Triển lãm của Rosemarie Trockel và Lại Diệu Hà: Sự giao thoa của những ý niệm nghệ thuật và nữ quyền

Triển lãm của hai nữ nghệ sĩ Đức và Việt Nam tổ chức tại Hà Nội là sự kiện bản lề nhân kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Đức - Việt vào năm 2025.

Nghệ thuật đương đại như một tấm gương phản chiếu xã hội, luôn đặt ra những câu hỏi sâu sắc về bản thân nghệ sĩ, về nghệ thuật, và về thế giới xung quanh.

Nghi thức khai mạc triển lãm của Rosemarie Trockel và Lại Diệu Hà tại Hà Nội 
Nghi thức khai mạc triển lãm của Rosemarie Trockel và Lại Diệu Hà tại Hà Nội 

Nghệ sĩ Rosemarie Trockel sinh năm 1952 tại Schwerte - một thành phố nhỏ ở Đức. Sau khi theo học các môn xã hội học, nhân học, tôn giáo và toán học, bà quyết định trở thành một nghệ sĩ bằng việc năm 1974 theo học ở một trường nghệ thuật tại Cologne.

Tại Đức, vào những năm 1980, Rosemarie Trockel là nữ nghệ sĩ Đức duy nhất xây dựng được sự nghiệp mang tầm quốc tế, trở thành nữ nghệ sĩ đầu tiên đại diện cho Đức tham dự liên hoan nghệ thuật danh giá nhất thế giới - Venice Biennale - vào năm 1999. Trong một bối cảnh nghệ thuật phần lớn do nam giới chi phối, Trockel đã sáng tạo ra những tác phẩm phê phán, thách thức các hệ thống, quan điểm, khái niệm và hình mẫu giới tính áp đặt cho cả phụ nữ và đàn ông, không chỉ trong nghệ thuật mà còn trong xã hội nói chung.

Chùm tác phẩm của nghệ sĩ Rosemarie Trockel
Chùm tác phẩm của nghệ sĩ Rosemarie Trockel

Hiện nay, Rosemarie Trockel là một trong những nghệ sĩ ý niệm quan trọng nhất thế giới còn sống, ghi dấu ấn sâu đậm trong lịch sử nghệ thuật. Có một điều đặc biệt ở Rosemarie Trockel là bà hầu như không xuất hiện ở các lần triển lãm của mình và cũng khó kiếm tìm trên mạng xã hội hình ảnh của bà. Ngay cả vài hình ảnh về bà trong phần trình bày của nữ giám tuyển An Paenhuysen vừa diễn ra ở buổi tọa đàm tại Hà Nội cũng rất mờ ảo.

Tác phẩm “Vô đề 10” của nghệ sĩ Rosemarie Trockel 
Tác phẩm “Vô đề 10” của nghệ sĩ Rosemarie Trockel 

Triển lãm lần này tại Hà Nội là lần đầu tiên tác phẩm của Trockel xuất hiện tại Đông Nam Á, thuộc chương trình triển lãm lưu động do ifa - Institut für Auslandsbeziehungen (Viện Quan hệ Đối ngoại Đức) khởi xướng, bao gồm các nghệ sĩ hàng đầu khác như Gerhard Richter, Sigmar Polke và Georg Baselitz. Trước đó, triển lãm của bà đã được trưng bày tại 42 điểm bao gồm các thành phố ở Mỹ, châu Âu, Mỹ Latinh, Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Quốc...  

Tại Việt Nam, vào đầu những năm 2010, Lại Diệu Hà (sinh năm 1976 trong một gia đình giàu truyền thống hội họa, đã tốt nghiệp ĐH Mỹ thuật Việt Nam ở năm 2005) đã trở thành biểu tượng của nghệ thuật trình diễn khi ở tuổi ngoài 30, với những màn trình diễn vừa quyền lực vừa thơ mộng, sử dụng cơ thể chính mình như đối tượng và phương tiện.

Tác phẩm “Phản chiếu ngược” của nghệ sĩ Lại Diệu Hà 
Tác phẩm “Phản chiếu ngược” của nghệ sĩ Lại Diệu Hà 

Diệu Hà là nghệ sĩ nữ đầu tiên tại Việt Nam bán thành công tác phẩm trình diễn dưới dạng video. Đến năm 2023, nghệ sĩ này gây bất ngờ khi giành giải Bạc trong cuộc thi UOB Painting of the Year tại Việt Nam - một trong những giải thưởng hội họa uy tín ở khu vực châu Á. Năm 2024, những tác phẩm điêu khắc mềm, có thể mang tính ứng dụng và dễ dàng đi vào đời sống thường nhật, đã trở thành những tác phẩm quan trọng nhất của nữ nghệ sĩ này.

Sau gần 20 năm hoạt động, Diệu Hà không chỉ được công nhận là một trong những nghệ sĩ trình diễn quan trọng của Việt Nam, mà còn không ngừng mở rộng phương thức thực hành và ranh giới cho chính khái niệm nghệ thuật trình diễn, tạo tiếng vang mạnh mẽ trong và ngoài nước. 

Tác phẩm “Chi tiết tràn khoảng tối” của nghệ sĩ Lại Diệu Hà
Tác phẩm “Chi tiết tràn khoảng tối” của nghệ sĩ Lại Diệu Hà

Có một điểm chung giữa Rosemarie Trockel và Lại Diệu Hà là họ không muốn những sáng tạo nghệ thuật của mình chỉ được diễn giải qua lăng kính giới, không thích được phân loại với nhãn “nữ nghệ sĩ”.

Triển lãm nhóm của Rosemarie Trockel và Lại Diệu Hà được tổ chức từ ngày 7/12/2024 đến 3/1/2025 tại không gian nghệ thuật The Outpost (tầng 2, tòa nhà B1, Roman Plaza, trên đường Tố Hữu, quận Nam Từ Liêm - Hà Nội) và Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (36 Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm - Hà Nội), giới thiệu chân dung hai nghệ sĩ - một từ Đức và một từ Việt Nam - là những đại diện nổi bật, tiếng nói nữ giới mạnh mẽ trong bối cảnh nghệ thuật đương đại quốc tế. 

Triển lãm nhóm kết hợp hai nghệ sĩ xuất sắc này ở Hà Nội đã mang đến cho công chúng một cái nhìn toàn cảnh về sự nghiệp của họ. Hơn 60 tác phẩm ý niệm của Rosemarie Trockel - từ tranh vẽ, tranh dệt, ảnh, video, đến sắp đặt, không chỉ chứa đựng nhiều ẩn ý sâu sắc mà còn mở ra không gian tự do biện giải cho khán giả. Trong khi đó, chỉ với 4 tác phẩm - bao gồm tranh và điêu khắc mềm/vải, 4 giai đoạn chính trong sự nghiệp của Lại Diệu Hà đã dần lộ diện.

Một góc triển lãm
Một góc triển lãm

Cùng nhau, họ dệt nên những phối cảnh về nghệ thuật đương đại và xã hội đương đại, cũng như những thân phận con người trong bối cảnh ấy. Có 12 tác phẩm được trưng bày tại sảnh chính tầng 1 của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và phần còn lại trong toàn bộ không gian triển lãm của The Outpost. Lý giải về việc sẻ chia trưng bày tác phẩm ở 2 nơi, các nhà tổ chức triển lãm cho biết, là bởi các tác phẩm cần được đặt trong một không gian kín, có điều kiện nhiệt độ phù hợp với việc bảo quản, mà The Outpost là một địa điểm như vậy.

Đây là cơ hội không thể bỏ lỡ cho khán giả để được chiêm ngưỡng những tác phẩm nguyên bản, đa dạng về hình thức thể hiện, của một nghệ sĩ đương đại thành danh và có tầm ảnh hưởng quốc tế - cũng như khám phá những sáng tạo chưa từng được công bố của một nghệ sĩ đương đại hoạt động tích cực, bền bỉ, và quyết liệt tại Việt Nam.

Trong khuôn khổ triển lãm, buổi tọa đàm với chủ đề “Nghệ thuật Ý niệm và tiếng nói Nữ quyền” xoay quanh triển lãm nhóm của Rosemarie Trockel và Lại Diệu Hà đã diễn ra ở tối 8/12/2024 tại Viện Goethe Hà Nội, với sự tham gia của các diễn giả: Nghệ sĩ Lại Diệu Hà, giám tuyển An Paenhuysen, giám tuyển Nguyễn Anh Tuấn, cùng sự điều phối của nhà hoạt động văn hóa Trương Uyên Ly. Buổi tọa đàm đã giúp công chúng hiểu hơn về quá trình sáng tạo nghệ thuật và những thông điệp mà các tác phẩm mà Rosemarie Trockel và Lại Diệu Hà muốn gửi gắm.

Tại buổi tọa đàm với chủ đề “Nghệ thuật Ý niệm và tiếng nói Nữ quyền”, từ trái sang: Giám tuyển An Paenhuysen, nghệ sĩ Lại Diệu Hà, giám tuyển Nguyễn Anh Tuấn, nhà hoạt động văn hóa Trương Uyên Ly. Ảnh: L.Q.V 
Tại buổi tọa đàm với chủ đề “Nghệ thuật Ý niệm và tiếng nói Nữ quyền”, từ trái sang: Giám tuyển An Paenhuysen, nghệ sĩ Lại Diệu Hà, giám tuyển Nguyễn Anh Tuấn, nhà hoạt động văn hóa Trương Uyên Ly. Ảnh: L.Q.V 

Ngoài ra, vào chiều các ngày 14, 15, 21, 22/12/2024, có chuỗi các buổi tham quan cùng các chuyên gia trong lĩnh vực nghệ thuật, bao gồm tour bằng ngôn ngữ ký hiệu, tại không gian nghệ thuật The Outpost.

Là một sự kiện bản lề nhân dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Đức - Việt vào năm 2025, triển lãm nhóm của Rosemarie Trockel và Lại Diệu Hà - kết quả của việc hợp tác giữa Goethe Hà Nội, ifa, The Outpost, và Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam - hứa hẹn sẽ trở thành một điểm nhấn văn hóa quan trọng tại Việt Nam nói riêng và tại Đông Nam Á nói chung.

Lê Quang Vinh

Ở tuổi 82, nữ họa sĩ Nguyễn Thị Mỹ vẫn đắm say vẻ đẹp các loài hoa

Ở tuổi 82, nữ họa sĩ Nguyễn Thị Mỹ vẫn đắm say vẻ đẹp các loài hoa

Chiều 3/12, triển lãm “Bốn mùa hoa” của họa sĩ Nguyễn Thị Mỹ đã khai mạc. Đây là triển lãm cá nhân lần 7 của nữ họa sĩ ở thềm tuổi 82