Trang bị cho phụ nữ các kỹ năng để đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau trong tương lai số

"Đối thoại về tương lai số" ra đời nhằm giải quyết những rào cản "vô hình" trong việc tiếp cận công nghệ của nữ giới.

Sáng 10/12, gần 1400 đại biểu đến từ các đại sứ quán, tổ chức quốc tế, cơ quan nhà nước, trường đại học, cao đẳng, tập đoàn công nghệ và doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam đã cùng nhau tham gia sự kiện "Đối thoại về tương lai số: Phụ nữ và trẻ em gái trong ngành công nghệ và STEM".

Sự kiện do Cơ quan Liên hợp quốc vì Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) phối hợp với Mạng lưới Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp các trường đại học, cao đẳng Việt Nam (VNEI) và Thành đoàn Hà Nội tổ chức, với sự tham gia của các diễn giả uy tín như bà Caroline Nyamayemombe (Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam) và bà Vũ Thu Hồng (cán bộ Chương trình Phụ nữ, hòa bình và an ninh của UN Women).

Bà Caroline Nyamayamombe, Trưởng đại diện UN Women Việt Nam. (Ảnh: giaoduc.net)
Bà Caroline Nyamayamombe, Trưởng đại diện UN Women Việt Nam. (Ảnh: giaoduc.net)

Thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực STEM

Trong bối cảnh Việt Nam đang thúc đẩy mạnh mẽ Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, hướng tới mục tiêu phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số vào năm 2030, nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin (ICT) dự kiến sẽ tăng lên 2,5 triệu người. Đây là cơ hội vàng cho phụ nữ Việt Nam, vốn chiếm tới 37% lực lượng lao động ngành công nghệ hiện nay - một con số đáng mừng, cao hơn mức trung bình toàn cầu là 25%.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy phụ nữ vẫn còn gặp nhiều rào cản "vô hình" trong việc tiếp cận các vị trí kỹ thuật cốt lõi, lãnh đạo trong ngành công nghệ. Theo các chuyên gia, những rào cản này xuất phát từ định kiến giới, thiếu hụt các chính sách hỗ trợ, cơ hội đào tạo và thăng tiến cho phụ nữ trong lĩnh vực STEM.

Bà Vũ Thu Hồng - đại diện của UN Women Việt Nam (ảnh: giaoduc.net)
Bà Vũ Thu Hồng - đại diện của UN Women Việt Nam (ảnh: giaoduc.net)

Bà Caroline Nyamayemombe nhấn mạnh rằng trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái trong STEM không chỉ là vấn đề bình đẳng, công bằng xã hội mà còn là động lực then chốt cho sự đổi mới, tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững của đất nước. Bằng cách đầu tư vào thế hệ trẻ, đặc biệt là nữ giới, Việt Nam đang đầu tư vào một tương lai tươi sáng hơn cho tất cả mọi người.

Buổi đối thoại đã khép lại với những cam kết mạnh mẽ từ các bên về việc hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái phát triển trong lĩnh vực công nghệ thông qua các chương trình học bổng, cơ hội thực tập, hỗ trợ khởi nghiệp, và các nguồn lực thiết thực khác. Đồng thời, các doanh nghiệp công nghệ cũng được khuyến khích xây dựng môi trường làm việc bao trùm, không phân biệt giới tính, để khai thác tối đa tiềm năng của lao động nữ.

Quang cảnh Tọa đàm
Quang cảnh Tọa đàm

Phát biểu tại sự kiện, bà Vũ Thu Hồng, cán bộ của Chương trình phụ nữ, hòa bình và an ninh của UN Women nhấn mạnh: “Các lĩnh vực STEM đang định hình công việc tương lai và sự tiến bộ của nhân loại, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số và công nghiệp hóa dựa trên trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, phụ nữ và trẻ em gái vẫn bị thiếu đại diện trong những lĩnh vực then chốt này. Trang bị cho phụ nữ và trẻ em gái các kỹ năng kỹ thuật số là rất quan trọng để đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau trong tương lai số”.

"Đối thoại về tương lai số" ra đời nhằm giải quyết những rào cản "vô hình" trong việc tiếp cận công nghệ của nữ giới. Sự kiện không chỉ là diễn đàn để các đại biểu trao đổi, thảo luận về những thách thức, chia sẻ kinh nghiệm và sáng kiến, mà còn là nơi truyền cảm hứng và trang bị cho phụ nữ trẻ những kỹ năng, nguồn lực cần thiết để tự tin khởi nghiệp, phát triển sự nghiệp trong lĩnh vực STEM. Hy vọng rằng sự kiện này sẽ là bệ phóng cho những hành động thiết thực, giúp Việt Nam xây dựng một tương lai số bình đẳng và thịnh vượng, nơi mọi người đều có cơ hội phát triển và đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước.

PV

Việt Nam đại thắng tại đấu trường Stem Robotics thế giới Robotics Games (GRG)

Việt Nam đại thắng tại đấu trường Stem Robotics thế giới Robotics Games (GRG)

20 đội Robotacon ở nhóm 6-10 tuổi và 14 đội ở nhóm 8-19 tuổi đại diện cho Việt Nam đã tiếp tục chinh chiến và đại thắng tại các giải đấu.