Nguyễn Đông – Hoàng Trang: Một giấc mộng có thật trong bờ cõi nhỏ nhắn

Đông cầm đàn lướt qua vài hợp âm, và Trang cứ thế cất tiếng hát trong trẻo, những thanh âm vừa xa vừa gần mà tôi cảm thấy như bước ra từ không gian mà nhạc sỹ Trịnh Công Sơn đã từng nói đến: “Đừng mơ ước gì xa xôi bởi vì giấc mộng của chúng ta là có thật, hoặc có thật trong bờ cõi nhỏ nhắn nhưng đôn hậu và tình tứ này”.

Âm thầm nghe và theo dõi âm nhạc của Hoàng Trang, Nguyễn Đông từ hai năm trước, thời điểm video Ta thấy gì đêm nay được chia sẻ chóng mặt trên mạng xã hội, nhưng tôi đã đắn đo rất nhiều khi quyết định liên lạc với hai người bạn ấy để trò chuyện. Cảm thấy ở Đông và Trang có điều gì không hợp với showbiz, không phù hợp với những xô bồ và phức tạp của thị trường giải trí truyền thông. Và tôi e ngại những sự vô ý sẽ phá vỡ mất cái không khí và tốc độ sống chầm chậm, thảnh thơi đó của hai người.

Thế rồi với một chút duyên, chúng tôi đã có một cuộc trò chuyện nho nhỏ. Hai bạn nói nhiều về nhạc Trịnh, về tình yêu của mình dành cho âm nhạc Trịnh Công Sơn, dành cho cái gọi là “Tự do”, dành cho một cuộc đời được vui vẻ cất tiếng ca, và dành cho nhau. Trong suốt cả buổi nói chuyện, không có lần nào hai bạn nhận mình là nghệ sỹ, hay gọi mọi người là khán giả, mà chỉ nói đến “các cô chú anh chị”, và gọi những việc mình đang làm là “đi hát”, vậy thôi.

Giữa buổi nói chuyện, khi nhắc đến một bài hát, Đông cầm đàn lướt qua vài hợp âm, và Trang cứ thế cất tiếng hát trong trẻo, những thanh âm vừa xa vừa gần mà tôi cảm thấy như bước ra từ không gian mà nhạc sỹ Trịnh Công Sơn đã từng nói đến: “Đừng mơ ước gì xa xôi bởi vì giấc mộng của chúng ta là có thật, hoặc có thật trong bờ cõi nhỏ nhắn nhưng đôn hậu và tình tứ này”.

Nguyễn Đông và Hoàng Trang
Nguyễn Đông và Hoàng Trang

Thấy nhạc Trịnh hay rồi bập bẹ hát theo

PV: Nhiều người nói rằng, phải hiểu hết Trịnh, với sự trải đời và thấm cái chất triết lý của Trịnh mới có thể hát nhạc Trịnh ra “chất” được. Nhưng Trang lại nghe và hát nhạc Trịnh từ rất nhỏ, một cách gần như là bản năng. Bạn tìm thấy điều gì ở nhạc Trịnh, nhất là những bài Da vàng, để có thể hát được như vậy?

Trang: Có thể do những bài nhạc Trịnh đầu tiên em nghe trong đời là những bài Da vàng, hồi đó cũng có nhiều cô chú anh chị nói, sao con nhỏ vậy mà hiểu được nhạc Da vàng, mà lại thấm được. Nhưng mà Trang lại nghĩ rằng nhạc Da Vàng dễ thấm chứ, vì ở đó có nhiều hình ảnh mà nhạc sỹ vẽ nên bằng âm nhạc và ca từ rất đẹp, có tính tượng hình rất cao, mà hát lên vài câu là mình đã hiểu và tưởng tượng ra được rồi.

Em nhớ hồi nhỏ thì khi ba mẹ bật nhạc Trịnh Công Sơn, em chỉ thấy giai điệu dễ nghe và bắt tai, rồi em bập bẹ bắt chước theo, chứ cũng không có hiểu nhiều. Mãi đến sau này khi lớn hơn, có sự hiểu biết hơn, mới cảm thấy ca từ trong nhạc Trịnh Công Sơn là đắt giá, là quý. Khi đó em cũng không có biết nhiều về con người hay cuộc đời của bác Sơn đâu, em chỉ biết một số sự kiện quan trọng để hiểu thêm về hoàn cảnh sáng tác, ý nghĩa ca từ, những câu ẩn dụ của bác thôi. Mà nhiều khi cũng có khi gặp những câu khó quá không hiểu nổi, thì em hát theo cách cảm nhận và cách hiểu của mình.

Sau này khi em với anh Đông tập tành sáng tác, thì em mới thấy rằng những ca từ đó đặt trong những giai điệu đó nó thực sự là sự tinh tế, để những ca từ đó kết hợp với giai điệu, và với những ca từ tiếp nối sau đó thì thực sự phải gọi là kinh điển.

Đông: Như bạn nói, nhạc Trịnh đòi hỏi sự từng trải, hoặc chiêm nghiệm, cái đó đúng, nhưng chỉ đúng một phần, đúng với những tác phẩm mà bác viết riêng về cuộc đời mình thôi, nó là cái hữu hạn, cái cố định. Nhưng bên cạnh đó những tác phẩm bác Trịnh viết cho tất cả mọi người, nó vô hạn, đó là câu chuyện của tất cả mọi, để ai nghe cũng có thể hiểu và đồng cảm được, có thể thấy mình trong đó. Cái hay của nhạc Trịnh Công Sơn là ở chỗ đó.

 Nguyễn Đông và Hoàng Trang trên chiếc xe máy mà hai bạn vẫn dùng để lang thang những ngày du ca...
 Nguyễn Đông và Hoàng Trang trên chiếc xe máy mà hai bạn vẫn dùng để lang thang những ngày du ca...

PV: Có bài hát nào của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn mà Trang cảm thấy quá khó, mà không thể hát nổi không?

Trang: Dạ có nhiều đó ạ, đơn cử là một bài mà nhiều năm nay em vẫn thấy khó là bài Vàng phai trước ngõ, mà ca từ trong đó thực sự hơi khó hiểu với em, mặc dù nghe đơn giản gần gũi nhưng lại rất nhiều ẩn dụ, mà em cảm thấy mình chưa đủ trải nghiệm để mường tượng được ra nó.

Đông: Trong âm nhạc của Trịnh Công Sơn có những bài hát đòi hỏi phải có kiến thức về hội họa, thi ca nhiều lắm, mà không phải ai cũng cảm hết được. Nhiều khi tìm thông tin trên mạng hay từ những người quen biết thì mỗi người kể một kiểu. Khi đó tụi mình đành phải tự cảm nhận theo cách của riêng mình, và kể câu chuyện của mình. Nhạc của bác Sơn có cái hay nữa là bác dành cho người nghe không gian suy tưởng để họ tự kể câu chuyện của mình.

Trang: PV: Có câu nào mà bạn thích nhất không?

Trang: Dạ nhiều lắm, có câu em thích nhất là hồi đó em nghe cái bài Nghe những tàn phai, trong bài hát có đoạn là  “Chiều nay em ra phố về, thấy đời mình là những quán không. Bàn im hơi bên ghế ngồi…”, mà thực sự lúc đó nó gợi ra cái cảm giác trống rỗng, cô đơn vô cùng, mà lúc đó em cũng đang cô đơn nữa, và em thấy được đồng cảm vô cùng. Sau này thì có thêm nhiều bài hát nữa, hay là gần đây em và anh Đông có tìm thấy một ca khúc là Bay đi thầm lặng, có rất nhiều câu mà tụi em thực sự cảm thấy kính phục bác.

Đông: Bay đi thầm lặng là một bài từ rất lâu rồi, có rất ít người hát. Ca khúc là một câu chuyện buồn, mà có lẽ là về chính cuộc đời nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, ví dụ như có câu là “Có nắng vàng nghèo, trên lối đi xa, có tối thật đều, trong linh hồn nhỏ, có mắt thật chiều, dưới trán ngây thơ…” ca từ rất tượng hình, gần gũi với nhiều tầng lớp người dân . Hay là một câu nữa Đông cũng rất tâm đắc, đó là câu “Có chén rượu chờ, trong quán đêm đêm, có những bạn bè, xanh như người bệnh, có tiếng cười và tiếng khóc mênh mông…”, một nỗi cô đơn rất sâu, nghe mà Đông cũng lặng người.

Nhắc đến Bay Đi Thầm Lặng, Đông liền dạo vài hợp âm, Trang cất tiếng hát trong trẻo ngẫu hứng...

“Có giai đoạn nhiều người định hướng quá khiến hai đứa bị mệt”

PV: Sau “Ta thấy gì đêm nay”, cuộc sống hai bạn có bị thay đổi nhiều không?

Hoàng Trang: Dạ khi mà được nhiều người biết đến thì tụi em cũng khá là vui. Nhưng sau đó thì nhiều khi cũng bị “đuối”, vì không quen. Vì em với anh Đông thực sự chỉ muốn hát những bài hát những bài mình thích, hay những chương trình mình được là chính mình. Với tụi em một chương trình thành công là khi mình hát xong mình lại muốn đi hát tiếp, là mình có những cảm xúc mới để tiếp tục ca hát. Còn nhiều khi cũng có những chương trình cũng lớn, có sức ảnh hưởng, nhưng mà khi mình tham gia xong thì em mất một thời gian dài để phục hồi cảm xúc. Xong nhiều khi đuối quá lại ngồi nghĩ: “Không lẽ bây giờ lại nghỉ hát?” (cười)

Nguyễn Đông: Đúng là mọi người biết đến mình nhiều hơn thì Đông và Trang nhận được nhiều lời mời hơn, thu nhập cũng cao hơn trước nhiều. Nhưng mà trước nay cả hai đứa có một tiêu chí là không đặt nặng vấn đề thu nhập hay thù lao, mà sẽ ưu tiên những chương trình có thể ít tiền hơn nhưng mình thấy vui, hoặc đi hát ở đó mình có thể kết hợp đi chơi, đi thăm thú tìm hiểu nơi này nơi kia, kết giao bạn bè. Mà mình biết có nhiều chương trình chắc cũng có giận hai đứa, vì mình từ chối họ. Căn bản nhiều khi do mình thấy mình không hợp với chương trình đó, khả năng của mình cũng không đủ để đáp ứng, hoặc không hợp với tính cách hai đứa thì mình cũng sẽ từ chối. Rồi cũng có một giai đoạn có nhiều người định hướng quá, khi đó thì mình không tự chủ được, khiến hai đứa bị mệt. Một thời gian sau này Đông và Trang cảm thấy là thực sự phải tiết chế lại. Còn về thu nhập thì cũng thất thường lắm, vì hai đứa cũng không đặt nặng vấn đề thu nhập nên có mùa nhận show để đi chơi, thư giãn là chính.

PV: Con đường du ca với hai bạn có vất vả không?

Đông: Việc ca hát với cả Đông và Trang chỉ là được đến bất kì nơi nào mà mình có thể hát mà không phải lo gì hết, mình thích hát tặng cho mọi người, như vậy thì không có vất vả chút nào. Nhiều khi không có câu nệ, không chuẩn bị trước, chỉ đến đó mình gặp khán giả yêu âm nhạc, một khung cảnh đẹp, mình thấy hợp thì mình hát.

Đông và Trang chọn con đường du ca, để có thể mang tiếng hát đến bất kì đâu, cho tất cả mọi người
Đông và Trang chọn con đường du ca, để có thể mang tiếng hát đến bất kì đâu, cho tất cả mọi người

 PV: Đó có phải chính là cái tinh thần “tự do” trong âm nhạc mà hai bạn vẫn nhắc đến?

Đông: Đúng rồi đó bạn. Có những lúc mình giật mình mình nhìn lại thấy sao lúc trước mình chưa có gì sao mình thấy vui hơn, mình hát với tâm thế thoải mái lắm, gần đây chương trình rất nhiều, thù lao rất cao, nhiều thứ được thuận lợi, nhưng nhiều khi thấy cái niềm vui khi hát nó không còn nữa. Mình cũng bị giật mình thấy hình như mình chọn cách này mình đang đi có vẻ lạc hướng rồi, khi đó mới bảo mình phải chậm lại, hát ít lại, vừa dành tgian mình suy nghĩ thêm về cách hát, trau dồi, tái tạo năng lượng và dành thời gian cho nhau nữa. Nói chung hạn chế hát theo đơn đặt hàng. Đó cũng là con đường mà hai đứa theo đuổi.  

Còn về khái niệm “tự do” trong âm nhạc, thì đúng là mình chỉ muốn được thảnh thơi hát những ca khúc mình thích, hoặc đưa những ca khúc ít người hát quảng bá cho mọi người, đó cũng là lý tưởng của cả hai đứa. Nhưng gần đây thì cũng nhiều vấn đề tác quyền, bản quyền, rồi cấp phép các thứ nên mọi thứ cũng có nhiều hạn chế hơn. Nhưng các tinh thần đó của tụi mình thì sẽ không thay đổi.

Ca khúc cứ được hát lên là được sống

PV: Gần đây nhiều người trẻ đang làm mới lại nhạc Trịnh, như Mỹ Anh, Hà Lê, Kiên… hai bạn có suy nghĩ thế nào về điều này?

Trang: Đầu tiên là em phải nói rằng khi thấy những người trẻ, như tụi em và trẻ hơn nữa mà hát nhạc Trịnh là tụi em đã vui rồi. Tại vì âm nhạc của Trịnh Công Sơn nói chung và nhạc xưa nói riêng là những kho tàng quý giá, nên nếu chỉ còn được lưu truyền trong những cô chú trong thế hệ trước, mà không có người trẻ nào hát nữa thì chắc là qua thời gian nữa thì chắc là không còn ai nhớ đến. Đó là điều rất buồn. Còn việc thể hiện thì mỗi người sẽ có cách cảm nhận, cách hát, cách thể hiện khác nhau, sẽ phù hợp riêng với một số người nghe nhất định.

Đông: Mình nghĩ rằng khi các nghệ sỹ thể hiện ca khúc cũ theo lối mới, có thể không phù hợp với người này nhưng phù hợp với người kia. Đông và Trang đều cho rằng cứ ca khúc đó được hát lên là được sống rồi, đừng có đi sai lệch quá với tinh thần bài hát thôi, còn có thể sai 1 đoạn thì họ sẽ điều chỉnh lại, nếu được yêu mến thì họ sẽ phát triển lên. Bản thân Đông trước đây, tầm 10 năm trước Đông không thể nghe được nhạc Trịnh, chỉ thích mấy bài nhạc sôi động, có giai điệu có tiết tấu. Cứ nghe Trịnh chỉ nghe 1, 2 bài thôi là Đông bỏ qua, có thể vì mấy cách trình bày theo kiểu cũ, thấy không phù hợp với tâm trạng hay con người mình lúc đó. Rồi cho đến khi lần đầu tiên Đông nghe được nhạc Trịnh, là Đông nghe Trang hát, mà lúc đó Đông cũng không biết bài đó là của Trịnh Công Sơn. Lối hát của Trang có gì gần gũi, trong trẻo, Đông nghe thấy hay lắm. Mỗi giai đoạn mình sẽ có cách cảm nhận về âm nhạc khác nhau. Nên là mình nghĩ đừng khắt khe với những người trẻ hoặc những người đang làm mới nhạc xưa, vì đó cũng là cái hướng để họ quảng bá những ca khúc xưa tiếp cận thêm với nhiều người khác.

Đông và Trang đều cho rằng cứ ca khúc đó được hát lên là được
Đông và Trang đều cho rằng cứ ca khúc đó được hát lên là được "sống" rồi, nên đừng quá khắt khe với những người trẻ đang muốn làm mới nhạc Trịnh

PV: Vậy là nhờ nhạc sỹ Trịnh Công Sơn hai bạn mới quen nhau?

Đông: À đúng rồi, là nhờ bác Trịnh Công Sơn làm mai đó (cười). Nói đùa vậy thôi. Nhưng quả thực là nhạc Trịnh có ý nghĩa rất lớn trong tình yêu của Đông và Trang. Trong cái giai đoạn mà mình buồn bã, không có định hướng, bế tắc nhiều thứ, thì có một hôm đi ra phố, tình cờ nghe một bài hát của Trang, mà khi đó mới có 12 tuổi, hát với tâm thế hồn nhiên lắm. Mà thực sự lúc đó Trang cũng không hiểu mình đang hát gì đâu. Nên mình mới giật mình thấy rằng, à có một cách hát nó trong trẻo và hồn nhiên đến vậy, nhạc Trịnh cũng có thể được hát lên một cách đơn sơ dễ chịu như vậy. Và mình yêu tiếng hát đó, rồi yêu người hát, và yêu nhạc Trịnh luôn.

PV: Có bao giờ bạn nghĩ đến một ngày bạn không đi hát nữa không, hoặc sẽ làm một cái gì đó khác?

Trang: Dạ có, cũng có chuyện là nghĩ sau này không đi hát nữa thì làm gì, nhưng em và anh Đông nghĩ chắc điều đó cũng khó xảy ra, hoặc có thể là hai đứa đi hát ít lại mà tập trung sáng tác, tại tụi em cũng đang ấp ủ một số ca khúc riêng của mình để sau này mình đi hát tự do, mình được hát bài của mình, mình được kể những câu chuyện của mình một cách thoải mái.

Đông: Thực ra không hẳn là không hát nữa, mà nhiều khi mình muốn chậm lại, có sự nghỉ ngơi một chút. Vì Đông với Trang thực sự không hát nhiều được, cứ hát liên tục trong một thời gian ngắn sẽ không thể hát được nữa. Như Trang nói có một giai đoạn Trang thấy mệt mỏi, khi mà mình đi hát mà không được hát theo ý mình, hoặc nhiều khi nhận lời tham gia vì cả nể mà mình tới, hát xong cũng không thấy vui. Thì sau đó đúng là mình cảm thấy mình kiếm được nhiều tiền hơn, nhưng mà sẽ mất đi những cảm xúc khác, không phục hồi được. Cho nên 2 đứa cũng nghĩ đến phải nghĩ đến việc hạn chế lại, cùng với đó thì cần thời gian để trau đổi thêm bài vở, rồi phải đi nhiều nơi tích lũy thêm nhiều chất liệu, tư liệu, và cũng phải dành thời gian cho nhau nữa.

"Nhạc Trịnh có ý nghĩa rất lớn trong tình yêu của Đông và Trang"

PV: 2 bạn đã nghĩ đến một điều gì đó lớn hơn chưa? Một liveshow hay 1 album chẳng hạn?

Trang: Cái đó là 2 đứa nghĩ nhiều đó chứ (cười), thực ra dự án làm liveshow hay album là từ 2020 rồi, lúc đó có 1 số đơn vị đã đề nghị làm show cho tụi em rồi, sau đó gặp dịch covid nên hoãn lại cho tới giờ. Nhưng thực ra em nghĩ hoãn lại cũng là may mắn cho mình, mình có thời gian hơn để chuẩn bị kĩ hơn, cũng để em trau dồi hơn về việc hát. Như giờ em nhìn lại em năm của 2020 thôi, nhiều khi thấy tiếc sao lúc đó mình không làm tốt hơn, và cảm thấy muốn mọi thứ chậm lại, để cho mình nhìn lại được khả năng của mình, để mình làm tốt hơn. Cho nên bọn em cũng đang đi chậm lại để có những sự chuẩn bị vững chắc hơn cho những dự định tương lai.

Lan Anh (thực hiện)

Vì sao phim 'Em và Trịnh' liên tục gây tranh cãi về hình tượng cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn?

Vì sao phim "Em và Trịnh" liên tục gây tranh cãi về hình tượng cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn?

Với người dân Việt Nam, Trịnh Công Sơn là một tượng đài quá lớn, một huyền thoại âm nhạc.