Văn Cao, hội họa, và nghề vẽ minh họa báo

Nếu trong thế giới giai điệu, Văn Cao “sang trọng như một ông Hoàng”, thì ở lĩnh vực hội họa danh tiếng của ông có phần khiêm tốn, ít được biết đến.

Văn Cao là trường hợp đặc biệt trong lịch sử văn nghệ nước nhà. Ông chưa từng được đào tạo một cách bài bản cả về âm nhạc lẫn hội họa nhưng ở lĩnh vực nào ông cũng được kính nể. Trong âm nhạc, Văn Cao không chỉ đặt dấu ấn qua những bản nhạc tình, nhạc tiên cảnh hay nhạc hùng nổi tiếng như Suối mơ, Thiên thai, Buồn tàn thu, Trương Chi, Sông Lô hay Bắc Sơn mà ông còn để lại một sáng tác đặc biệt, mỗi lần cất lên là mọi người đều đứng dậy đặt tay lên ngực trái với niềm xúc động vô bờ, đó là Tiến quân ca - Quốc ca của nước Việt Nam.

Âm nhạc như nguồn suối trong vắt trong tâm hồn Văn Cao. Nếu trong thế giới giai điệu, ông “sang trọng như một ông Hoàng” (chữ của Trịnh Công Sơn), thì ở lĩnh vực hội họa danh tiếng của ông có phần khiêm tốn, ít được biết đến.

Nhạc sĩ Văn Cao tại nhà riêng gác hai, số 108 Yết Kiêu ngày 7/8/1993 (Ảnh: Nguyễn Đình Toán)
Nhạc sĩ Văn Cao tại nhà riêng gác hai, số 108 Yết Kiêu ngày 7/8/1993 (Ảnh: Nguyễn Đình Toán)

Văn Cao bước vào con đường hội họa như thế nào? Theo lời kể của người bạn thân- nhạc sĩ Phạm Duy- Văn Cao có học hai năm ở trường Mỹ thuật Hà Nội với tư cách là dự thính viên tự do (auditeur libre) và được họa sĩ Lưu Văn Sìn dẫn dắt vào hội họa. Vẫn theo lời Phạm Duy, “Văn Cao vẽ rất giỏi”.

Năm 1943, khi mới 20 tuổi, Văn Cao đã gây chú ý trong giới mỹ thuật đương thời bằng một số tác phẩm như “Cô gái dậy thì”, “Thái Hà ấp đêm mưa”. Đặc biệt, bức họa sơn dầu “Cuộc khiêu vũ của những người tự tử” (Le Balaux suicldes) được trưng bày ở phòng triển lãm Duy Nhất (Salon Unique 1943) đã làm giới mỹ thuật ngạc nhiên về bút pháp và màu sắc.

Tuy vậy, dù ba bức tranh này được treo ở nơi sang trọng nhất trong phòng triển lãm nhưng vẫn không bán được. Theo lời tự thuật của Văn Cao, ông hiểu rằng không thể hi vọng về cuộc sống bằng con đường hội họa. (Văn Cao, Tôi viết Quốc ca như thế nào, Tạp chí Sông Hương tháng 7-8-1987).

Về phong cách mỹ thuật của Văn Cao, họa sĩ Tạ Tỵ nhận xét: “Tất cả những nhạc phẩm do Văn Cao xuất bản, đều tự trình bày với những nét vẽ của họa phái lập thể. Văn Cao sử dụng cọ và màu cũng sắc sảo mặn nồng không thua gì các họa sĩ chuyên nghiệp có khi hơn nữa”. (Tạ Tỵ, Văn Cao một tinh cầu giá lạnh, Văn học số 114 ngày 1-11-1970).

Một số tranh ký họa của Văn Cao trên báo Độc lập 1945.
Một số tranh ký họa của Văn Cao trên báo Độc lập 1945.
Tranh biếm họa
Tranh biếm họa "Thực lực của vài "chính" đảng" của Văn Cao trên báo Độc lập năm 1945.

Văn Cao, như Vũ Bằng nhận xét, “là thứ người tò mò, không hề có ý muốn làm thứ người trác tuyệt, nhưng luôn luôn muốn tìm biết, tìm hiểu cuộc đời, tìm cách sống nào cho thật đầy đủ, thật vội vàng nhưng thật thú vị và thỏa mãn” (Vũ Bằng, Văn Cao một nghệ sĩ tài hoa, có hai đầu mà không nói được, Văn học số 114 ngày 1-11-1970). 

Có lẽ vì vậy nên dù rất đam mê hội họa nhưng Văn Cao không đi sâu và dành nhiều thời gian cho loại hình nghệ thuật này, nếu toàn tâm đi theo hội họa thì rất có thể ông cũng trở thành một danh họa của mỹ thuật nước nhà.

Tuy không được xếp vào bậc danh họa nhưng những đóng góp của Văn Cao ở lĩnh vực hội họa là không thể phủ nhận. Đặc biệt trên lĩnh vực vẽ bìa sách và minh họa cho báo giấy, ông để lại những dấu ấn đậm nét. Theo nhà phê bình mỹ thuật Thái Bá Vân “chính Văn Cao và vài ba người nữa (Bùi Xuân Phái, Sỹ Ngọc, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng...) vào những năm 60 đã mở hướng thẩm mỹ mới cho minh họa và đồ họa... Có thể nói Văn Cao đã lập được một trường phái minh họa và bìa sách. Nhiều minh họa của anh trên báo Văn nghệ phải gọi là xuất sắc”.

Minh họa của Văn Cao trên hai tờ Quân Bạch Đằng và Gió biển năm 1946.
Minh họa của Văn Cao trên hai tờ Quân Bạch Đằng và Gió biển năm 1946.

Văn Cao bắt đầu minh họa trên báo vào năm 1945. Tờ báo đầu tiên ông minh họa là tờ Độc lập của Dân chủ đảng Việt Nam. Trong buổi phỏng vấn vợ chồng nhạc sĩ Văn Cao vào năm 1993 khi ông 70 tuổi do nhà nghiên cứu Nguyễn Nhã và nhà sử học Trần Quốc Vượng thực hiện, bà Nghiêm Thúy Băng (vợ nhạc sĩ Văn Cao) kể rằng, ban đầu ông là thành viên của báo Độc lập, vừa minh họa vừa phụ trách trang văn nghệ. Cuối tháng 12-1945, Văn Cao chuyển sang báo Lao động và bắt đầu minh họa cho tờ báo này.

Minh họa của Văn Cao trên báo Độc lập chủ yếu là ký họa chân dung. Những nhân vật đương thời như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hà Nội Trần Duy Hưng, bác sĩ Tôn Thất Tùng, ông Lê Tùng Sơn, các ông Vũ Đình Hòe, Nguyễn Lương Ngọc và sư Tố Liên... được phác họa bằng bút pháp rất đơn giản nhưng vô cùng sinh động.

Năm 1946, Văn Cao hoạt động ở Liên khu III. Trong thời gian này ông minh họa cho hai tờ báo của Hải Phòng là Quân Bạch Đằng và Gió biển. 

Toàn quốc kháng chiến bùng nổ, Văn Cao và gia đình lên chiến khu. Chín năm kháng chiến, Văn Cao chủ yếu hoạt động âm nhạc và ít vẽ. Ông xuất hiện hai lần trong hoạt động hội họa. Lần thứ nhất là vào năm 1949 trong cuộc triển lãm chung với Tạ Tỵ tại Liên khu III. Văn Cao mang đến triển lãm hai bức tranh sơn dầu tựa đề “Cây đàn đỏ” và “Đường cấm”. Sau buổi triển lãm, Văn Cao nhờ Tạ Tỵ giữ hộ mấy bức tranh nhưng năm 1950 quân Pháp đã lấy đi tất cả trong một trận càn.

Lần thứ hai ông xuất hiện trong cuộc triển lãm hội họa có quy mô lớn vào ngày 19-12-1951, nhân kỷ niệm 5 năm ngày toàn quốc kháng chiến. Tham gia cuộc triển lãm có nhiều họa sĩ nổi tiếng như Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Văn Tỵ, Nguyễn Văn Đôn, Lưu Công Nhân. Văn Cao gửi đến triển lãm bức tranh sơn dầu “Đọc báo Nhân dân”. Một thời gian sau, Văn Cao đã vẽ lại bức sơn dầu này để minh họa cho tạp chí Văn nghệ số 35 (tháng 4-1952). 

Bìa tạp chí Văn nghệ số 35 do Văn Cao minh họa.
Bìa tạp chí Văn nghệ số 35 do Văn Cao minh họa.
Logo tạp chí Văn nghệ năm 1948 do Văn Cao phác thảo, họa sĩ Trần Văn Cẩn hoàn thiện.
Logo tạp chí Văn nghệ năm 1948 do Văn Cao phác thảo, họa sĩ Trần Văn Cẩn hoàn thiện.

Dấu ấn hội họa của Văn Cao trong giai đoạn này không thể không nhắc đến việc thiết kế biểu trưng (logo) cho tạp chí Văn nghệ. Văn Cao vẽ Vi-nhét (Vignhette) chữ “VĂN NGHỆ” và phác thảo logo bằng hai chữ V.n. Trần Văn Cẩn hoàn thiện bằng việc thêm cửa sổ và ngôi sao. Logo này được sử dụng rộng rãi cho tạp chí Văn nghệ, NXB Văn nghệ và hiện nay là tuần báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam.

Hà Nội (1954), ngoài các hoạt động âm nhạc, sáng tác văn chương, Văn Cao tham gia Ban Biên tập tuần báo Văn nghệ của Hội Văn nghệ (từ tạp chí Văn nghệ chuyển thành tuần báo).

Năm 1956, Văn Cao cộng tác tạp chí Giai phẩm của nhóm Nhân văn- Giai phẩm với bài thơ: “Anh có nghe thấy không” (đăng trên Giai phẩm Xuân 1956). Vì điều này, Văn Cao phải kiểm thảo.

Minh họa của Văn Cao trên tạp chí Văn nghệ năm 1961 và 1962 (Tư liệu: Nguyễn Bích Phương).
Minh họa của Văn Cao trên tạp chí Văn nghệ năm 1961 và 1962 (Tư liệu: Nguyễn Bích Phương).

Sau sự kiện Nhân văn Giai phẩm, Văn Cao treo đàn, treo bút. Ông ngồi cô độc trên chiếc ghế cũ kỹ và gửi gắm tâm sự ẩn ức vào những bài thơ không vần:

Có lúc

Một mình một dao giữa rừng đêm không sợ hổ

Có lúc

Ban ngày nghe tiếng lá rụng sao hoảng hốt

Có lúc

Nước mắt không thể chảy ra ngoài được

(tháng 1-1963)

Trong những ngày nặng nề, nghèo túng, Văn Cao trở lại với hội họa nhưng không phải với vị thế của người nghệ sĩ mà cặm cụi minh họa để kiếm sống. Nhờ tri thức hội họa sâu sắc, tâm hồn nghệ sĩ bay bổng và những ẩn ức chất chứa đã tạo nên biểu cảm thẩm mỹ độc đáo trên các minh họa của ông. Thật trớ trêu, trước đây ông đã từng nghĩ hội họa không phải là con đường sống, nhưng giờ đây chính nó lại là “cần câu cơm” duy nhất giúp ông vượt qua những khó khăn trong cuộc sống và giải tỏa u buồn trong lòng.

Minh họa của nhạc sĩ Văn Cao trên một số báo (Tư liệu: Nguyễn Bích Phương - Tạ Thu Phong).
Minh họa của nhạc sĩ Văn Cao trên một số báo (Tư liệu: Nguyễn Bích Phương - Tạ Thu Phong).

Năm 1961, người ta thấy Văn Cao minh họa cho tạp chí Văn nghệ, tiếng nói của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam.

Năm 1974, Văn Cao xuất hiện trên tuần báo Văn nghệ, minh họa bìa cho ấn phẩm Xuân Giáp Dần. Kể từ đó trở đi, ông trở lại đều đặn hơn trên các tờ báo và vẫn ở vai trò người minh họa. Những tờ báo ông cộng tác là Văn nghệ (báo của Hội Nhà văn), Lao động (báo của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam), Độc lập (báo của Đảng Dân chủ), Đại đoàn kết (báo của Mặt trận Tổ quốc) và Người Hà Nội (báo của Hội văn nghệ Hà Nội).

Năm 1993, với nhà thơ Thanh Thảo (Ảnh: Nguyễn Đình Toán).
Năm 1993, với nhà thơ Thanh Thảo (Ảnh: Nguyễn Đình Toán).

Ông Lê Chính, biên tập viên kỳ cựu của báo Văn nghệ nhớ lại:

“Văn Cao vẽ không biết bao nhiêu minh họa cho báo Văn nghệ, trong đó có thật nhiều bức rất đẹp. Những năm ấy, chỉ có tờ báo của chúng ta là cầu nối duy nhất để Văn Cao gặp gỡ công chúng. Và nhuận bút minh họa tuy chẳng đáng bao nhiêu nhưng cũng trở thành một nguồn thu nhập giúp họa sĩ vượt qua lúc khó khăn. Văn Cao thường bảo tôi: “Ông cứ đưa cho tôi minh họa những chuyện lứa đôi là vẽ sướng nhất”. Ngoài ra Văn Cao còn vẽ những truyện dịch rất đạt, vẽ Ấn Độ ra Ấn Độ, Tây ra Tây, châu Phi ra châu Phi. Nhất là truyện Trung Quốc thì Văn Cao vẽ rất thuộc, rất tài. Và Văn Cao tuyên bố: đã vẽ rồi thì không sửa, dùng được thì dùng, không dùng thì bỏ. Thành ra cái anh đứng giữa đi đặt vẽ như tôi nhiều khi chết cháy, chết dở. Lại có khi đúng hẹn lấy minh hoạ thì Văn Cao vẫn chưa vẽ. Ông ấy bảo: “ Yên chí! Tôi đã nghĩ sẵn trong đầu rồi. Ông cứ ngồi đấy, uống rượu chờ tôi làm”, và Văn Cao vừa ngà ngà say vừa vẽ, minh họa rất đẹp. Chỉ có tôi là thót tim vì lo...”

Họa sĩ Đỗ Phấn trong bài viết “Nghề minh họa báo giấy” (Nhân dân cuối tuần- điện tử ngày 20-6-2016) nhận xét:

Đã có một thời nhiều người bắt chước ông Văn Cao, vẽ minh họa giống đến mức nếu không có chú thích bên dưới thì rất khó phát hiện. Ông Văn Cao là người vẽ minh họa thành công nhất không phải bởi tay nghề mà chính vì đặc thù bay bổng lãng mạn và cách bố cục mảng miếng đen trắng tạo mỹ cảm rất riêng biệt.

Các chữ ký hội họa của Văn Cao minh họa báo giấy (Tư liệu: Tạ Thu Phong).
Các chữ ký hội họa của Văn Cao minh họa báo giấy (Tư liệu: Tạ Thu Phong).

Nét riêng trong minh họa của Văn Cao là hầu hết đều ký tên kèm năm vẽ. Tuy nhiên, có sự biến chuyển trong các chữ ký hội họa của ông. Năm 1945, Văn Cao ký chữ “Văn 1945”. Đến năm 1946 ông lại ký chữ “Cao 1946” rồi “Văn Cao 1946”. Từ thập niên 1950 trở đi, ông ký ổn định chữ “Văn” kèm năm sáng tác. Nhờ chữ ký hội họa này mà mọi người đều gọi ông là Văn.

Đến nay chưa có một nghiên cứu đầy đủ và nghiêm túc về những minh họa của nhạc sĩ Văn Cao trên báo giấy nhưng với số lượng hàng trăm bức minh họa trong gần nửa thế kỷ đã đủ đưa Văn Cao trở thành một trong những họa sĩ vẽ minh họa hàng đầu của Việt Nam.

Văn Cao năm 1992 (Ảnh: Nguyễn Đình Toán).
Văn Cao năm 1992 (Ảnh: Nguyễn Đình Toán).

Đã nhiều năm qua, kể từ khi người nghệ sĩ tài hoa này bước qua thế giới thực để vĩnh viễn thuộc về lịch sử, nhưng giai điệu, hồn thơ, nét cọ của ông sống mãi với thời gian. Vì thế, những người yêu mến Văn Cao luôn thấy ông hiện hữu trong đời sống sinh hoạt và đời sống văn nghệ hàng ngày.

Để thay lời kết của bài viết, chúng ta cùng chiêm ngưỡng một số minh họa tiêu biểu trên bìa các ấn phẩm báo để thấy được biểu cảm mỹ thuật độc đáo của người nhạc sĩ-thi sĩ và họa sĩ tài hoa Văn Cao.

Tài liệu tham khảo:

1- Phạm Duy. Hồi ký Phạm Duy. Văn bút Việt Nam tại Đức xuất bản.

2- Nhiều tác giả, 1998. Nửa thế kỷ báo Văn nghệ 1948-1958, Hà Nội: NXB Hội Nhà văn.

3- Nguyễn Thụy Kha. 2001. Người đi dọc biển. Hà Nội: NXB Kim Đồng.

4- Lữ Huy Nguyên. 1998. Văn Cao cuộc đời và tác phẩm. Hà Nội: NXB Văn học.

5- Tạp chí Văn học (Sài Gòn) số 114 ngày 01-11-1970, chủ đề: Văn Cao nghệ sĩ đa tài.

6- Băng ghi hình phỏng vấn nhạc sĩ Văn Cao và bà Nghiêm Thúy Băng “đôi điều tâm sự của nhạc sĩ Văn Cao năm 70 tuổi” do nhà nghiên cứu Nguyễn Nhã và nhà sử học Trần Quốc Vượng thực hiện năm 1993.

7- Tài liệu trong bộ sưu tập Tạp chí Văn nghệ (1948-1954); tuần báo Văn nghệ (1954-1957); tuần báo Văn (1957); tuần báo Văn học (1958-1963); tuần báo Văn nghệ (1963-nay)

Tạ Thu Phong

Tranh truyện “Những người bạn” do họa sỹ Việt minh họa được in ở Nhật

Tranh truyện “Những người bạn” do họa sỹ Việt minh họa được in ở Nhật

Cuốn tranh truyện “Những người bạn” do Đốm Đốm, nữ họa sỹ 9X Việt Nam minh họa vừa được xuất bản tại Nhật.