ta. Đây, tôi sẽ đội cái mũ ca -lo đỏ này lên cho họ nhìn rõ hơn”.

Cảnh NSND Lê Chức vai De Castries và NSND Thu Quế vai nữ trợ lý y tế Geneviève de Gallard tại Sở chỉ huy Pháp ở Điện Biên Phủ
Cảnh NSND Lê Chức vai De Castries và NSND Thu Quế vai nữ trợ lý y tế Geneviève de Gallard tại Sở chỉ huy Pháp ở Điện Biên Phủ

Bước khỏi lớp diễn, NSND Lê Chức hào hứng khoe: “ Lớp diễn của tôi chỉ thế thôi. Thoại nhiều đấy chứ, nhưng tôi không thuộc lòng thoại trong kịch bản, nên chẳng có gì áp lực. Tôi có kiểu học thoại riêng, cái đó gọi là linh ngôn”. Ông chìa sấp ảnh chụp tướng De Castries, nói: “Chỉ còn ít ngày nữa là công diễn, tôi sẽ ép cân để có ngoại hình hợp với vai diễn hơn”.

Trái ngược với sự ngạo mạn, bề nổi của De Castries, nhân vật Đại tướng Võ Nguyên Giáp xuất hiện bình dị, đi vào lòng người bởi chất trí tuệ, sáng suốt của một vị tướng cầm quân biết đau với mỗi giọt máu của đồng đội đổ xuống; biết cảm thông, sẻ chia với từng giọt mồ hôi của những người dân tham gia kháng chiến. Chọn lối diễn không phô trương, sự nhập vai đầy tiết chế của Trần Quang Khải đã thể hiện được một cách rõ nét hình ảnh một vị tướng tài trí, quyết đoán nhưng cũng đầy sự nhân văn, ấm áp.

Lần đầu diễn kịch nhưng Trần Quang Khải vào vai Đại tướng Võ Nguyên Giáp với nhiều lớp diễn gây xúc động dù mới trên sàn tập
Lần đầu diễn kịch nhưng Trần Quang Khải vào vai Đại tướng Võ Nguyên Giáp với nhiều lớp diễn gây xúc động dù mới trên sàn tập

Chi tiết Bác Hồ muốn Đại tướng Võ Nguyên Giáp giúp một việc - Mang nhành hoa ban từ Điện Biên Phủ về, được nhắc lại 2 lần trong vở diễn là lớp diễn gây xúc động. Bởi ai cũng hiểu ý tứ sâu xa của Bác trong lời gửi gắm bình dị, đời thường với vị tướng cầm quân ngoài trận mạc: “Phải chiến thắng”, “Phải trở về”. Điều đó cũng có nghĩa, "cho dù phải hy sinh tất cả vẫn phải giành độc lập" nhưng … nếu có phương án để hạn chế sự hy sinh, giảm bớt sự tổn thất, mất mát thì cần phải cân nhắc để lựa chọn. Và điều này Bác cho phép tướng ngoài mặt trận được quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Trần Quang Khải đã xuất sắc ở lớp diễn đấu tranh tư tưởng trước ngày ra quyết định thay đổi cách đánh từ “đánh nhanh, thắng nhanh”  sang “đánh chắc, thắng chắc”. Một quyết định cân não không dễ dàng đối với tướng Giáp ở thời điểm đó. Với ông, đó là mệnh lệnh từ trái tim. Trái tim của một người chồng dành cho vợ con ở hậu phương, ngày đêm mong ngóng chồng chiến thắng trở về; trái tim của một người lính hướng về Bác- vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, luôn mong muốn ông phải sáng suốt để đưa ra những quyết định đúng đắn cho một chiến thắng trọn vẹn; trái tim và trách nhiệm với toàn dân tộc muốn thoát khỏi ách đô hộ của giặc ngoại xâm…

Cảnh một người lính hy sinh trên chiến trường Điện Biên Phủ
Cảnh một người lính hy sinh trên chiến trường Điện Biên Phủ

Nói về vai diễn của mình ở Mệnh lệnh từ trái tim, NSUT Trần Quang Khải cho biết: “ Áp lực của tôi khi tham gia Mệnh lệnh trái tim chính là thuộc thoại. Vở diễn được thực hiện bởi Sân khấu Lệ Ngọc- một đơn vị xã hội hóa nên thời gian là tiền bạc. Mọi người gồng mình luyện tập, đêm học thoại, ngày tập diễn. Thêm một ngày là mất rất nhiều tiền bạc của đơn vị dựng vở nên tôi và các anh em nghệ sĩ tham gia vở đều ý thức điều này để cố gắng. Tôi đã tham gia nhiều vai nhân vật lịch sử tầm cỡ  nhưng vẫn khá hồi hộp khi vào vai Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đây là lần đầu tiên tôi tham gia sân khấu kịch nói nên tôi đã cố gắng học hỏi nhiều từ chính các nghệ sĩ tham gia vở. Tướng Giáp là một tượng đài lớn của chiến dịch Điện Biên Phủ , tôi không muốn chỉ là người “minh họa lịch sử” như một cách hô khẩu hiệu. Vở diễn này vốn dĩ không phải như thế. Một vở diễn rất dung dị nhưng có chiều sâu, đậm chất nhân văn nhưng cũng rất đỗi hào hùng, khí thế. "Mệnh lệnh từ trái tim" có thể biểu diễn bán vé, phục vụ số đông khán giả như các vở khác của Sân khấu Lệ Ngọc vì cách tiếp cận,khai thác đề tài dung dị, nhẹ nhàng, nhân văn. Tuy nhiên, với một đơn vị xã hội hóa, không sẵn diễn viên cơ hữu, việc huy động gần 70 diễn viên của các nhà hát trong và ngoài công lập tham gia vở là một nỗ lực phi thường. Vì thế, không dễ để biểu diễn vở thường xuyên được”.

Khép lại buổi ráp vở đầu tiên, ê kíp dựng vở hào hứng vì những gì đã làm được trong thời gian rất ngắn. Chưa thiết kế sân khấu; phục trang, đạo cụ còn đơn sơ nhưng đã thấy tinh thần Điện Biên Phủ tràn ngập trong từng lớp diễn.

Nguyệt Nhi

Sân khấu Lệ Ngọc khởi công vở diễn kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

Sân khấu Lệ Ngọc khởi công vở diễn kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

Chiều nay (6/4), Sân khấu Lệ Ngọc khởi công vở "Mệnh lệnh từ trái tim".