Trong hơn hai năm qua, hệ thống robot MaxiO đã trở thành cánh tay đắc lực của các bác sĩ, thực hiện thành công khoảng 150 ca sinh thiết xương, đặc biệt ở những vị trí phức tạp như nền sọ, cột sống cổ, cột sống ngực và cột sống thắt lưng. Đây là một sáng kiến của các bác sĩ bệnh viện Quân y 175, mang lại hiệu quả vượt trội về thời gian, chi phí và độ an toàn cho người bệnh. Tháng 2/2025, giải pháp này đã được vinh danh là một trong những Thành tựu Y khoa Việt Nam 2024.
![]() |
Sau khi được cải tiến, cánh tay robot giúp các y bác sĩ tại bệnh viện Quân y 175 lấy mẫu sinh thiết ung thư nhanh hơn và giảm chi phí gấp 10 lần |
Robot MaxiO vốn được bệnh viện trang bị từ năm 2019 để hỗ trợ sinh thiết các mô mềm và u tạng đặc dưới hướng dẫn của CT, mang lại sự an toàn và hiệu quả rõ rệt. Tuy nhiên, thách thức lớn đặt ra khi các bác sĩ đối mặt với việc sinh thiết vùng cột sống, nơi robot chưa thể phát huy hết khả năng.
Bác sĩ Ngô Đăng Hưởng, Khoa Xạ trị, Bệnh viện Quân y 175, chia sẻ về những khó khăn trước đây: "Ở những vị trí xương cột sống hiểm hóc, việc 'đâm kim mù' chỉ dựa vào hình ảnh CT đòi hỏi sự tỉ mỉ đến từng milimet. Chỉ một sơ suất nhỏ có thể gây tổn thương nghiêm trọng đến dây thần kinh, tủy sống, dẫn đến yếu liệt hoặc rối loạn tiểu tiện. Nguy hiểm hơn, nếu kim chọc trúng mạch máu lớn, người bệnh có thể mất máu và tử vong ngay trên bàn thủ thuật."
Trở ngại trong việc ứng dụng robot toàn diện vào sinh thiết xương nằm ở yêu cầu kim sinh thiết phải có kích thước lớn hơn để khoan qua cấu trúc xương cứng. Thao tác khoan cắt này đòi hỏi lực xoay lắc mạnh mà cánh tay robot hiện tại chưa thể đáp ứng.
Đối mặt với thách thức này, Ths.BS Phạm Thành Luân cùng các đồng nghiệp đã nghiên cứu và đưa ra giải pháp sáng tạo: tận dụng robot để dẫn đường kim đến vỏ xương, sau đó bác sĩ sẽ hoàn thiện quy trình khoan cắt bằng tay. Giải pháp này, sau khi được hội đồng chuyên môn chấp thuận, đã được triển khai thường quy tại bệnh viện và mang lại những kết quả ấn tượng.
Thời gian thực hiện một ca sinh thiết xương đã giảm đáng kể, từ 45-60 phút xuống chỉ còn 15-20 phút. Điều này không chỉ giúp giảm đáng kể liều lượng tia xạ mà người bệnh và nhân viên y tế phải tiếp xúc mà còn nâng cao độ an toàn và chính xác của thủ thuật. Ths.BS Phạm Thành Luân nhấn mạnh: "So với phương pháp cũ là chọc kim dựa trên kinh nghiệm của bác sĩ, việc có robot dẫn đường giúp thao tác khoan cắt xương trở nên an toàn và chính xác hơn rất nhiều. Đến nay, bệnh viện chưa ghi nhận trường hợp nào gặp phải biến chứng tổn thương thần kinh hay yếu liệt."
Đặc biệt, sáng kiến này đã mở ra cơ hội sinh thiết cho nhiều trường hợp trước đây không thể thực hiện bằng CT đơn thuần, buộc phải phẫu thuật mở với mức độ xâm lấn cao. Giờ đây, nhờ sự hỗ trợ của robot, quy trình sinh thiết trở nên nhẹ nhàng và ít xâm lấn hơn nhiều.
Một yếu tố quan trọng góp phần vào thành công của quy trình mới là việc sử dụng nệm hút chân không để cố định người bệnh. Đây là một sáng kiến khác của các bác sĩ Bệnh viện Quân y 175, ban đầu được sử dụng cho bệnh nhân xạ trị. Việc cố định chắc chắn giúp giảm thiểu nguy cơ xê dịch trong quá trình sinh thiết, đảm bảo độ chính xác cao nhất.
Quy trình sinh thiết được thực hiện một cách bài bản: sau khi cố định bệnh nhân, êkíp tiến hành chụp CT để xác định vị trí tổn thương. Hình ảnh CT được đồng bộ hóa với hệ thống robot, cho phép bác sĩ xác định chính xác vị trí, độ sâu và hướng đi của kim sinh thiết trong không gian ba chiều. Dưới sự dẫn đường của robot, bác sĩ tiến hành gây tê, rạch da, chọc kim sinh thiết và chụp CT kiểm tra lại vị trí kim. Khi kim đã đến đúng mục tiêu, bác sĩ thực hiện thao tác khoan xương và hút dịch để gửi đi xét nghiệm, phục vụ cho việc chẩn đoán và điều trị.
So sánh với phương pháp truyền thống, Ths.BS Phạm Thành Luân cho biết: "Trước đây, khi không có robot hỗ trợ định vị chính xác, bác sĩ thường phải dựa vào kinh nghiệm để chọc kim, đồng thời phải chụp CT kiểm tra nhiều lần. Trong nhiều trường hợp tổn thương nằm gần các cấu trúc giải phẫu quan trọng, bác sĩ thậm chí không dám thực hiện sinh thiết. Việc chọc kim nhiều lần không chỉ gây đau đớn, tăng nguy cơ biến chứng mà còn kéo dài thời gian thủ thuật và tăng liều lượng tia xạ."
Với quy trình mới, người bệnh chỉ mất khoảng 15 phút để hoàn tất thủ thuật sinh thiết, sau đó có thể tự đứng dậy và đi lại. Chi phí cho một ca sinh thiết bằng robot hiện nay chưa đến 2 triệu đồng, một con số vô cùng nhỏ so với chi phí 20-30 triệu đồng và nhiều rủi ro tiềm ẩn của phương pháp sinh thiết bằng phẫu thuật, vốn đòi hỏi gây mê, nhiều giờ trên bàn mổ và thời gian nằm viện hậu phẫu kéo dài.
Sáng kiến cải tiến quy trình sinh thiết xương bằng robot tại Bệnh viện Quân y 175 không chỉ mang lại lợi ích thiết thực cho người bệnh mà còn thể hiện sự sáng tạo, nỗ lực không ngừng của đội ngũ y bác sĩ Việt Nam trong việc ứng dụng công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Việc được vinh danh là Thành tựu Y khoa Việt Nam 2024 là một sự ghi nhận xứng đáng cho những đóng góp to lớn này.
Microrobot nhỏ như hạt gạo tạo đột phá trong phẫu thuật não
Công nghệ này ít xâm lấn hơn nhiều so với những công cụ truyền thống.