“Tấn thảm kịch thực sự của Nguyễn Trãi là tấn thảm kịch của bậc vĩ nhân sống trong một xã hội quá ư bé nhỏ.” – Yveline Féray
Gần 600 năm trước, khi cuộc chiến chống ngoại bang kết thúc, cũng là lúc cuộc chiến phe cánh trong nội bộ triều đình nhà Lê bắt đầu. Trong cơn khủng hoảng đó, Nguyễn Trãi trở thành nạn nhân hứng chịu tấn thảm kịch oan khiên nhất, dã man nhất lịch sử nước Việt, mang tên Thảm kịch vĩ nhân.
Với ngòi bút sắc bén của mình, nhà văn Hoàng Minh Tường – một trong những tên tuổi của văn học hiện đại Việt Nam đã xé toang bức màn đen tối che phủ góc khuất trên từng bước thăng trầm của lịch sử triều Lê sơ.
Nguyễn Trãi (hiệu Ức Trai) là một nhà văn hóa, nhà chính trị, nhà quân sự lỗi lạc trong lịch sử Việt Nam. Ông là vị quân sư kiệt xuất đã phò tá đức Lê Lợi quét sạch quân Minh ra khỏi bờ cõi nước Việt xưa kia. Khởi nghĩa Lam Sơn thành công, Nguyễn Trãi trở thành công thần khai quốc của triều đại Lê sơ, được phong làm quan Hành khiển và Thừa chỉ.
Nhưng cũng bởi những thăng trầm chốn quan trường, đấu đá nơi hậu cung, Nguyễn Trãi cùng vợ là Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ đã phải hứng chịu thảm án oan khuất mưu sát vua. Thảm án này thường được biết tới với tên gọi thảm án Lệ Chi Viên. Với cái án tru di tam tộc đối với quan Hành khiển Nguyễn Trãi và Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ, thảm án xưa kia vốn là một ẩn số chưa có lời giải. Xung quanh nó đã có biết bao giai thoại được thêu dệt và truyền tụng tới tận ngày nay.
Lấy cảm hứng từ một trong những vụ án oan khuất nhất thời Lê sơ nói riêng và lịch sử Việt Nam nói chung, nhà văn Hoàng Minh Tường đã viết nên Thảm kịch vĩ nhân. Toàn bộ câu chuyện được kể lại xảy ra vỏn vẹn trong 27 ngày, từ ngày sinh Hoàng tử Lê Tư Thành (vua Lê Thánh Tông sau này), đến ngày Ức Trai Nguyễn Trãi và Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ cùng ba họ lên đoạn đầu đài. Vén bỏ bức màn hắc ám chốn thâm cung, nhà văn Hoàng Minh Tường dẫn dụ người đọc lần theo những tình tiết ly kỳ, bóc tách những dấu vết mờ nhòe của lịch sử nhằm phơi bày màn kịch tội ác đã được dựng lên để sát hại một bậc vĩ nhân.
Thảm kịch vĩ nhân không chỉ là câu chuyện của một cá nhân Nguyễn Trãi, đó còn là câu chuyện về người trí thức trong mối quan hệ với quyền lực, với dân tộc, với lẽ phải và lý tưởng mà họ theo đuổi. Tư cách người trí thức trước giông bão thời đại, xét cho cùng, cũng chính là phần “cốt” của bậc vĩ nhân.
Hoàng Minh Tường là nhà văn hiện đại Việt Nam. Ông sinh năm 1948, quê gốc xã Phương Tú, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội).
Hoàng Minh Tường là nhà văn tên tuổi trong và ngoài nước với lượng tác phẩm phong phú, bao gồm các sáng tác từng gây tiếng vang lớn trong xã hội như Thời của thánh thần, Thủy hỏa đạo tặc…
10 nhà khoa học nữ thiên tài trong lịch sử nhân loại
Có những người phụ nữ xuất sắc đã đóng góp những thành tựu to lớn trong nhiều lĩnh vực khoa học, từ hóa học cho đến vật lý, phóng xạ...