Một người đàn bà khóc nức nở khi kể cho bạn nghe một câu chuyện thì đó sẽ là một câu chuyện như thế nào? Chắc phải nghiêm trọng, hay lâm ly bi đát lắm! Thường thì thế, nhưng có lần tôi đã nghe khóc cả tiếng đồng hồ chỉ vì một tấm thiếp cưới.
Người đàn bà đó vừa khóc vừa kể rằng: Anh trai chị mất cách đây đã lâu, để lại vợ cùng một cậu con trai nhỏ... Suốt hai mươi năm, chị dâu không lập gia đình, quyết tâm ở vậy nuôi con khôn lớn trưởng thành. Cả gia đình chị cứ nghĩ rằng chị ấy sẽ cả đời ở vậy. Nhưng thời gian gần đây, khi cậu con trai đã có công ăn việc làm thì mẹ nó về ở hẳn với một người đàn ông (không hôn thú), mà chẳng hề thông báo với gia đình nhà chị (tức gia đình bên chồng). Điều đó khiến cho gia đình chị cảm thấy bị xúc phạm nặng nề. Nhưng, ấm ức vậy thôi, mọi người chẳng có quyền gì ngăn cản, hay thắc mắc.
Cho đến gần đây, cậu con trai (tức cháu chị) quyết định lập gia đình. Thiếp mời đã in xong và được phát tới mọi người trong nhà, nhưng trong đó phần cha, mẹ lại ghi tên mẹ cháu và người đàn ông kia. Cả gia đình chị đều cho rằng, như vậy là không thể chấp nhận được, lẽ ra phải ghi là: “bà quả phụ” mới phải. Vì người đàn ông kia không phải là chồng chính thức của chị dâu, lại càng không phải là bố của chú rể. Làm thế chẳng hoá ra, anh trai chị không hề có vợ, con? Những người đó không thuộc dòng tộc nhà chị?...
Từ hôm nhận được tấm thiếp mời ấy, chị thấy lộn hết cả ruột và cảm thấy không thể chịu đựng được. Chị thương cho người anh trai xấu số của mình; và cũng thương cho danh dự của cả gia đình. Chỉ còn chưa đầy 2 tuần nữa là lễ cưới sẽ diễn ra, nhưng chị không biết làm thế nào cho phải? Nên hay không nên tham dự đám cưới đó? Bố mẹ chị chỉ có mỗi thằng cháu nội duy nhất, ai cũng thương yêu nó, nay nó lập gia đình, làm sao chị có thể không đến?
Nhưng nghĩ tới việc đến đám cưới như một người khách, rồi phải nhìn mặt người chị dâu mà chị cho là bạc tình bạc nghĩa đó, nhìn mặt người đàn ông lạ hoắc lạ hơ thay mặt anh trai mình làm chủ hôn cho cháu chị, chị bực mình lắm. Chị sợ mình sẽ không thể giữ được bình tĩnh và khiến cho ngày vui của cháu mình không được trọn vẹn...
Kể câu chuyện đó xong, người đàn bà ấy xin lỗi đã làm phiền tôi vì câu chuyện thật vớ vẩn. Tôi cũng đã định đồng ý với chị ta rằng chuyện này vớ vẩn thật, rằng tôi chỉ kiên nhẫn nghe vì tôn trọng chị là một giảng viên đại học... Nhưng chưa kịp nói câu ấy thì chị ta lại òa lên khóc: “Hai mươi năm qua chị ấy coi tôi như em gái của mình, chia ngọt, sẻ bùi, sướng khổ có nhau... thế mà bây giờ tôi không đến dự đám cưới thì chị ý buồn lắm! Nhưng mà buồn thế thôi, chứ giờ thì không có tôi chị ý cũng chẳng còn cô đơn nữa”.
Ra là vậy, cái thiếp cưới chỉ là giọt nước cuối cùng, là cái cớ để nỗi bực tức không thể thừa nhận của người phụ nữ ấy bùng lên. Đôi khi, sự đau khổ của con người ta chỉ đơn giản là mất đi một thói quen. Mà với người đàn bà này, đó là thói quen nghĩ mình quan trọng đối với cuộc đời của người khác. Chợt nghĩ đây cũng là một khía cạnh tâm lý thú vị, tôi phát sóng câu chuyện.
Thật ngạc nhiên là có rất nhiều người sau khi nghe câu chuyện phát sóng trên đài đã gọi điện bày tỏ rằng cũng đã trải qua cảm giác đau khổ tương tự. Có thính giả, vốn là một nữ lãnh đạo đã nghỉ hưu được nửa năm rồi nhưng vẫn giữ thói quen đọc báo thấy vấn đề gì đó có liên quan đến đơn vị mình là lại gọi điện nhắc nhở anh em cấp dưới (cũ).
Tôi đã phì cười khi nghe tâm sự đó. Song, một cú điện thoại khác gọi đến, là một phụ nữ lớn tuổi. Chị bảo: Cậu đừng cười. Cậu có biết vì sao có nhiều phụ nữ sẵn sàng sống cả đời với một người đàn ông không xứng đáng hay không? Một người đàn bà yêu một người đàn ông, không phải vì bản thân người đàn ông đó, mà họ yêu cái sự quan trọng của bản thân mình.
Từ đó, mỗi khi nghe lời tỏ tình của đàn bà, tôi biết mình đã bị bắt cóc, tôi biết người đàn bà đó đã nhìn ra điểm yếu nào đó của tôi rồi.
Ga xép
Sau gần 30 năm hương lửa mặn nồng, bỗng dưng người đàn bà ấy chợt nhận ra đời mình chỉ như một ga xép trong hành trình tình yêu của ông xã.