Làng Cù Lần

Với tinh thần chủ đạo của làng là bảo tồn bản sắc văn hóa cư dân bản địa Tây Nguyên, những ngôi nhà được giữ nguyên dưới chân núi, bên dòng suối.

Cái máu nghệ sĩ đã khiến anh chàng bán bớt một căn nhà, rồi hai căn nhà ở Sài Gòn lên đây mua, bưng từng viên đá xuống kê suối, làm đường. Một con đường địa hình dành cho những “tay lái lụa” ưa thích mạo hiểm lái xe jeep, xe U-oát…. và một con đường độc, lạ chạy dưới suối, vừa mạo hiểm, vừa lãng mạn…. 

Những giọt nước trong vắt tung lên từ bánh xe khiến người ngồi trên xe vừa sợ, vừa thích thú. Còn từ trên đường nhìn xuống du khách reo lên, vỗ tay cổ vũ cho lái xe đã mang theo một cơn mưa ngược trùm lên du khách, lội ngược dòng suối dưới chân rừng….

Có hai chiếc cầu bằng dây mây do chính tay người Cơ Ho làm, một cái nối từ đỉnh xuống làng Cơ Ho, một chiếc khác nối từ chợ Chồm Hổm lên ngôi nhà Rông.

Làng Cù Lần (Ảnh: vnexpress).
Làng Cù Lần (Ảnh: vnexpress).

Ngay từ khi mới xây dựng, nhạc sĩ Văn Tuấn Anh đã dành một không gian rộng nhất để trưng bày tranh của các họa sĩ mà anh yêu thích. Đây quả là địa điểm để chiêm nghiệm ý tưởng của các họa sĩ ở giữa rừng thông, nơi một bầy Cù Lần rất hiền, rất gần gũi, coi các họa sĩ ngồi vẽ như đồng loại…

Điểm nhấn và cũng là tinh thần chủ đạo của làng Cù Lần là bảo tồn bản sắc văn hóa cư dân bản địa Tây Nguyên. Do đó, làng Cơ Ho được giữ nguyên dưới chân núi, bên dòng suối và bãi chăn thả gia súc xưa là một bầy dê, ngựa... Giữa làng là một ngôi nhà Rông thuộc các nhóm tộc người Ê đê, Ba na... Giữa bãi cỏ là một cây nêu đặc trưng của các tộc người Tây Nguyên. 

Bạn có thể bắt gặp những chú Cù Lần rất hiền và gần gũi (Ảnh:citypassguide).
Bạn có thể bắt gặp những chú Cù Lần rất hiền và gần gũi (Ảnh:citypassguide).

Đi sâu vào trong là một ngôi nhà lớn với hai mái cách điệu kiểu mái nhà của dân bản địa Tây Nguyên được đặt tên là: Chợ Chồm Hổm. Trong Chợ Chồm Hổm nhạc sĩ Văn Tuấn Anh trưng bày nhiều bộ sưu tập về săn bắt, hái lượm xưa của người bản địa như: ná, gùi, xà gạt, lao, phóng, nơm, giỏ bắt cá… Bộ sưu tập về nghề dệt thổ cẩm; Nghề rèn sắt, đúc đồng; Nghề nặn nồi đất; Nghề làm nhẫn bạc…

Bên cạnh phòng tranh, Văn Tuấn Anh mới cho ra mắt một phòng sách liền với phòng gốm cổ - Một không gian riêng cho trưng bày Chóe, Tố xà lung, Chum, Jăng, ghè…. “đặc chủng” Tây Nguyên. Anh đã và đang ưu tiên tuyển chọn thanh niên ở các bản làng lân cận cho các công việc trong làng. Đặc biệt khôi phục đội cồng chiêng với những điệu múa, lời ca của miền sơn cước…

Tinh thần chủ đạo của làng là bảo tồn bản sắc văn hóa cư dân bản địa Tây Nguyên (Ảnh: sưu tầm).
Tinh thần chủ đạo của làng là bảo tồn bản sắc văn hóa cư dân bản địa Tây Nguyên (Ảnh: sưu tầm).

Bản Romance sơn cước cứ thao thiết tuôn chảy từ gió, từ nắng, từ mưa rừng, từ suối Tây Nguyên đã níu chân chàng nhạc sĩ tài hoa ở lại vùng khỉ ho cò gáy này…. Và một Tuyển tập Tình khúc Cù Lần của Văn Tuấn Anh vừa ra đời đúng vào dịp Sinh nhật Làng Cù Lần 5 tuổi (cuối năm 2016). Với giai điệu rất lạ, rất riêng – âm hưởng hòa quyện với với rừng, với suối.

Trong âm thanh có: “Suối chảy…rừng hoa đêm…đồi hoa dại…lối nhỏ uốn quanh hồ xanh, suối vắng…. Mái nhà tranh khuất trong màn sương chiều về…” (Lời của bài hát Trái tim Cù Lần). Lời hát thoát ra từ tình yêu rừng: “Ngày xưa rất xưa có thằng viễn xứ ôm giấc mơ vào trong rừng. Nhặt bên đồi cánh rừng hoang dại để nâng niu đắm say. Mang đèn hoa đổi lấy ánh trăng. Mang nhà cao đổi sao trên trời. Xây làng sương khói trên núi cao gần mây trời. Mang vàng son đổi hoa mua rừng, đổi lấy gió sương”. (Lời bài hát: Thằng Cù Lần)

Những bài hát có tựa đề: Rừng gọi; Nhà anh trên đỉnh cheo leo; Đưa em về xứ mây ngàn; Cù lần mơ; Thương con voi… là những dòng trạng thái Bolero mà Văn Tuấn Anh không thể không chia sẻ… bởi nó tuôn chảy từ mưa rừng, từ gió núi ở miền Sơn cước.

Nguyễn Thị Hoa

Du xuân nơi cực nam Tổ quốc

Du xuân nơi cực nam Tổ quốc

Cảm giác bềnh bồng sông nước luôn làm nao lòng du khách khi đến với Bạc Liêu và Cà Mau trên những chiếc “taxi trên sông” lướt sóng và gió bạc ngàn.