Hãy tưởng tượng, bạn đang ngồi trong một không gian yên tĩnh, giữa hương thơm của trà tỏa ra khắp phòng. Trước mặt bạn là một người phụ nữ với nụ cười dịu dàng, đôi tay nhẹ nhàng rót từng giọt trà trong suốt từ chiếc ấm nhỏ. Bạn cầm chén trà, nhấp một ngụm, cảm nhận hương vị ngọt ngào, đằm thắm chảy qua đầu lưỡi, và điều lạ lùng là... bạn nghe thấy gì đó. Phải rồi, trà đang thì thầm. Nhưng không phải chính lá trà đang lên tiếng, mà là Trà nương - cô gái đã tạo ra khoảnh khắc yên bình này - đang kể câu chuyện thay trà.
Nghệ thuật của người phụ nữ pha trà: hơn cả kỹ năng là tâm hồn
Trà nương không phải chỉ là một người pha trà. Ồ, điều đó dễ quá! Nếu chỉ là đun nước, ngâm lá trà và rót ra chén thì có lẽ ai cũng làm được. Nhưng với Trà nương, việc pha trà là cả một màn “biểu diễn”. Cô không chỉ đơn thuần kết nối giữa trà và người thưởng trà mà còn mang theo cả thế giới riêng của trà để trao lại cho người uống. Cô kể chuyện trà, bằng chính tay nghề và tâm hồn nhạy cảm của mình.
Trong văn hóa Việt, trà luôn có chỗ đứng đặc biệt. Người Việt uống trà không chỉ vì khát mà còn là để lắng nghe câu chuyện của nhau. Cụ ông cụ bà ngồi uống trà dưới gốc cây đa, kể nhau nghe chuyện làng, chuyện nước. Trẻ con lại được nghe những câu chuyện thần tiên từ bà trong những chiều lộng gió, với chén trà xanh bốc khói thơm phức. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó, trà vẫn chỉ là thức uống. Lúc này, thông qua bàn tay của cô Trà nương, trà đã được thổi hồn và trở thành cầu nối giữa quá khứ và hiện tại.
Người Trà nương trong văn hóa Việt không chỉ là người phục vụ trà. Họ hiểu rằng mỗi chén trà mà mình pha ra đều mang theo tâm tình của người thưởng trà. Ví dụ, trong một buổi trà tâm giao giữa bạn bè, người Trà nương sẽ chọn loại trà thanh nhẹ để tạo không gian dịu dàng, mở lòng. Trong khi đó, nếu trà được dùng trong một buổi lễ, thì trà shan tuyết - với hương vị đậm đà và quý phái - sẽ thể hiện sự trang trọng, tôn kính. Cô Trà nương là người hiểu rõ ai đang uống trà, và câu chuyện nào mà trà muốn gửi gắm.
Không chỉ trong văn hóa Việt, Trà nương còn có vai trò quan trọng trong nhiều nền văn hóa khác trên thế giới. Ở Nhật Bản, trà đạo đã trở thành một biểu tượng của sự tĩnh lặng và thiền định. Và trong không gian trà ấy, người phụ nữ pha trà – hoặc “Trà sư” như họ được gọi ở Nhật – cũng chính là người kể chuyện. Họ không chỉ pha trà, mà còn dẫn dắt người thưởng trà vào một trạng thái yên tĩnh và kết nối sâu sắc với tự nhiên. Mỗi động tác trong quá trình pha trà đều mang ý nghĩa và câu chuyện riêng, từ cách đong lá trà cho đến cách khuấy nước.
Trà nương, ở Việt Nam, dù không thực hành nghi thức trà đạo cầu kỳ như ở Nhật, vẫn có sự tinh tế không kém. Ví dụ, khi pha trà Bạch Hạc (một loại chè ta đặc sản Thái Nguyên) sẽ không chỉ đơn thuần là cho trà vào ấm rồi rót nước sôi vào. Mà cô sẽ chọn nhiệt độ nước dựa theo trà, người tham gia lứa tuổi nào hay giới tính nào, tâm trạng và tình trạng sức khoẻ ra sao… Một loạt các câu hỏi ấy cần được giải đáp ngay trong lúc… rót trà. Trà, qua bàn tay của Trà nương, là phương tiện để thể hiện tình cảm. Trong không gian trà, họ lắng nghe không chỉ trà, mà còn cả những cảm xúc, tâm trạng của người dùng. Từ việc quan sát cách người uống nhấp môi, biểu hiện gương mặt khi thưởng thức ngụm trà đầu tiên, họ có thể hiểu được tâm trạng của người thưởng trà và điều chỉnh trải nghiệm sao cho phù hợp nhất.
Lúc ấy, trà được dùng như một ngôn ngữ biểu đạt: đó là tầng cao nhất của việc dùng trà.
Tiếng nói của trà qua bàn tay Trà nương
Trà, vốn không biết nói, nhưng Trà nương sẽ thay trà lên tiếng. Họ là người làm cho trà sống động qua cách thức pha, rót trà, cách bố trí không gian... Mỗi thao tác, từ việc pha đến cách phục vụ, đều trở thành phương tiện để trà giao tiếp với người uống.
Trước khi bước vào vai trò người kể chuyện, Trà nương phải hoàn thiện kỹ năng cơ bản nhất - pha trà. Từ việc chọn đúng loại trà, điều chỉnh nhiệt độ nước cho phù hợp đến thời gian ngâm trà, tất cả đều đòi hỏi sự tinh ý và lòng thành. Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn nhận kỹ thuật pha trà như một quy trình rót nước vào - đổ nước ra, thì chúng ta đã bỏ lỡ phần “tinh hoa” của quá trình này.
Một Trà nương thực thụ không chỉ làm chủ kỹ thuật, mà còn là người thấu hiểu từng loại trà mà mình đang pha. Đối với họ, mỗi loại trà, mỗi lá trà đều có một câu chuyện riêng, một xuất xứ đặc biệt. Câu chuyện của trà không chỉ gói gọn trong hương - vị của lá trà, mà còn phản ánh cả những giá trị văn hóa, tinh thần, từ vùng đất nơi nó được trồng.
Ngoài ra, trong mỗi hành động của Trà nương, cô ấy luôn hiểu rằng việc pha trà là một… nghi lễ, với trà, và với người dùng trà. Việc rót trà nhẹ nhàng có thể gợi lên sự tĩnh lặng, trong khi đó, việc pha trà với tất cả sự cẩn trọng có thể truyền tải thông điệp về lòng chân thành. Trà nương, trong mỗi buổi trà, luôn chú ý đến những chi tiết nhỏ nhặt nhất, từ tiếng nước chảy, hương thơm thoang thoảng, cho đến màu sắc của trà trong chén. Họ không thể ép buộc trà vào một khuôn khổ cố định, mà phải lắng nghe trà, thấu hiểu từng loại trà để mỗi buổi thưởng trà trở thành một cuộc đối thoại tinh tế giữa con người và thiên nhiên. Từ đó, họ dẫn người dùng trà bước vào thế giới của những chiếc lá đã tồn tại hàng nghìn năm, thay mặt nó cất lên một bài hát nho nhỏ về gió, nước cùng không khí.
Kết lại buổi trà, thay vì thuyết phục hay nói những điều to tát về vũ trụ trong chén trà, như thiền sư Thích Nhất Hạnh đã có viết “uống trà đi”. Đó là tất cả những gì Trà nương hướng đến, hay, cố gắng truyền cảm hứng đi xa.
Trà nương trong đời sống hiện đại: bắc qua thế giới để kể câu chuyện Việt.
Ngày nay, cuộc sống hiện đại đã cuốn đi không ít giá trị văn hóa truyền thống. Trải qua lịch sử chiến tranh liên miên và những lần đứt gãy, chúng ta tuy vẫn giữ được nhiều tinh hoa văn hóa nhưng vẫn thiếu rất nhiều điều, nhất là trong trà. Những buổi uống trà tưởng chừng như xa vời với lối sống gấp gáp, nhưng kỳ thực, người ta lại càng cần đến với trà hơn bao giờ hết.
Và lúc này đây, Trà nương đã trở thành một cây cầu, họ bắt đầu có vai trò trong xã hội. Họ kết nối giữa trà và người dùng trà vào trong không gian yên tĩnh, bắc qua cuộc sống bận rộn để đưa trà tới người dùng bằng các công cụ pha trà và dùng trà khác nhau sao cho tiện dụng nhất, phù hợp nhất trong hoàn cảnh sử dụng.
Đồng thời, để đưa trà Việt đi muôn nơi, họ cần mở rộng tầm nhìn, băng qua nhiều nền văn hóa trà khác nhau trên thế giới. Họ tạo ra các trải nghiệm mới lạ ở những nơi họ học được khi đi qua, kể lại câu chuyện trà cho mọi người, biến trà từ một thức uống luôn mang nhiều định kiến “già dặn” trở thành một phần của lối sống đương đại, phù hợp với thị hiếu và phong cách của thế hệ trẻ.
Trà nương không chỉ đơn thuần là người pha trà, mà còn là người truyền tải tinh hoa của thiên nhiên và văn hóa qua từng chén trà. Với đôi tay uyển chuyển và trái tim nhạy cảm, Trà nương kể lại câu chuyện của mỗi chiếc lá, như đang gợi lên ký ức về hồn xưa, dẫn dắt người thưởng trà vào không gian thanh tĩnh và an nhiên.
Nghề Trà nương đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên nhẫn và tâm huyết, nhưng chính nhờ vậy mà mỗi buổi trà trở thành khoảnh khắc thiêng liêng, nơi con người có thể tạm lắng lòng, tìm về sự quân bình giữa cuộc sống bộn bề.
Nguyễn Du từng viết:
Người đẹp bên hoa sánh đôi,
Tay pha chén ngọc trao người ly thơm
Nghề Trà nương, tuy khắc nghiệt và đòi hỏi sự tinh thông, nhưng chính sự khắt khe đó đã làm nên giá trị cao quý và sự trân trọng dành cho nghề này.
“Mai sớm một tuần trà”
Hãy cùng tôi nhắp một chén trà đang tỏa hương thơm ngát, cùng chào đón những điều trong trẻo, đẹp đẽ đang diễn ra tự giây phút này!