"Hỗn độn và khu vườn": Bức chân dung bằng thơ của Nguyễn Vĩnh Tiến

Thơ Nguyễn Vĩnh Tiến rất đặc biệt và đa dạng, một giọng thơ hiện đại, từng trải, vượt ra ngoài ranh giới của thể loại, vần điệu

Tác giả Nguyễn Vĩnh Tiến đã rất thành công với vai trò là một kiến trúc sư, anh cũng đã làm nên tên tuổi ở lĩnh vực âm nhạc với bài hát “Bà tôi” từng gây sốt năm nào. Con người nhà thơ của Nguyễn Vĩnh Tiến là ít nổi tiếng hơn cả, với tập thơ gần nhất đã in từ 2001. Nhưng thơ của anh rất đặc biệt và đa dạng, một giọng thơ hiện đại, từng trải, vượt ra ngoài ranh giới của thể loại, vần điệu để khám phá khả năng của ngôn từ.

Bức chân dung nội tâm bằng thơ

Nguyễn Vĩnh Tiến tự mô tả mình:

“Chàng

Mơ màng chính sự

Kẻ vẽ làm thơ

Nhiều lúc lơ mơ

Thì viết nhạc”

Nghĩa là có ba vai trò, kiến trúc sư, nhà thơ, và nhạc sĩ trong một Nguyễn Vĩnh Tiến. Dù kiến trúc sư là nghề nghiệp chính, anh nổi tiếng hơn với tư cách một nhạc sĩ. Sau bài hát “Bà tôi” gây sốt chưa từng có, Nguyễn Vĩnh Tiến giờ đây đã có một gia tài ca khúc, đồng thời là người sản xuất album cho nhiều ca sĩ. Con người nhà thơ của anh ít nổi tiếng hơn cả, bởi bây giờ đã ít người đọc thơ hơn, tập thơ gần nhất và duy nhất của anh đã in từ năm 2001. Làm thơ với anh vì vậy giống như là một cuộc chơi cá nhân khinh khoái. Nhưng thơ của Nguyễn Vĩnh Tiến rất đáng kể.

Tập thơ Hỗn độn và khu vườn vừa mới xuất bản trong mùa hè này dày 268 trang, được chia làm 5 chương: Hoa lạ - Hỗn độn và khu vườn – Trầm cảm đô thị - Chàng thơ – Hoa nở không tên, mang đến một hình dung về những chặng đường đời, những chặng đường thơ của tác giả. Thuở ban đầu là nỗi háo hức mê say khám phá những khả năng của chữ, thời trưởng thành là hình ảnh con người suy tư buồn bã với câu hỏi tôi là gì, và ở phần cuối là mảnh tâm tư đã nhiều phần tìm được chốn bình yên. Nhưng những bài thơ được chọn để đưa vào tập sách dày dặn này chỉ là một phần trong vườn thơ sum suê của Nguyễn Vĩnh Tiến, vì thế rất khó để nói ráo riết tận cùng về thơ anh.

Một cá tính thơ độc đáo trong “Hỗn độn và khu vườn”

Nguyễn Vĩnh Tiến là một nhà thơ hết sức đa dạng. Nếu đọc từ đầu đến cuối tập thơ, ta sẽ thấy được một giọng thơ riêng, trôi chảy, ý thơ tuột ra như không, bất chấp các ranh giới của thể loại, vần điệu, của cũ và mới, của truyền thống và thể nghiệm. Nguyễn Vĩnh Tiến chu du qua các miền không gian từ nông thôn tới thành thị, từ cõi tâm linh huyền bí tới hiện thực phô bày, từ trầm tích quá khứ tới nỗi chán chường hiện tại. Chính vì thế đọc thơ anh người đọc hay gặp bất ngờ, từ những câu lục bát thả ngang trong một bài thơ văn xuôi, hay những câu kết bài thơ chốt hạ độc đáo, hay những liên tưởng thú vị của một tâm hồn giàu có. Nguyễn Vĩnh Tiến như một chàng thơ đang đi băng băng trên một nẻo thơ riêng có, đôi khi dừng lại, tạt ngang, hoặc phóng vụt lên trước, khiến cho cuộc du ngoạn của người trong vườn thơ của anh có đầy sự kỳ thú.

Tác giả Nguyễn Vĩnh Tiến
Tác giả Nguyễn Vĩnh Tiến

Có hai nhân cách hiển hiện trong thơ Nguyễn Vĩnh Tiến, con người của nhà quê và con người của lang bạt. Con người nhà quê nhớ thương nguồn cội “Bố tôi Hoài Đức mẹ tôi Cẩm Khê”, nhớ nơi cắt rốn chôn rau của mình, vùng trung du Phú Thọ: “Tôi chỉ nên là/ Cậu bé trung du buồn/ Cặm cụi lớn/Để trôi về nguồn cơn...” Con người nhà quê trìu mến với ông bà, đám giỗ, với bờ ao, mảnh vườn, tường gạch, cọng rơm…, và xót xa nghèn nghẹn với những phôi pha không thể nào chống đỡ. Trong khi đó con người lang bạt, lang bạt nơi thị thành hay lang bạt trong cõi riêng, hiện ra mơ mộng hơn, suy tư hơn, chán chường hơn, lại có chút bông phèng bất cần đời.

“Tôi lao như mũi tên mê theo quả bàng chín ẩn hiện trong lá tim

Tuổi tôi bao giờ cắn ngập những làn hương?

Phố xá im lặng chồn chân

Cánh cửa màu trắng phía ngày xa rộng toác

Vẫn ít người trở về

Tôi quen trò trốn tìm sắc ngày nhạt

Khi chán lại tìm trùng điệp những ngọn đồi chơi trò cánh cung mây”

Đến cuối, tập thơ khép lại với những vần điệu tinh khôi, những triết lý về lẽ sống ở đời, của một con người đầy từng trải. Nhưng đừng tin mọi sự sẽ dừng ở đấy, vì Nguyễn Vĩnh Tiến là một chàng thơ.

Một số bài thơ trích từ tập thơ “Hỗn độn và khu vườn”

Đã lâu không về thăm tháng Bảy

Đã lâu không về thăm tháng Bảy

Thăm ngọn Thở dài ngang núi Âu lo

Sen lặng lẽ tàn

Người ló tiếng bi bô...

Đã lâu không về thôn Nội tâm

Mải lướt theo những thành quách ảo

Thôn Nội trời mưa ướt áo

Giọt mồ hôi tháng Sáu mặn và chua ...

Đã lâu không nghe tiếng chuông Chùa

Mẹ có thường thắp hương và cầu khấn

Cầu cho son phấn

Rơi khỏi mặt người nhìn nhau

Cầu cho hoa cau

Vấn vít hồn chim mía...

Đã lâu không về thăm tháng Bảy

Tờ lịch âm

Vừa rụng

Nét cô hồn...

Tháng âm, cam chín, bưởi tròn

Chân về ngõ nhỏ tóc còn lưu hương...

7-2017

Tham vọng tạnh

Thực ra, tham vọng của tôi tạnh rồi

Nó là cơn mưa rào xối xả của nhiều thập niên trước

Bây giờ tôi lững thững trôi

Giữa gợn sóng nhỏ, giữa trời heo may

Tôi ngồi nghe gió gọi bầy

Xem mầm cây mới hây hây gọi mùa

Chẳng cần nghe tiếng chuông chùa

Cũng rêu xanh những thứ vừa xanh rêu...

3-10-2018

Cộng trừ nhân chia

Phép cộng thì sướng

Phép trừ thì đau

Phép nhân thì của phép màu

Phép chia thì của chuyến tàu rời ga

Đời là cõi tạm thôi mà

Uống canh Mạnh Bà thì hết cửu chương

Buồn buồn nhớ nhớ thương thương

Cả ba cộng lại bằng buông tay thiền

Tỉnh tỉnh cộng với điên điên

Bằng anh hùng mất thuyền quyên rã rời

Thôi ngồi chăm ngọn mùng tơi

Nấu canh giải độc, giữ lời sầu riêng...

Sài Gòn, chính Ngọ ngày 22-2-2019

Cái đẹp

Chúa trời hỏi viên kim cương:

- Mày là gì mà kiêu căng quá vậy?

Kim cương trả lời: Vì tôi siêu cứng

- Thế mày không biết sức mạnh của dòng nước mềm mại à?

Kim cương trả lời: Nhưng tôi lấp lánh

- Thế mày ko biết sức mạnh của vật chất tối à

Kim cương trả lời: Tôi còn đắt giá nữa?

- Thế mày không biết kinh tế duy tâm và tiền ảo là gì à?

Kim cương khóc òa: Thế ngài không thương cái đẹp?

Thượng đế bỏ đi, vì theo lẽ công bằng, con bò và cỏ dại cũng đẹp.

22-1-2023

VỀ TÁC GIẢ

Tác giả Nguyễn Vĩnh Tiến là một nhạc sĩ, kiến trúc sư và nhà thơ. Ở lĩnh vực kiến trúc, anh Nguyễn Vĩnh Tiến nguyên là trưởng khoa Kiến trúc Đại học Chu Văn An, và hiện vẫn đang tham gia các hoạt động về Kiến trúc và Quy hoạch đô thị với đề tài liên quan đến đô thị đa cực và mô hình thành phố trong tương lai.

Ở lĩnh vực âm nhạc, anh đã làm nên tên tuổi từ rất sớm với giải Quán quân Bài hát Việt 2005 với ca khúc "Bà tôi" nổi tiếng. Là một nhà thơ, anh đã xuất bản nhiều tập thơ, đạt nhiều giải thưởng về thơ và truyện ngắn. Anh sáng lập nhóm thơ "Hoa lạ" năm 1992, chủ trương đổi mới thơ, đi sâu vào những "những phi lý" giao thoa các sự vật, hiện tượng trong đời sống.

Thơ của Nguyễn Vĩnh Tiến độc đáo vượt ra ngoài giới hạn của thể loại, vần điệu, vừa giàu tính nhạc vừa suy tư, sâu lắng.

PV