Nhìn lại dấu ấn của những cô gái Vàng thể thao Việt Nam

Nhìn vào thành tích tại những giải đấu thể thao quốc tế, chính các "bóng hồng" mới là những người để lại dấu ấn đậm nét nhất.

Năm 2023 được xem là một năm bận rộn với thể thao nước nhà, khi hàng loạt các sự kiện thể thao quốc tế lớn nhỏ được tổ chức nối tiếp. Và nếu nhìn vào thành tích của các vận động viên ở những giải đấu này, chính các “bóng hồng” mới là những người đã để lại dấu ấn đậm nét nhất.

Rạng ngời sân chơi World Cup

Đầu tháng 8, Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam đã khép lại hành trình lịch sử tại World Cup 2023. Chiến tích lọt tới vòng chung kết Cúp thế giới cùng kỷ lục bốn năm liền giành HCV SEA Games không chỉ khơi dậy lòng tự hào dân tộc, mà còn truyền đi thông điệp đầy cảm hứng về nghị lực phi thường, ý chí quyết tâm chinh phục vinh quang. Dù phải đối diện vô vàn khó khăn, Ban huấn luyện và các cầu thủ nữ luôn giữ vững tinh thần đoàn kết, cố gắng động viên cùng nhau vượt qua thử thách.

Ảnh: Hồng Linh Đồng.
Ảnh: Hồng Linh Đồng.

Đó là nỗ lực chạy đua với thời gian tại vòng chung kết Asian Cup nữ 2022 ở Ấn Độ. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, có thời điểm, cả đội chỉ còn vỏn vẹn bốn cầu thủ lành lặn sẵn sàng chiến đấu trên sân. Bước tới trận play-off quyết định, các chiến binh Sao Vàng cũng tràn lên thi đấu đầy quyết tâm trước đội nữ Đài Loan (Trung Quốc). Để rồi hai bàn thắng của Chương Thị Kiều và Bích Thùy đã mở toang cánh cửa tiến vào sân chơi World Cup - điều mà các đồng nghiệp nam phải rất lâu nữa cũng chưa chắc đã đủ khả năng làm được.

Lần đầu tham dự đấu trường thế giới, lại nằm trong bảng đấu tử thần, thầy trò HLV Mai Đức Chung đã thể hiện tinh thần chiến đấu tuyệt vời trước những đội bóng sở hữu trình độ và đẳng cấp vượt trội. Cũng bởi lẽ đó, bất cứ nơi nào Đội tuyển nữ xuất hiện, dù là tiết trời đông lạnh tới 9 độ C ở châu Úc, hay dưới nền nhiệt oi nóng ở Thủ đô Hà Nội, luôn luôn có đông đảo người hâm mộ sát cánh cổ vũ. Giai điệu “Việt Nam, Hồ Chí Minh” không chỉ vang lên trên các sân cỏ nước bạn, mà còn được hát một cách đầy tự hào để chào đón các cầu thủ trở về quê nhà.

Ảnh: Hồng Linh Đồng
Ảnh: Hồng Linh Đồng

“Trước khi lên sân bay, nhiều kiều bào người Việt ở New Zealand đã tới khách sạn để tiễn đội. Tới giờ, nhận được sự chào đón ấm áp, nồng hậu từ đông đảo người hâm mộ ở sân bay, chúng tôi rất bất ngờ và xúc động. Xin cảm ơn cổ động viên và người dân đã tiếp đón chúng tôi nồng hậu. Đội tuyển nữ Việt Nam rất cảm động trước tình cảm này”, HLV Mai Đức Chung chia sẻ.

Trải qua ba trận vòng bảng, bên cạnh khoản tiền thưởng 30.000 USD từ Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) dành cho mỗi cầu thủ, thầy trò HLV Mai Đức Chung được Liên đoàn Bóng đá Việt Nam thưởng 1,8 tỷ đồng. Đây là phần thưởng xứng đáng cho nỗ lực không biết mệt mỏi của các cầu thủ nữ trong những năm qua.

Với nguồn tài trợ khiêm tốn, các giải quốc nội và phần lớn các câu lạc bộ địa phương chưa thể tạo ra giá trị thương mại cao, chiến đấu hết mình tại các sự kiện thi đấu quốc tế là cơ hội hiếm hoi để cầu thủ nữ mơ về những phần thưởng giá trị. Với mức thu nhập trung bình hằng tháng khoảng 8 triệu đồng, các cầu thủ nữ phải xoay sở đủ đường để vừa đủ trang trải cuộc sống, vừa có thể theo đuổi đam mê.

Ảnh: Hồng Linh Đồng.
Ảnh: Hồng Linh Đồng.

Huỳnh Như nhiều lần đăng tải hình ảnh quán “Nàng 9 dừa sáp Trà Vinh”. Tiền vệ hai lần giành Quả bóng Vàng Việt Nam - Tuyết Dung từng có khoảng thời gian làm tư vấn xuất khẩu lao động. Không chỉ nổi tiếng về khả năng ghi bàn, tiền đạo Phạm Hải Yến còn được chị em ngưỡng mộ vì giỏi... bán hàng online.

“Cầu thủ nữ Việt Nam khổ quen rồi”. Thầy Chung từng chia sẻ như vậy khi tại kỳ SEA Games 30 trên đất Philippines. Dẫu vậy, hành trình lịch sử tại World Cup 2023 cùng những chiến tích đáng tự hào của đội tuyển nữ trong những năm gần đây được kỳ vọng sẽ trở thành đòn bẩy giúp đời sống của các cầu thủ nữ ngày càng được cải thiện.

Bóng rổ Việt Nam lần đầu giành HCV SEA Games

Trong khu vực Đông Nam Á, bóng rổ là bộ môn thể thao cực kỳ tranh huy chương, bởi trình độ của các đối thủ như Philippines, Thái Lan hay Indonesia đã phát triển tới mức rất cao. Với sự phát triển không ngừng nghỉ của phong trào bóng rổ trong nước, các tay ném nữ Việt Nam tưởng chừng như đã có thể chạm một tay vào tấm HCV nội dung 3x3 khi Đại hội được tổ chức trên sân nhà. Dù chỉ giành được hai HCB, màn trình diễn đầy thuyết phục của các cầu thủ đã tạo nên sức hút mạnh mẽ khiến Nhà thi đấu Thanh Trì luôn đặc kín và thậm chí quá tải người hâm mộ tới cổ vũ.

Ảnh: VBF
Ảnh: VBF

Với kinh nghiệm và quyết tâm chinh phục đỉnh vinh quang, các chiến binh Sao Vàng đã cống hiến những trận đấu đầy máu lửa. Đó là những pha ném xa chuẩn xác của đội trưởng Huỳnh Thị Ngoan, lối chơi lăn xả của  “lính mới” Tiếu Duy và nổi bật nhất phải kể đến những tình huống phối hợp đầy ăn ý của cặp song sinh Trương Thảo My và Trương Thảo Vy.

Dù liên tục rơi vào thế phải bám đuổi tỷ số trước Indonesia, tinh thần đoàn kết một lòng đã giúp các cô gái có màn lội ngược dòng giàu cảm xúc, mở toang cánh cửa tiến vào chung kết. Chưa dừng lại ở đó, chúng ta tiếp tục đánh bại “ông kẹ” của bóng rổ Đông Nam Á - Philippines với tỷ số 21-16, để có lần đầu tiên giành tấm HCV lịch sử.

Ngay sau tình huống lên rổ ấn định chiến thắng, Trương Thảo My vốn mạnh mẽ trước đó giờ cũng không thể đứng vững nổi mà gục đầu ngồi khóc trên sân. Ngay lập tức, đội trưởng Huỳnh Thị Ngoan, Tiểu Duy cùng Thảo Vy đều tiến đến ôm chặt lấy đồng đội. Trước đó ít ngày, bà ngoại của hai chị em họ Trương đã lìa xa cuộc đời. Vì sứ mệnh với Tổ quốc, hai chị em đã quyết tâm gạt đi nước mắt, nỗ lực giành bằng được tấm huy chương vàng để phần nào thực hiện lời hứa trước đó về món quà dành tặng bà.

Khoảnh khắc ăn mừng chiến thắng của các cầu thủ nữ Việt Nam (Ảnh: VBF).
Khoảnh khắc ăn mừng chiến thắng của các cầu thủ nữ Việt Nam (Ảnh: VBF).

Ngay sau SEA Games 32, người hâm mộ nước nhà cũng nóng lòng chờ cơ hội giao lưu chia vui cùng các thành viên nhưng cả My và Vy đều không thể về nước mà phải bắt chuyến bay thẳng về Mỹ từ Campuchia để lo việc gia đình. Hai tháng sau, chị em họ Trương đã thực hiện lời hứa, trở về Việt Nam trong sự chào đón nồng nhiệt của người hâm mộ.

Theo thống kê của Ban tổ chức sự kiện tại Nhà thi đấu CIS (Quận 7, TP Hồ Chí Minh), gần 1.000 khán giả đã đến chung vui cùng cặp chị em ngôi sao bóng rổ nữ. Còn tại Hà Nội, hàng trăm bạn trẻ đã xếp hàng chờ đợi từ sáng sớm, dù buổi fan meeting chính thức diễn ra lúc 17 giờ. Đáp lại sự nhiệt tình ấy, cả My và Vy đã nán lại cổng để bắt tay từng người hâm mộ trước khi ra về.

Kỳ tích trên đường chạy

Nếu như SEA Games 32 được xem như kỳ Đại hội chưa thật sự thành công với điền kinh Việt Nam, đây vẫn là giải đấu chứng kiến sự tỏa sáng vượt bậc của các chân chạy nữ. Một trong số đó không thể không nhắc tới Nguyễn Thị Oanh - vận động viên điền kinh đầu tiên của Việt Nam giành tới bốn HCV tại một kỳ Đại hội. Thậm chí, màn trình diễn phi thường ấy còn gây ấn tượng hơn cả khi hai nội dung thi đấu của Oanh được sắp xếp cách nhau chỉ vài chục phút.

Vận động viên Nguyễn Thị Oanh (Ảnh: Tuấn Quân).
Vận động viên Nguyễn Thị Oanh (Ảnh: Tuấn Quân).

“Giả sử mỗi ngày tôi chạy thi một nội dung, có thể tôi vẫn sẽ giành được bốn HCV. Tuy nhiên, giá trị của bốn tấm huy chương ấy chưa chắc đã lớn và tạo ra cảm xúc mãnh liệt. Sự nghiệt ngã của lịch thi đấu trở thành động lực, buộc tôi phải thể hiện hết khả năng. Và đó cũng là điều quý giá nhất tôi muốn cống hiến khi thi đấu thể thao: Đừng bao giờ đầu hàng khó khăn mà hãy cố gắng vượt qua bằng năng lực của mình”, Nguyễn Thị Oanh chia sẻ trong một cuộc giao lưu cùng người hâm mộ.

Chứng kiến ý chí và nghị lực phi thường của Nguyễn Thị Oanh, nhiều người hâm mộ còn ngạc nhiên hơn khi biết mức lương của cô gái vàng điền kinh Việt Nam chỉ khoảng 7 triệu đồng/tháng. Để trang trải cuộc sống, Oanh và bạn tranh thủ bán quần áo và giày tập thể thao để kiếm thêm thu nhập. Thậm chí, khi lịch tập luyện quá dày, chân chạy Bắc Giang cũng không thể lo việc kinh doanh mà chuyển hết sang cho bạn mình.

Cách đây vài năm, Oanh từng có ý định xây nhà cho bố mẹ nhưng không nhận được sự đồng ý. Gia đình cô muốn con gái dành tiền để học thêm và cải thiện đời sống cá nhân. Không phụ sự kỳ vọng của cả nhà, Nguyễn Thị Oanh đã tốt nghiệp Thạc sĩ Đại học Thể dục-Thể thao Bắc Ninh cuối năm 2022 và lập nên chiến tích giành tới bốn HCV tại kỳ SEA Games gần nhất. Một khi đã chấp nhận thử thách, Oanh “ỉn” luôn cho thấy ý chí và nghị lực phi thường.

Ảnh: Tuấn Quân.
Ảnh: Tuấn Quân.

Cùng tham dự kỳ SEA Games 32 tại Campuchia, chân chạy Nguyễn Thị Huyền cũng là trường hợp điển hình gặp nhiều bất lợi từ sự sắp xếp của Ban tổ chức. Đương kim vô địch Đại hội ở nội dung 400m buộc phải xuất phát ở làn chạy số 7 và đành chấp nhận về nhì sau chân chạy Malaysia. Thế nhưng, trở ngại này không thể cản bước vận động viên quê Nam Định chiến thắng ở những nội dung tiếp theo, để rồi xác lập kỷ lục chân chạy giành nhiều HCV điền kinh nhất lịch sử SEA Games - 13 tấm HCV.

Mới nhất, tại Giải vô địch điền kinh châu Á 2023, Nguyễn Thị Huyền cùng tổ chạy 4x400m nữ đã giành HCV với thành tích 3 phút 32 giây 36. Đặc biệt, đây là lần thứ hai chân chạy quê Nam Định làm được điều này. “Lần giành huy chương vàng châu Á trước, tôi chưa sinh em bé. Giờ tôi đã làm mẹ lại được thi đấu cùng những đồng đội mới nên cảm xúc cũng khác xưa”, Huyền chia sẻ.

Vận động viên Nguyễn Thị Huyền (Ảnh: Tuấn Quân).
Vận động viên Nguyễn Thị Huyền (Ảnh: Tuấn Quân).

Trong suốt 15 năm theo đuổi đam mê điền kinh, Huyền gây ấn tượng mạnh mẽ với giới chuyên môn và cả người hâm mộ khi quyết tâm trở lại đường chạy chỉ sau ba tháng hạ sinh bé gái đầu lòng. Mới đẻ mổ, lại phải cai sữa sớm, cơ thể cô đau tới mức chạy được quãng ngắn lại nôn. Thế nhưng, khi nghĩ đến cảnh gia đình phải chịu thiệt thòi, Huyền càng cố gắng nỗ lực hơn gấp bội, “để mai này em bé lớn lên thấy thật tự hào về mẹ”.

Chỉ sau một năm, Nguyễn Thị Huyền khiến tất cả sửng sốt khi bảo vệ thành công hai tấm HCV nội dung 400m và 400m vượt rào. Cô chính là biểu tượng về đức hy sinh, nghị lực và ý chí kiên cường của người phụ nữ Việt Nam.

Anh Thư

Những cô gái vàng điền kinh Việt : Khi 'vạch đích' cũng là nhà

Những cô gái vàng điền kinh Việt : Khi "vạch đích" cũng là nhà

Tại Giải vô địch điền kinh châu Á 2023, Việt Nam đã có HCV 4X400m nữ. Đó là thành tích của đội tuyển chỉ có 5 tỷ/ năm cho mọi hoạt động.