Nhà văn Alena Mornštajnová: Là phụ nữ, nên thích viết về phụ nữ, muốn chia sẻ…

Lần đầu tiên, một nhà văn nổi tiếng của Cộng hòa Czech tới Việt Nam.

Đó là Alena Mornštajnová - tác giả cuốn tiểu thuyết “Bác Hana” đã được dịch sang 18 ngôn ngữ trên thế giới.

Alena Mornštajnová là gương mặt rất thành công của văn đàn Czech (Séc), đặc biệt ở mảng văn học được viết bởi các tác giả nữ. Các tác phẩm của bà đã đạt được nhiều giải thưởng văn học, trong đó phải kể đến cuốn “Bác Hana” - được ra mắt độc giả Việt Nam bởi NXB Phụ nữ Việt Nam, theo nguyên bản cuốn tiểu thuyết Séc mang tên “Hana”.

Alena Mornštajnová là một trong những nữ văn sĩ tiêu biểu được coi là “Bà hoàng của văn học Séc đương đại”.
Alena Mornštajnová là một trong những nữ văn sĩ tiêu biểu được coi là “Bà hoàng của văn học Séc đương đại”.

Ấn phẩm “Hana” không chỉ đã được dịch sang 18 ngôn ngữ trên thế giới (tính đến năm 2023) và 7 nước khác đã mua bản quyền, mà còn được chuyển thể sang kịch bản sân khấu và được biểu diễn rất thành công ở Nhà hát Dân tộc Brno và Nhà hát Klicper ở Hradce Králové, đồng thời được chuyển thể sang kịch bản phim và đang chờ dựng.

“Hana” đã liên tục được nhận nhiều vinh dự: Năm 2017: Giải “Sách của Năm” và “Sách mới của Năm” - đều do Database Book Czech bình chọn. Năm 2018: Giải thưởng “Sách Séc”. Bản dịch tiếng Anh (NXB Parthian Book, 2020) được lọt vào danh sách bình chọn cho giải thưởng văn học của EBRD (Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu). Bản dịch tiếng Pháp (2022) giành được giải nhì cuộc thi văn học các trường trung học năm 2022 - 2023.

Đại sứ Cộng hòa Séc tại Việt Nam, ông Hynek Kmonicek, trò chuyện với nhà văn Alena Mornštajnová. Ảnh: L.Q.V
Đại sứ Cộng hòa Séc tại Việt Nam, ông Hynek Kmonicek, trò chuyện với nhà văn Alena Mornštajnová. Ảnh: L.Q.V

Alena Mornštajnová sinh năm 1963 tại Valasské Meziricí - một thị trấn nhỏ chỉ có 25.000 dân. Bà tốt nghiệp ngành ngôn ngữ Anh và ngôn ngữ Séc tại Trường Đại học Ostrava - Cộng hòa Séc, nhưng khởi đầu sự nghiệp sáng tác văn học ở độ tuổi tương đối muộn. Tuy nhiên, đó không phải là yếu tố ảnh hưởng đến những thành công rực rỡ mà bà gặt hái được trong lĩnh vực sáng tác văn học của mình và rồi, Alena Mornštajnová đã vinh dự là một trong những nữ văn sĩ tiêu biểu được coi là “Bà hoàng của văn học Séc đương đại”.

Cuốn tiểu thuyết đầu tay của Alena Mornštajnová, “Slepá Mapa” (Bản đồ trắng), được xuất bản năm 2013 khi bà bước sang tuổi 50. Nối tiếp, là một loạt tác phẩm, như: “Holýtek” (Khách sạn nhỏ) - năm 2015, “Hana” - năm 2017 (ra mắt độc giả Việt Nam vào tháng 10.2023), “Listopád” (Tháng Mười một) - năm 2019, “Tiché Roky” (Những năm tháng im lặng) - năm 2021, và mới nhất là “Les v dome” (Rừng trong nhà) - năm 2023. Bên cạnh đó, tác giả viết cả sách cho thiếu nhi.

Qua việc một loạt tác phẩm được độc giả yêu thích, cũng như giới phê bình văn học đánh giá cao, đã giúp bà khẳng định vị thế của mình với tư cách là tác giả có lượng bản sách bán được nhiều nhất tại Cộng hòa Séc hiện nay. “Alena Mornštajnová là một hiện tượng văn học đặc biệt ở Séc” - Đại sứ Cộng hòa Séc tại Việt Nam, ông Hynek Kmonicek, đã khẳng định như thế trong lời mở đầu buổi tọa đàm - giao lưu với nhà văn Alena Mornštajnová, diễn ra ở Viện Goethe Hà Nội tối 10.5.2024, trong khuôn khổ “Những ngày văn học Châu Âu 2024”, với sự phối hợp tổ chức của Đại sứ quán Séc tại VN cùng Trung tâm Séc ở thủ đô Praha và NXB Phụ nữ Việt Nam.

“Bác Hana” là cuốn tiểu thuyết về chủ đề quan hệ gia đình và mối quan hệ giữa các cá nhân trong bối cảnh những sự kiện lịch sử lớn. Về quá trình viết “Hana”, theo dịch giả Bình Slavická của bản dịch tiếng Việt “Bác Hana”, nhà văn Alena Mornštajnová từng thổ lộ (và bà cũng chia sẻ tại buổi tọa đàm ở Hà Nội vừa qua): “Lúc đầu, tôi muốn viết về dịch thương hàn ở Valasské Meziricí xảy ra vào năm 1954 và đã gây ra một số ca tử vong. Ngày đó, bà tôi bị nhiễm bệnh rất nặng và mang di chứng đến tận cuối đời, nên tôi có biết được chút ít về sự kiện ấy. Tôi đã đọc tài liệu, hỏi chuyện những người đã trải qua thời đó và chợt thấy là tôi biết rất ít về thành phố tôi đang sống.

Khi đọc tham khảo, tôi phát hiện ra một tài liệu mang tên là “Danh sách Heller” - một danh sách gần 200 người Do Thái đã sống ở thành phố, những người mà vào một buổi tối nào đó bước chân lên tàu hỏa và không bao giờ trở về nữa. Đơn giản là họ biến mất, như thể không bao giờ tồn tại vậy.

Tôi đọc tên của họ, ngày tháng năm sinh, nghề nghiệp, xem ảnh của họ. Và lúc ấy, tôi hiểu rằng, câu chuyện về những người dân đã biến mất phải có mặt trong cuốn sách. Tôi đã gắn hai sự kiện ấy - dịch bệnh và chiến tranh - vào câu chuyện của cô gái mang tên Hana”.

Nhà văn Alena Mornštajnová cũng chia sẻ rằng: “Tên của hai nhân vật chính trong tiểu thuyết là tên mượn của hai chị em người Do Thái trong “Danh sách Heller”: Mira (1935 - 1943) và Hana (1937 - 1943) - đều chết ở trại tập trung. Nhân vật mang tên Hana, cái tên có nghĩa đẹp trong tiếng Hebrew, nhưng đồng thời, trong tiếng Séc, hana còn là một danh từ chỉ sự hổ thẹn, tủi nhục, mất danh dự.

        Ấn phẩm “Bác Hana” ngay từ khi ra mắt bản tiếng Việt, đã được bạn đọc đón tìm mua. 
Ấn phẩm “Bác Hana” ngay từ khi ra mắt bản tiếng Việt, đã được bạn đọc đón tìm mua. 

Cuốn tiểu thuyết dựa trên sự kiện về Holocaust, qua những tài liệu lưu lại và lời kể của những người sống sót sau trại tập trung. Có một điểm chung của số phận những người ấy, theo tôi, là “cảm giác tội lỗi”. Họ thấy có lỗi, khi chỉ có họ sống sót. Họ trở về một thế giới không muốn họ, một thế giới không hiểu họ. Vì vậy, tôi đặt tên sách là “Hana”. Nó không chỉ là tên của nhân vật chính, mà còn là cảm giác mà nhân vật ấy phải sống cùng trong suốt cuộc đời mình. Cô ấy cảm thấy mình tội lỗi, cảm thấy hổ thẹn, tủi nhục…”.

Theo nhà văn Alena Mornštajnová, cuốn tiểu thuyết “Hana” được in vào tháng 2, trong khi ở Séc, thời gian cao điểm mà mọi người tìm mua sách là dịp lễ Giáng Sinh hay dịp hè - để đọc hoặc tặng người thân, bạn bè. Vậy mà sau 10 tháng, “Hana” đã thành best-sellers… 100.000 bản. Đây quả là một con số đáng mơ ước với ngành xuất bản Việt Nam. Với lối viết đa dạng, phong phú của mình, Alena Mornštajnová đã chinh phục được nhiều độc giả ở các thế hệ và độ tuổi khác nhau, tại nhiều quốc gia.

Tại buổi giao lưu vừa qua ở Hà Nội, ngoài việc tác giả Alena Mornštajnová chia sẻ cùng TS văn học Quyên Nguyên và đông đảo độc giả VN xung quanh cuốn tiểu thuyết “Bác Hana”, bà cũng trao đổi về nhiều vấn đề liên quan đến đời sống văn chương. “Muốn viết sách, việc trước tiên là phải tự thích chủ đề, giữ riêng cho mình. Khi còn vô danh, người viết cần phải nhiều nỗ lực, để bạn đọc tìm đến với mình. Với tôi, phải đến cuốn thứ 3, khi có thêm nhiều bạn đọc, mới được bên NXB chú ý tới nhiều hơn. Hẳn trong lĩnh vực xuất bản, ở đâu cũng có tình trạng như vậy thôi…” - tác giả Alena Mornštajnová bày tỏ.

Nữ nhà văn Alena Mornštajnová trong “vòng vây” hâm mộ của các bạn đọc Việt Nam. Ảnh: H.P
Nữ nhà văn Alena Mornštajnová trong “vòng vây” hâm mộ của các bạn đọc Việt Nam. Ảnh: H.P

Qua những buổi giao lưu, tâm tình thú vị như vậy, đã tạo nên một không gian mở cho các thảo luận với các nhà văn, nhà hoạt động xã hội, truyền động lực, cảm hứng hữu ích với các cây viết trẻ, đặc biệt là các nhà văn nữ, đang khởi đầu sự nghiệp của mình, đồng thời các bên có thêm các góc nhìn đa chiều về văn học Séc và văn học Việt Nam. Với nhà văn Alena Mornštajnová, bà cũng cho biết thêm: “Là phụ nữ, nên tôi thích viết về phụ nữ, muốn chia sẻ những câu chuyện về phụ nữ với mọi người, bởi nó phù hợp và gần gũi với tôi. Bởi không phải là nạn nhân của nạn diệt chủng, nên qua “Hana”, tôi chỉ muốn viết về cảm xúc của những nạn nhân. Bây giờ, tôi không muốn viết thêm một cuốn sách nào nữa về đề tài nạn diệt chủng. Vì nó quá kinh khủng…”.

Lê Quang Vinh

Giao lưu với nhà văn Kevin Chen - Tác giả tiểu thuyết 'Vùng đất quỷ tha ma bắt'

Giao lưu với nhà văn Kevin Chen - Tác giả tiểu thuyết "Vùng đất quỷ tha ma bắt"

Tại Việt Nam, cuốn tiểu thuyết vinh dự nhận được nhiều giải thưởng quan trọng và được đông đảo độc giả đón nhận.