Tiễn đưa bà Bùi Xuân Phái

"Bà Sính ra đi để lại rất nhiều thương yêu và bao kỉ niệm không bao giờ phai mờ trong lòng chúng tôi!" - Hoạ sỹ Văn Dương Thành chia sẻ.

Bài viết là những lời tiễn biệt trang trọng nhưng đầy thân thương của họa sỹ Văn Dương Thành dành cho bà Nguyễn Thị Sính, người bạn đời của danh họa Bùi Xuân Phái, người đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp hội họa của chồng và cho nền nghệ thuật nước nhà.

"Bà Sính ra đi để lại rất nhiều thương yêu và bao kỉ niệm không bao giờ phai mờ trong lòng chúng tôi cũng như trong lòng tất cả những người đã may mắn được gặp bà!" - Hoạ sỹ Văn Dương Thành chia sẻ.

---

Vài dòng tưởng niệm như một nén hương thơm kính dâng Hương linh Bà Bùi Xuân Phái!

Ghi vội lúc 22 giờ đêm ngày 5.6.2024 khi nhận được tin bà đã về với cõi Phật!

Tiễn đưa bà Bùi Xuân Phái (Nhũ danh là Nguyễn Thị Sính, qua đời lúc 06h45 phút ngày 5/6/2024, hưởng thọ 97 tuổi).

Sau cả ngàn đêm nghiền ngẫm từng trang sách về cuộc đời họa sĩ Bùi Xuân Phái, tôi dừng lại ở trang 111. Trước mắt là bức sơn dầu ông vẽ người vợ hiền dịu và nét ký họa bà âu yếm ôm đứa con trai đầu lòng. Đang chìm đắm trong câu chuyện của họ, bất ngờ tiếng chuông điện thoại vang lên. Đầu dây bên kia, giọng nói nghẹn ngào của người nhà báo tin bà Phái đã ra đi trong giấc ngủ yên bình.

Thật kỳ lạ là cả buổi tối nay tôi chỉ đọc và ôn lại những kỉ niệm với bà, như có thần giao cách cảm vậy. Và cứ thế, những hồi ức về bà cứ hiện lên trong tâm trí tôi...

Mẹ đẻ bà Phái là bà Công Tôn Nữ Thuyền Duyệt, con gái của Hoàng tử Tuy Lý Vương - con trai thứ 11 của Vua Minh Mạng. Bố Phái, mẹ Sính cưới nhau quãng năm 1950.

Danh họa Bùi Xuân Phái (01/9/1920 - 24/6/1988) là người có sự nghiệp hội họa đồ sộ, rất nổi tiếng trong và ngoài nước. Chúng ta đều biết rằng, phía sau sự vĩ đại của ông là sự hy sinh thầm lặng và tận tụy, bao dung của người vợ hiền, người bạn đời yêu quý của ông Phái.

Ông bà gặp và quen biết nhau từ nhỏ. Ông hơn bà 7 tuổi. Nhà ông ở phố Thuốc Bắc, bà ở phố Đinh Tiên Hoàng. Họ thường qua lại nhà nhau vì hai nhà có mối quan hệ thông gia.

Đến khi tản cư vào Thanh Hóa ông bà gặp lại nhau. Ông là một thanh niên Hà Nội thanh nhã, lịch thiệp và hơi rụt rè, bà Sính vốn là một nữ sinh Đồng Khánh, dịu dàng và khiêm tốn, bà hầu như không bao giờ nhắc đến xuất thân danh gia vọng tộc của mình.

Tôi không bao giờ quên nụ cười rạng rỡ khi bà kể lại kỉ niệm thời ông bà ở khu kháng chiến chống Pháp. Khi đó ông là một thanh niên tư sản Hà Nội đi theo kháng chiến, ông vẽ minh họa, cổ động cho cuộc kháng chiến và thỉnh thoảng được phát khẩu phần ăn nhưng cũng có những ngày rất túng thiếu. Bà Phái kể lại: “Khi thấy ông đi đến quán cà phê, đôi chân trần trắng muốt không có giày đi trên bùn lầy lội, bà rất xúc động và thương cảm. Bà có tình cảm thương mến ông ngay từ phút đầu gặp gỡ!"

Vợ chồng họa sỹ Bùi Xuân Phái
Vợ chồng họa sỹ Bùi Xuân Phái

Rồi ông bà kết hôn, chính bà đã nuôi dưỡng cuộc sống hạnh phúc và năm người con là kết quả của tình yêu thương. Người phụ nữ nhỏ nhắn dịu dàng luôn có nụ cười tươi thắm - dường như cuộc sống của bà chỉ có một màu hồng. Bà can đảm nhấc bổng gánh nặng cuộc đời, của hai cuộc kháng chiến, của biết bao thăng trầm gian khó - mà tưởng chừng như một người khổng lồ cũng không thể gánh nổi.

Bà chăm chồng yêu con, bất cứ cuộc sống cực nhọc đến đâu bà không một lời than vãn mà luôn có những triết lý rất nhân ái, rất an nhiên tự tại. Bà là người mẹ hiền, đảm đang, là người vợ tào khang đã yêu thương, chăm sóc ông Phái, nâng niu từng giấc ngủ từng bữa ăn trong điều kiện thiếu thốn nhất để ông có thể vượt qua căn bệnh phổi tiếp tục vẽ hàng nghìn bức tranh cho nền hội họa Việt Nam.

Trong gia đình, bà Phái luôn hướng dẫn các con và cháu yêu thương và giữ nề nếp, trên kính dưới nhường. Bà đặc biệt khéo tay trong việc bếp núc, các món ăn của bà là sự kết hợp rất tinh tế giữa ẩm thực Cố đô Huế và Hà Nội. Căn phòng nhỏ xíu 25 mét vuông cho bảy người lại luôn ấm cúng, được nhiều bạn bè ghé thăm vì bà rất chiều và tôn trọng bạn chồng, từ nhà văn Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng cho đến các bạn họa sĩ như: danh họa Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên... Dù túng thiếu đến đâu bà cũng sẵn sàng thiết đãi các bạn của chồng từ một ấm trà pha thơm ngát, một chút trái cây hay một chút rượu làng Vân. Ai đến cũng được tiếp đãi ân cần, chu đáo.

Ông Phái có đức nể vợ, nghĩa là ông nhất nhất nghe theo lời bà từ cái khăn quàng, cái ăn, cái mặc. Chính bà đã chăm sóc ông để ông thả sức sáng tác và ít người ngờ rằng mấy chục năm sau, những bức tranh nhỏ đó đã tỏa sáng trong Bảo tàng Louvre Paris 1999 và Bảo tàng Cổ vật và Nghệ thuật Châu Á tại Stockholm 2000 và rất nhiều Bảo tàng, nhà đấu giá lớn đã trưng bày và giới thiệu những tác phẩm này. Sự đóng góp thầm lặng của bà Phái đã góp phần không nhỏ làm nên sự nghiệp hội họa của ông.

Hoạ sỹ Văn Dương Thành trong một dịp ghé thăm tư gia hoạ sỹ Bùi Xuân Phái
Hoạ sỹ Văn Dương Thành trong một dịp ghé thăm tư gia hoạ sỹ Bùi Xuân Phái

Nửa thế kỷ gia đình má tôi được được quen biết ông bà, bước vào cửa nhà bà là không gian thân mật ấm áp, dù ông phải có nhà hay đi vắng bà cũng nở nụ cười hiền dịu và ân cần đón tiếp bạn bè của chồng. Vì thế nhiều khi chúng tôi - khi đó không có điện thoại - nhớ ông Phái thì cứ sùng sục rủ nhau đến thăm, ông đi vắng thì ngồi chơi với bà lại thấy rất vui!

Nhớ mãi giọng nói trong trẻo, êm ái của bà Phái. Là cô gái có dòng dõi hoàng gia bà rất giỏi nữ công gia chánh. Bà tự đan tay những chiếc khăn len mềm mại và những chiếc mũ rất đẹp cho chồng. Khi thấy tôi ở Thụy điển tuyết rơi bà đã gửi tặng một bộ khăn và mũ mà tôi trân trọng, gìn giữ suốt 30 năm qua! Bà khéo làm mứt mơ, mứt mận, mùa nào thức nấy. Chúng tôi chỉ biết suýt xoa thưởng thức!

Dù cuộc sống vất vả đến đâu, ngày Tết, ngày lễ, bà luôn mặc những bộ áo dài trang nhã, đeo chuỗi hạt, mớ tóc búi cao thật đẹp! Những hình ảnh này đã được ông Phái ghi lại trong nhiều bức tranh sơn dầu quý giá.

Ôi kỷ niệm về bà buổi sáng đầy ắp, có lẽ cả một cuốn sách cũng chưa ghi hết được. Mới đây vài tháng, cùng Hà Nội TV tôi đã đến thăm bà, vẫn nụ cười ấm áp vẫn giọng nói trong trẻo, bà vẫn mặc bộ bà ba gấm rất trang nhã, chuyện trò với chúng tôi mà nhắc nhiều đến họa sĩ Bùi Xuân Phái và nhiều kỷ niệm xa xưa! Ông tạm biệt bà và Hà Nội hơn 30 năm rồi, mà khi gặp tôi bà vẫn thường nói: “Tôi thường nghĩ ông Phái đi chơi đâu quanh phố một chút sẽ quay về! Tôi không nghĩ là ông Phái đã đi hẳn!

Bức chân dung cuối cùng họa sỹ Bùi Xuân Phái vẽ vợ mình - Bà Bùi Thị Sính
Bức chân dung cuối cùng họa sỹ Bùi Xuân Phái vẽ vợ mình - Bà Bùi Thị Sính

Tình yêu của ông bà tuyệt đẹp, nghĩa tào khang của ông bà thật cao quý! Giờ đây bà đã tạm biệt tất cả để đi gặp ông Phái!

Xin hương linh bà về với cõi Phật! Bà ra đi để lại rất nhiều thương yêu và bao kỉ niệm không bao giờ phai mờ trong lòng chúng tôi cũng như trong lòng tất cả những người đã may mắn được gặp bà!

Vài dòng tưởng niệm như một nén hương thơm kính dân Hương linh Bà Bùi Xuân Phái!

Họa sĩ Văn Dương Thành là một trong những họa sĩ nữ tài năng và nổi tiếng của Việt Nam và Châu Á. Bà hiện đang sống và làm việc tại Stockholm, Thụy Điển và Việt Nam.

Bà được biết đến là một trong những họa sĩ nữ tài năng của Châu Á, Văn Dương Thành lớn lên ở Hà Nội và học 12 năm tại Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Từ 1980 - 1987, bà từng nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Văn hóa, Bộ Văn hóa. Từ đó đến nay, bà đã tổ chức nhiều cuộc triển lãm cá nhân và tập thể trên khắp thế giới.

Văn Dương Thành nổi tiếng với những tác phẩm tranh sơn dầu và lụa, thể hiện vẻ đẹp của thiên nhiên và con người Việt Nam. Bà thường sử dụng màu sắc tươi sáng và bố cục hài hòa để tạo nên những bức tranh đầy sức sống và cảm xúc. Các tác phẩm của bà thường mang đậm tính nhân văn và phản ánh những vấn đề xã hội đương đại.

Các tác phẩm tiêu biểu: "Mùa xuân trên bản làng", "Em bé H'Mong", "Thiếu nữ bên hồ", "Chợ quê", "Hội An"...

Tác giả: Họa sỹ Văn Dương Thành

Vợ cố danh họa  Bùi Xuân Phái qua đời ở tuổi 97

Vợ cố danh họa Bùi Xuân Phái qua đời ở tuổi 97

Bà Nguyễn Thị Sính - vợ của danh hoạ Bùi Xuân Phái - vừa qua đời ngày 5/6 tại Hà Nội, hưởng thọ 97 tuổi